Ai chịu trách nhiệm?

Nhật Uyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 2.000 trẻ tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) được gia đình cấp tốc đưa về Hà Nội xét nghiệm tìm sán lợn là vụ việc chưa từng có tiền lệ.

Hơn 200 trẻ đã xác định nhiễm sán lợn và chưa phải là con số cuối cùng. Không chỉ người dân huyện Thuận Thành, Bắc Ninh hoang mang, lo lắng, mà đây còn là nỗi lo của mọi người dân có con trong độ tuổi đi học.
Thực tế, mỗi năm có hàng chục vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng trăm, hàng nghìn học sinh ngộ độc trên cả nước. Vì lợi ích, không ít đơn vị cung cấp bữa ăn cho nhà trường không chỉ có hành vi bớt xén khẩu phần mà còn đang tâm “thẩm lậu” vào bếp ăn cả thực phẩm bẩn. Môi trường học đường tưởng chừng là an toàn nhất, nhưng lại đầy rẫy mối lo và nguy cơ, nào là tai nạn thương tích, bạo lực học đường và cả mối lo thực phẩm mất an toàn. Riêng về ATTP, đã có quy định pháp lý rất chặt chẽ, tất cả thực phẩm đưa vào bếp ăn trường học đều phải do đơn vị có đủ tư cách pháp nhân cung cấp và tất nhiên phải đảm bảo các điều kiện ATTP.
Nhà trường có trách nhiệm giám sát hoạt động này và phải chịu trách nhiệm chính trong công tác lựa chọn và giám sát thực phẩm. Tuy vậy, do sự lơ là, thiếu trách nhiệm hoặc cố tình tiếp tay của một số nhà trường, thực phẩm bẩn vẫn “chui” qua được lỗ hổng quản lý và vào dạ dày học sinh.
Vụ việc ở Thuận Thành, Bắc Ninh, nếu đúng là do thịt lợn tại bếp ăn nhà trường, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về DN cung cấp. Dù vậy, nhà trường và cá nhân Hiệu trưởng không thể vô can. Ở hầu hết các trường học hiện nay, mặc dù phụ huynh đóng toàn bộ chi phí (kể cả phí phục vụ bữa ăn bán trú) cho con mình nhưng hầu như họ không có quyền quyết định việc lựa chọn hay giám sát đơn vị cung cấp thực phẩm cho con em mình. Rất nhiều vụ việc để lại hậu quả nghiêm trọng, phụ huynh mới biết đến đơn vị cung cấp thực phẩm, thậm chí nhiều đơn vị bị phát hiện chưa được cấp chứng nhận an toàn, có đơn vị không trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm mà nhập hàng trôi nổi từ chợ đầu mối rồi dán mác thực phẩm an toàn… để cung cấp cho trường học kiếm lời. Đó quả thực là “tội ác”, bởi nó liên quan đến sức khỏe, tính mạng của học sinh – thế hệ tương lai của đất nước.
Cứ sau mỗi vụ việc, báo chí vào cuộc, dư luận bày tỏ nỗi bức xúc, như thường lệ, ngành chức năng lại yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm và xử lý nghiêm. Nhưng dường như, từ bộ, ngành đến chính quyền địa phương, trường học, chưa có tiền lệ người đứng đầu đứng ra nhận trách nhiệm về mình. Chẳng lẽ, quản lý an toàn thực phẩm mãi vẫn là vấn đề “cha chung không ai khóc”? Bao giờ học sinh, người dân được sử dụng thực phẩm sạch vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ, là mối lo chung của người dân và toàn xã hội.