Ai Cập: Lửa vẫn cháy

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau nhiều ngày trì hoãn, kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 Ai Cập đã được công bố với phần thắng thuộc về ông Mohamed Morsi, ứng cử viên của Đảng Tự do và công lý thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo với tỷ lệ phiếu bầu đạt 51,7%.

Kết quả này được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới trong lịch sử của quốc gia Bắc Phi này sau hơn 1 năm rơi vào bất ổn kể do phong trào Mùa xuân Ả rập bùng phát. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, việc ông Morsi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lịch sử này không đồng nghĩa với việc trật tự và hòa bình sẽ nhanh chóng được lập lại tại Ai Cập. Giữa lúc những người ủng hộ tân Tổng thống vừa đắc cử Morsi tổ chức ăn mừng rầm rộ thì những người vốn đã giúp cựu Thủ tướng Ahmed Shafiq có được 48,3% số phiếu đã biểu lộ rõ sự thất vọng. Các biện pháp an ninh vẫn được thắt chặt trong thời điểm trước và sau bầu cử cho thấy xã hội Ai Cập đang bị phân hóa nghiêm trọng theo hai đường hướng chính trị khác nhau. 

Đặc biệt, hiện vẫn chưa rõ quyền tự do trong việc ra quyết định của tân Tổng thống sẽ ở mức nào khi Hiến pháp mới của Ai Cập quy định quyền hành của người đứng đầu đất nước còn chưa được thông qua. Quốc hội với đa số nghị sĩ xuất thân Hồi giáo đã bị giải thể theo quyết định của Tòa án trong khi Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang đã tiếp quản cơ quan lập pháp, và hạn chế đáng kể quyền lực của Tổng thống. Các sự kiện này dẫn đến tình trạng ông Morsi không phải là lãnh đạo tối cao thực sự của Ai Cập và rất khó để thực hiện các chính sách của mình. Bản thân ông Morsi cũng nhận ra một thực tế là “cuộc cách mạng hiện vẫn đang tiếp tục cho đến khi tất cả các mục tiêu được hoàn thành”. Trong bối cảnh, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng đến mức đáng lo ngại, các chi phí sinh hoạt cũng tiếp tục leo thang, rất khó để tân Tổng thống thực hiện được những lời hứa hào phóng được đưa ra trong cuộc vận động tranh cử với khả năng thực tế của quốc gia. Khi đó, bất ổn sẽ vẫn là căn bệnh vô phương cứu chữa mà Ai Cập mắc phải.

Trong lúc hầu hết người dân Ai Cập đón nhận kết quả của cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên này như một hồi kết có hậu của phong trào Mùa xuân Ả rập, lãnh đạo phương Tây lại cảm thấy bất an hơn bao giờ hết. Mặc dù, ngay khi vừa đắc cử, ông Morsi đã từ bỏ đảng phái để trở thành “Tổng thống của mọi người dân”, nhưng việc lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại Ai Cập có một nhà lãnh đạo tối cao xuất thân Hồi giáo chắc chắn sẽ củng cố vị thế của các giáo phái theo đạo Hồi. Kế hoạch bình thường hóa quan hệ với Iran, vốn bị cắt đứt từ năm 1980 mà ông Morsi đưa ra trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị mới là lời cảnh báo với tham vọng cô lập Tehran của phương Tây. 

Tình thế của Ai Cập sau cuộc bầu cử đầy tranh cãi cho thấy ngọn lửa bất ổn vẫn đang âm ỉ cháy, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của dân thường nước này nói riêng và vận mệnh của đất nước Bắc Phi này nói chung./.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần