Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ai hưởng lợi từ vụ đánh bom Nord Stream?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng chục tỷ đô la cơ sở hạ tầng quan trọng cung cấp tài chính cho nền kinh tế Nga, cung cấp năng lượng cho nền kinh tế Đức và sưởi ấm châu Âu, đã bị chôn vùi trong sự cố nghi là đánh bom các đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2.

Nga không có động cơ

Đầu tuần này, các vụ nổ mạnh đã được báo cáo có thể là nguyên nhân gây ra những lỗ rò rỉ trong 2 đường ống Nord Stream dẫn khí đốt của Nga tới Đức nằm dưới biển Baltic. Giữa bối cảnh Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tiến hành cuộc chiến chống lại Nga ở Ukraine, sự cố này cho thấy việc leo thang quân sự liều lĩnh đang diễn ra ở châu Âu.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói rằng, các vụ nổ là kết quả của “một hành động có chủ ý”. Trong khi nhà địa chấn học người Thụy Điển Bjorn Lund khẳng định: “Đây chắc chắn không phải là hệ quả của một trận động đất”.

Các công nhân tại công trường xây dựng Nord Stream 2. Nguồn: Reuters
Các công nhân tại công trường xây dựng Nord Stream 2. Nguồn: Reuters

Mặc dù các phương tiện truyền thông châu Âu ngay lập tức cáo buộc Nga đã đánh bom các đường ống Nord Stream, nhưng những cáo buộc như vậy đang nhanh chóng bị bác bỏ. Ngay cả tờ New York Times, thường là một nguồn tin tuyên truyền chống Nga tích cực, cũng kiềm chế không đổ lỗi vụ đánh bom cho Moscow.

Trong khi một số quan chức châu Âu nhanh chóng suy đoán về sự tham gia của Nga, các quan chức Mỹ lại tỏ ra thận trọng hơn, lưu ý rằng hiện vẫn còn “thiếu các bằng chứng rõ ràng” và kêu gọi các đồng minh châu Âu của Washington ngừng nêu tên bất kỳ nghi phạm nào.

Cựu Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski - thành viên của một số nhóm nghiên cứu NATO, người đã kết hôn với nhà bình luận chính sách đối ngoại nổi tiếng của Mỹ Anne Applebaum - đã công khai thể hiện sự nghi ngờ Washington đứng sau vụ đánh bom. Ông đã đăng tải trên trang Twitter cá nhân một bức ảnh về vòi phun khí tự nhiên kèm chú thích: “Cảm ơn, Mỹ”. Ông bình luận thêm: “Lúc này, 20 tỷ USD phế liệu kim loại đang nằm dưới đáy biển - một cái giá khác đối với Nga về quyết định xâm lược Ukraine”.

Rõ ràng, câu hỏi đầu tiên được đặt ra về vụ đánh bom Nord Stream là: Ai hưởng lợi, có động cơ để thực hiện? Theo giới phân tích, Nga không có động cơ phá hủy đường ống Nord Stream.

Tập đoàn Gazprom của Nga sở hữu một nửa đường ống, cùng với các cổ đông châu Âu là Đức, Pháp và Hà Lan. Đường ống này cũng là trọng tâm của kế hoạch xây dựng lại quan hệ kinh tế với Tây Âu của Moscow, đặc biệt là khi cuộc chiến với NATO ở Ukraine kết thúc. Nga được tin không có lý do gì để làm nổ đường ống dẫn khí của chính nước này.

Trong khi đó, sự cố với Nord Stream được cho mang lại ít nhất là 2 lợi ích trước mắt với Mỹ. Thứ nhất, đến trong bối cảnh NATO leo thang quân sự chống lại Nga ở Ukraine, vụ phá hoại sẽ trở thành một thiệt hại kinh tế đáng kể với Moscow, góp phần làm suy yếu sức mạnh của Nga.

Thứ hai, bằng cách khiến châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ để thay thế khí đốt của Nga, điều đó tương ứng với mục tiêu chính của Washington trong cuộc chiến ở Ukraine ngay từ ban đầu. Đây cũng là mục tiêu ngày càng được định hình rõ nét trong những năm gần đây.

Nord Stream - “cái gai trong mắt” Mỹ

Trở lại năm 2018, xung đột gay gắt đã nổ ra giữa đồng minh Washington và Berlin khi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Donald Trump đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu ô tô của Đức sang Mỹ, đồng thời yêu cầu Berlin ngừng việc lắp đặt Nord Stream 2.

