Robot sophia trả lời phỏng vấn trong khi có mặt tại Hà Nội dự hội thảo quốc tế về cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Công Hùng |
AI là trụ cột của nền kinh tế
Vào mỗi sáng trên đường lái xe đến nơi làm việc, bạn có thể nắm bắt tin tức thời sự trên báo chí nhưng vẫn bảo đảm lưu thông an toàn, bởi thay vì đọc như trước đây, nghe sẽ là cách tiếp nhận thông tin. Các bài báo có độ dài từ hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn từ sẽ được truyền tải với chất giọng tự nhiên, đúng ngữ cảnh và thay đổi tùy từng vùng miền giúp người nghe dễ dàng nắm bắt hơn. Sự tiện lợi này đến từ trợ giúp của AI, khi chuyển đổi văn bản thành giọng nói, công nghệ hiện đang được áp dụng tại nhiều tờ báo điện tử lớn trong nước.
Năm 2018, ngành công nghiệp AI tăng trưởng hơn 70% so với năm 2017, tương đương 200 tỷ USD. Đến năm 2030, AI sẽ gia tăng lợi nhuận kinh tế thêm 13.000 tỷ USD, đóng góp 1,2% GDP toàn cầu. AI được nhìn nhận là có khả năng trở thành công nghệ đột phá nhất trong 10 năm tới. |
Không chỉ bó hẹp trong một lĩnh vực như đa phần các công nghệ, AI có thể hiện diện tại khắp mọi mặt của xã hội. Có thể kể đến như giúp vận hành xe không người lái, khám chữa bệnh tự động không cần bác sĩ, làm trợ lý ảo quản lý một căn hộ... Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, AI sẽ giúp nâng cao tối đa hiệu suất, giảm tối đa nhân sự là người thật khi thay thế vào đó là công nghệ tự động hóa với nhân công là những robot.
Nhìn rộng ra trên thế giới đã có nhiều quốc gia phát triển coi AI là trụ cột cho sự tăng tốc của nền kinh tế. Không nằm ngoài xu thế đó, AI cũng được Việt Nam xác định là công nghệ mũi nhọn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khi liên tiếp đưa ra các chương trình khoa học trọng điểm, hỗ trợ nghiên cứu.
Ngay từ năm 2014, AI đã được đưa vào danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển khi Chính phủ xác định đây là một trong các công nghệ đột phá cần tổ chức triển khai nghiên cứu. Tiếp đó, đến tháng 10/2018, Bộ KH&CN đã ban hành Kế hoạch triển khai "Nghiên cứu và Phát triển AI đến năm 2025" nhằm liên kết các bên phát triển, nghiên cứu, triển khai và ứng dụng công nghệ AI, thúc đẩy công nghệ phát triển ở các lĩnh vực trọng điểm, có thế mạnh. Trong "Chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" đang được Bộ KH&ĐT xây dựng, AI cũng được đặt là một trong các ngành công nghệ ưu tiên cần tập trung các nhóm chính sách để thúc đẩy phát triển.
Nói về vai trò của AI với tương lai của Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng khẳng định: "Trí tuệ nhân tạo không chỉ là câu chuyện về khoa học mà là vấn đề kinh tế xã hội để đưa đất nước phát triển". Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam có xuất phát điểm thấp hơn so với các nước, do đó cần phải đi nhanh hơn, bền vững hơn và AI chính là phương tiện để thực hiện điều này, nếu không biết tận dụng cơ hội sẽ qua đi.
Bản chất của AI là phát triển một xã hội an toàn, văn minh thông qua việc ứng dụng trong thực tế như thành phố thông minh, hỗ trợ di chuyển, kiểm soát an ninh, bảo mật thông tin... tất cả đều phục vụ một đất nước hùng cường. Nhưng để có thể tận dụng tốt cơ hội mà AI mang lại, không chỉ cần sự nỗ lực từ Chính phủ mà còn cần sự chung tay, đóng góp từ những người trẻ và DN.
