Ai đủ sức “cứu” Thỏa thuận hạt nhân Iran?

Nguyễn Phương (Nytimes)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu trả lời có thể sẽ là châu Âu - nếu họ may mắn cũng như đảm bảo được các lợi ích kinh tế của Iran trước lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Sau 1 năm kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Iran, quốc gia Hồi giáo này đã thực hiện chính sách mà Tổng thống Hassan Rouhani mô tả là “sự kiên nhẫn chiến lược”, song hiện tại dường như Tehran đang từ bỏ điều đó khi vừa đưa ra một “tối hậu thư” liên quan đến thỏa thuận hạt nhân lịch sử.
Phát biểu trên truyền hình hôm 8/5, Tổng thống Hassan Rouhani thông báo, sau 60 ngày nữa, Iran sẽ “thu hẹp” việc thực hiện các cam kết trong Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), cụ thể là sẽ trở lại làm giàu urani ở mức độ cao.
Tổng thống Hassan Rouhani thông báo, sau 60 ngày nữa, Iran sẽ thu hẹp việc thực hiện các cam kết trong Thỏa thuận hạt nhân Iran.
Trước đó, cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Sayed Abbas Araghchi đã trao quyết định của Hội đồng An ninh Tối cao nước này cho Đại sứ 5 nước là Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga về việc dừng tuân thủ một số cam kết của Iran trong JCPOA. Theo đó, Iran sẽ không tiếp tục chấp hành các giới hạn mà họ đã cam kết trong việc làm giàu uranium và nước nặng.
Mặc dù vậy, mục tiêu của Iran không phải tìm cách rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, “tối hậu thư” trên nhằm báo hiệu với các cường quốc châu Âu còn lại trong JCPOA rằng họ cần phải hành động ngay trong bối cảnh chính quyến Washington đang đẩy mạnh siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Tehran.
JCPOA, tương tự như các thỏa thuận quốc tế, không được hoàn hảo, nhưng các nước đã ký kết và phần lớn các quốc gia khác trên thế giới đều đánh giá thỏa thuận này có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định trong khu vực và an ninh quốc tế. Đó là lý do tại sao các nước đang nỗ lực nhằm tiếp tục duy trì JCPOA bất chấp việc chính quyền Tổng thống Trump đã “xé bỏ”.
Ông Rouhani đang gửi cho châu Âu một tín hiệu rõ ràng: Iran sẽ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân nếu Tehran không nhận được bất kỳ lợi ích nào từ việc tiếp tục tham gia JCPOA.
Vậy các cường quốc châu Âu có thể cứu được Thỏa thuận hạt nhân Iran? Các chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách từ Brussels, đến London cũng như Berlin đều mong muốn thực hiện, song việc này cũng không phải dễ dàng.
Trong năm qua, chính quyền ông Trump đã khôi phục các biện pháp trừng phạt đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân và áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới. Nếu người châu Âu “lờ” các lệnh cấm vận của Mỹ chống Iran, họ sẽ phải đối mặt với “cơn thịnh nộ” từ nền kinh tế lớn nhất thế giới và có thể mất quyền truy cập vào thị trường Mỹ. Nhưng nếu châu Âu ngừng hoạt động kinh doanh với Iran, Tehran sẽ không còn động lực nào để duy trì JCPOA - một thỏa thuận mà châu Âu đánh giá có vai trò đặc biệt quan trọng với lợi ích của họ.
Tuy nhiên, hiện đang xuất hiện một “hướng đi mới” giúp cứu thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Tuyên bố của Tổng thống Rouhani đưa ra hôm 8/5 nói rõ rằng ông không mong đợi châu Âu giúp khắc phục những khó khăn kinh tế mà Iran đang phải đối mặt do chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Iran đặc biệt lưu ý rằng ông muốn các nước châu Âu quay trở lại bàn đàm phán, và tìm ra một giải pháp rõ ràng để tiếp tục duy trì JCPOA. Ông Rouhani cũng tuyên bố sẵn sàng đối thoại trước thời hạn 60 ngày.
Điều này có nghĩa là châu Âu có thể thực hiện các bước đi nhỏ nhưng mang tính biểu tượng để báo hiệu cho người Iran rằng họ cam kết duy trì thỏa thuận hạt nhân. Đặc biệt, chính phủ Iran muốn nhận được sự giúp đỡ từ châu Âu để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành ngân hàng Iran và đưa dầu mỏ Tehran trở lại thị trường quốc tế.
Như vậy, các nước châu Âu có thể thực hiện những việc gì để thuyết phục được Iran?  Các nước này có thể đưa vào hoạt động một cơ chế tài chính mới, được thiết kế đặc biệt không phụ thuộc vào đồng USD, cho phép các công ty châu Âu xuất khẩu hàng hóa sang Iran mà không phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tuy nhiên, Mỹ đã lên tiếng cảnh báo rằng cơ chế giao thương đặc biệt của các nước châu Âu có thể không đáp ứng các quy tắc quốc tế về rửa tiền và có thể sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nước sử dụng nó. Song châu Âu đang hy vọng có thể đẩy mạnh hợp tác với Iran để nhanh chóng đưa vào hoạt động cơ chế giao thương đặc biệt này trong vòng 60 ngày tới.
Iran tuyên bố sẽ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân nếu Tehran không nhận được bất kỳ lợi ích nào từ việc tiếp tục tham gia JCPOA.
Bên cạnh đó, các cường quốc châu Âu cũng phải tăng gấp đôi nỗ lực của mình nhằm ngăn chặn sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Trong trường hợp không có các kênh liên lạc giữa TehranWashington, bất kỳ thông tin sai lệch hoặc tính toán sai lầm nào cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn trong khu vực và gia tăng nguy cơ đối đầu giữa hai nước.
Mặc dù vậy, các nước châu Âu hiện đang nhận được sự hỗ trợ quan trọng, đó là phía Tehran cũng không muốn chứng kiến sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân. Nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, cũng muốn duy trì thỏa thuận JCPOA ít nhất đến tháng 11/2020.
Châu Âu đang phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng của Washington và phải trả lời một “tối hậu thư” từ Tehran. Trong trường hợp “hùa” theo người Mỹ, khu vực này sẽ nhận một rủi ro, phá bỏ một thỏa thuận mà họ coi là chìa khóa cho vấn đề  an ninh và lợi ích kinh tế của chính họ. Nếu nhượng bộ Iran, các nước châu Âu sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nền kinh tế lớn nhất thế giới và ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương. Trong trường hợp châu Âu cứu vãn được JCPOA, điều này sẽ tăng nguy cơ quân đội Mỹ đẩy mạnh hoạt động nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần