Số lượng xe quá tải hoành hành suốt ngày đêm trên địa bàn các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa… có đến hàng trăm chiếc. Vậy tại sao trong cả một thời gian dài, từ việc cải tạo những chiếc xe nguyên bản thành xe "siêu tải" cho đến việc các xe này lưu thông trên đường, tàn phá cơ sở hạ tầng lại bị các cơ quan chức năng, các lực lượng phụ trách địa bàn gần như "thả nổi"?
“Phù phép” những chiếc xe
Trong vai tài xế muốn "độ" lại chiếc xe của mình để nâng tải lên hết mức có thể, chúng tôi được gặp một chủ xưởng nổi tiếng tài ba trong làng "nâng tải" khu vực giáp ranh 2 huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa. Theo giới thiệu của cánh lái xe quá tải, ông chủ xưởng vốn là một thợ sửa chữa ô tô lành nghề, có thâm niên "thay ben, nâng bệ, độn nhíp…", có đội thợ cùng trang thiết bị chuyên nghiệp vừa để phục vụ nâng tải, vừa để duy tu, bảo dưỡng liên tục cho xe quá tải. Ông chủ xưởng khiến chúng tôi bàng hoàng khi giới thiệu về tải trọng "thần kỳ" của những chiếc xe sau khi được nâng cấp thùng, bệ, lốp, nhíp… Cụ thể sau khi "độ", một chiếc xe tải trọng 3 - 3,5 tấn có thể chở tới 8 - 10 tấn; một chiếc 7 - 7,5 tấn có thể chở tới 15 - 20 tấn; một chiếc 15 tấn có thể chở tới 35 - 40 tấn. Cũng theo ông chủ xưởng này, những phương pháp cơ bản để nâng mức tải lên đến ngưỡng "phi thường" chỉ đơn giản là nâng cao thành thùng thêm từ 0,5 - 1m, tùy từng loại xe, từng tải trọng hoặc chủng loại hàng chuyên chở, ngoài ra còn cần độn thêm từ 30 - 50% số lá nhíp, gia cố thêm một số chi tiết về cầu, máy, phanh… Đồng thời, ông ta còn bày cho chúng tôi những biện pháp để qua mặt cơ quan chức năng khi đưa xe đi kiểm định kỹ thuật định kỳ. "Đi đăng kiểm chỉ cần thay thùng nguyên bản. Nếu không muốn cắt thùng hoặc không giữ được thùng cũ có thể quay lại đây, tôi cho thuê loại nào cũng có với giá mềm" - ông chủ xưởng cam đoan.
Đối chiếu thực tế với lời quảng bá của ông chủ xưởng và thông tin kỹ thuật về xe nguyên bản từ các nhà cung cấp, có thể thấy gần như 100% các xe tải hoạt động trong khu vực đều đã tự ý thay đổi thiết kế của
xe để phục vụ vận chuyển đất đá, vật liệu xây dựng vượt quá tải trọng cho phép. Điển hình như trường hợp các xe mang BKS: 29C - 324.76, tải trọng 15 tấn với chiều cao thùng cho phép là 55cm đã được cơi nới lên tới hơn 140cm; xe BKS 29C - 299.03 tải trọng 7,5 tấn, với chiều cao thùng cho phép 65cm nhưng được cơi nới lên khoảng 110cm; xe BKS 29C - 018.81 tải trọng 3,5 tấn, chiều cao thùng cho phép là 38cm nhưng cũng được cơi nới lên tới khoảng 90cm…
Cơ quan quản lý thờ ơ
Theo quy định của Chính phủ, Bộ GTVT về kiểm soát trọng tải phương tiện, chính quyền các địa phương phải tăng cường tuần tra kiểm soát trên đường, bố trí các lực lượng kiểm soát trọng tải phương tiện tại cổng các bến cảng, kho hàng, mỏ khai thác vật liệu xây dựng. Đối với xe quá khổ khi phát hiện phải tổ chức cắt bỏ phần cơi nới. Đối với xe chở quá tải, ngoài việc xử phạt hành chính với lái xe, chủ DN, chủ kho hàng, bến cảng, mỏ vật liệu xây dựng… lực lượng chức năng phải yêu cầu lái xe quay trở lại nơi xuất phát. Quy định là thế, nhưng trong nhiều ngày có mặt tại tỉnh lộ 424, 80, trục QL21B, chúng tôi không thấy bất cứ bóng dáng lực lượng chức năng nào kiểm tra, xử lý xe quá tải.
Để tìm hiểu vì sao xe quá khổ, quá tải ngang nhiên hoạt động trên đường mà không bị xử lý, ngày 28/1, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Xuân Trường - Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT huyện Mỹ Đức. Khi được hỏi, tại sao những chiếc xe cơi nới, chở quá tải trọng cho phép ngang nhiên hoạt động lại không bị xử lý? Ông Trường cho biết, Đội đã yêu cầu các lái xe tải không chở hàng quá thùng xe làm rơi vãi vật liệu ra đường. Đến thời điểm này, các DN đã thực hiện khá tốt các quy định trên. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề dù không làm rơi vãi vật liệu ra đường nhưng những chiếc xe trên đã cơi nới thùng để chở quá tải trọng cho phép thì được ông Trường lý giải: "Xe có cơi nới hay không là trách nhiệm của đơn vị kiểm định kỹ thuật và Đội chỉ xử lý những xe nào không có tem đăng kiểm?".
Cũng theo ông Trường, những mỏ đất, đá trên mới được cấp phép hoạt động trở lại nên Đội đang tập trung nhắc nhở, tuyên truyền, yêu cầu các DN, lái xe ký cam kết, trước khi tiến hành các biện pháp mạnh như cắt thùng, xử phạt hành chính theo quy định. Khi được hỏi, đến bao giờ công tác tuyên truyền sẽ kết thúc? Ông Trường cho biết, trong tháng 1/2015, nhiệm vụ chính của Đội Thanh tra GTVT huyện Mỹ Đức là đảm bảo trật tự ATGT phục vụ lễ hội chùa Hương nên không còn đủ người, lực lượng để giải quyết các việc khác (?). "Theo dự kiến, từ giữa năm 2015 trở đi, Đội sẽ tăng cường hơn nữa việc kiểm soát trọng tải xe" - ông Trường cho biết. Với cách trả lời như trên, có thể khẳng định, những chiếc xe "siêu tải" vẫn có thể tiếp tục tung hoành, mặc sức tàn phá những công trình giao thông ít nhất đến giữa năm 2015.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 28/1, chúng tôi đã liên hệ làm việc với Công an huyện Mỹ Đức - đơn vị chịu trách nhiệm quản lý địa bàn nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ hồi âm nào.
Kinhtedothi - Xe quá khổ, quá tải ngang nhiên hoạt động trên QL 21B. |
Về vấn đề ATGT trong khu vực, đặc biệt là đoạn qua các cổng trường học, ông Nguyễn Văn Hưng - Đội phó Đội Thanh tra GTVT huyện Mỹ Đức cho biết: "Sinh ra cái xe thì phải chạy! Các cháu học sinh đến giờ tan trường thì đi ra đường là chuyện bình thường". Tiếp lời ông Hưng, ông Hoàng Xuân Trường - Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT huyện Mỹ Đức cho rằng, giao thông tại các tuyến đường chi chít xe quá tải này vẫn an toàn "vì một năm nay chưa xảy ra vụ tai nạn nào". |