Thách thức nhân sự và dữ liệu lớn
Mặc dù AI đang có rất nhiều tiềm năng để phát triển tại Việt Nam khi luôn nhận được sự ủng hộ từ mặt chính sách cho đến mức độ rộng lớn của thị trường. Tuy nhiên, để cụ thể hóa những lợi thế trên vẫn còn rất nhiều thách thức cần được vượt qua.
Theo bảng xếp hạng Chỉ số về đột phá AI của các TP trên thế giới do Tổ chức Oliver Wyman công bố, trong 105 TP tham gia, Hà Nội được xếp thứ 87 và TP Hồ Chí Minh đứng thứ 95. Chỉ số này được đánh giá dựa trên 4 tiêu chí khác nhau gồm: Tầm nhìn (chất lượng kế hoạch phát triển về AI của một TP); Khả năng thực hiện; Cơ sở tài sản (bao gồm chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục và cơ sở hạ tầng) và Đường hướng phát triển. |
Cũng giống như nhiều ngành công nghệ thông tin khác của Việt Nam, AI đang phải đối mặt với vấn đề cực kỳ nan giải là thiếu hụt nguồn nhân lực. Theo các thống kê, có tới 73% số công ty công nghệ tại Việt Nam muốn ứng dụng AI trong hoạt động kinh doanh của mình, do đó họ sẵn sàng trả lương lên tới hơn 500 triệu đồng/năm cho các kỹ sư mảng này nhưng thực tế việc tìm kiếm nhân sự đủ trình độ hiện là cùng khó khăn. Trên thực tế nguồn nhân lực AI hiện nay của Việt Nam được đánh giá chỉ đáp ứng 1/10 nhu cầu thị trường.
Nói về thực trạng này, giám đốc mảng dữ liệu của một ngân hàng lớn chia sẻ: Phải mất 4 năm mới có thể tuyển dụng được 3 vị trí chuyên về AI nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu về công việc thực tế. Họ giỏi về AI nhưng lại ít am hiểu về chuyên môn nghiệp vụ ngân hàng. Do đó những giải pháp được đưa ra mặc dù rất tốt nhưng người dùng lại khó sử dụng vì quá khó hiểu.
Một trong những khó khăn lớn khác mà hầu hết các DN phát triển AI tại Việt Nam đều gặp phải là chưa có nhiều dữ liệu lớn. Bởi trái tim của AI không phải là các thuật toán mà chính là dữ liệu, phải có dữ liệu tốt và đủ lớn thì mới có thể tạo ra một ứng dụng AI hoàn hảo. Tại các quốc gia phát triển như Mỹ, nơi dữ liệu đã được chuẩn hóa, DN chỉ cần bỏ tiền ra mua những dữ liệu này về để nâng cấp hệ thống AI nhưng ở Việt Nam để thực hiện điều này là không hề đơn giản.
Nhìn nhận được khó khăn mang tính mấu chốt này, “Hệ tri thức Việt số hoá” đã chính thức được khởi động vào đầu năm 2018. Mặc dù vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nhưng đây được xem là một nền tảng của dữ liệu lớn và đầy hữu ích cho phát triển AI khi trải dài từ các lĩnh vực khoa học, giáo dục, giao thông cho đến y tế, tài chính... Được biết, các dữ liệu đóng góp vào hệ thống sẽ được đội ngũ phát triển chuẩn hóa dữ liệu cũng như hoàn thiện hạ tầng để các DN có thể dễ dàng tham gia, khai thác nguồn tài nguyên quý giá này.
Như vậy có thể thấy, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và không thể giải quyết dứt điểm trong thời gian ngắn nhưng với sự nỗ lực của Chính phủ cũng như cộng đồng DN, AI của Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới. Không chỉ ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống, việc hy vọng AI Việt Nam có thể tiến ra thế giới là hoàn toàn khả thi.