Đáng chú ý, yêu sách của chính quyền Trump được đưa ra ngay sau khi Đức kêu gọi xây dựng quân đội của riêng của Liên minh châu Âu (EU), cũng như một chính sách quốc phòng độc lập với NATO. Trong khi Thủ tướng Đức khi đó là Angela Merkel kêu gọi Berlin “cần tự mình đấu tranh cho tương lai của chính mình”, thì Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại nhắc nhở EU cần chuẩn bị để đối đầu với Nga, Trung Quốc hoặc Mỹ.

Các quan chức EU đã bác bỏ lời kêu gọi của ông Trump về việc ngăn chặn Nord Stream 2 hoạt động. Những yêu cầu như vậy, theo nhà lập pháp Đức Rolf Mützenich, là đang “ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty Đức và châu Âu nói chung, thể hiện sự can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi. EU và Đức rõ ràng không phải là đối tác đồng minh của Trump, mà là chư hầu của Mỹ... ”.

Vào ngày 7/2/2022, khi Nhà Trắng có dấu hiệu tăng cường các mối đe dọa kinh tế và quân sự đối với Điện Kremlin trước thông tin tình báo rằng Nga có thể tấn công Ukraine, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden đã mời Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến Washington để hội đàm. Trong cuộc họp báo chung với ông Scholz, ông Biden cam kết sẽ phá hủy đường ống Nord Stream 2.

“Nếu Nga xâm lược Ukraine thì sẽ không còn Nord Stream 2. Chúng tôi sẽ chấm dứt nó” - Tổng thống Biden tuyên bố trước báo giới. Khi được hỏi ông sẽ làm điều này như thế nào, khi mà đường ống Nord Stream thuộc sở hữu chung của cả Nga và các đồng minh NATO của Mỹ, ông Biden đã từ chối trả lời chi tiết và chỉ nói rằng: “Tôi dám đảm bảo, chúng tôi có thể làm được điều đó”.

Rõ ràng, vấn đề Nord Stream từ lâu đã là “cái gai trong mắt” Washington, phần nào cho thấy chính sách của Mỹ đối với châu Âu mà giới chuyên gia nói rằng đã gợi nhắc lại lời cảnh báo gần một thế kỷ trước của nhà tư tưởng người Nga Leon Trotsky, về việc “chủ nghĩa bá quyền của Mỹ sẽ hoạt động toàn diện hơn, công khai hơn và tàn nhẫn hơn so với thời kỳ bùng nổ”.

Ông Trotsky đã mô tả kế hoạch của Mỹ đối với châu Âu hậu Thế chiến I như sau: “Nó sẽ chia cắt thị trường; điều chỉnh hoạt động của các nhà tài chính và công nghiệp châu Âu. Nếu muốn trả lời rõ ràng và chính xác cho câu hỏi về điều mà Mỹ muốn, chúng ta có thể nói rằng: Mỹ muốn đặt khẩu phần ăn cho tư bản châu Âu”.

Điều này mô tả ngắn gọn chính sách của Washington ngày nay. Vin vào cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, Mỹ đã leo thang chiến tranh không đáng có với Moscow và áp đặt việc cắt đứt thương mại năng lượng của EU với Nga - điều mà Washington đã mong muốn từ lâu. Tác động đối với châu Âu là sự tàn phá không thể đong đếm.

Người dân Lục địa già hiện phải đối mặt với viễn cảnh giá lạnh trong mùa Đông này, với giá khí đốt sưởi ấm đã tăng gấp 10 lần do châu Âu phải thay thế khí đốt giá rẻ của Nga được vận chuyển bằng đường ống bằng khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ. Việc tăng giá còn bị đẩy lên hơn nữa khi đồng euro giảm giá so với đồng USD - vốn đang tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Tờ Wall Street Journal mới đây ghi nhận, các công ty thép, hóa chất và các công ty khác của châu Âu đang có xu hướng “chuyển hoạt động sang Mỹ do bị thu hút bởi giá năng lượng ổn định hơn và sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ nước này”.

Trong khi chính quyền Berlin hiện tại đã chính thức chấm dứt ủng hộ Nord Stream 2 sau chiến dịch đặc biệt của Moscow tại Ukraine, Đức đang đau đầu về mối quan hệ năng lượng mới với Nga. Tuần này, cựu Thủ tướng Merkel kêu gọi giới chức Đức suy nghĩ kỹ về điều “thực sự không thể tưởng tượng được vào lúc này - cụ thể là làm thế nào để phát triển lại một thứ như mối quan hệ với Nga”.

Để thấy, sự cố với Nord Stream, hay rộng hơn là những cuộc xung đột lúc này càng làm rõ hơn mối nguy hiểm to lớn mà người dân nhiều quốc gia sẽ phải đối mặt một khi NATO và Nga đứng trên bờ vực của một cuộc xung đột toàn cầu.