Ai tàn phá vỉa hè tuyến đường nghìn tỷ?

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án đường Vành đai 3 dưới thấp, đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long, vừa được thông xe, đưa vào khai thác từ ngày 10/10. Thế nhưng, trước sự lơi là, buông lỏng của chính quyền địa phương, vỉa hè hai bên tuyến đường nghìn tỷ này đã bị xâm hại, hư hỏng nghiêm trọng nhiều vị trí.

Trạm cân 150 tấn tại 218 Phạm Văn Đồng đã phá hỏng hẳn vỉa hè vừa được hoàn thiện. Ảnh: Ngọc Hải
Xẻ nát công trình trọng điểm
Mặc dù là cung đường huyết mạch, đồng thời cũng là một trong những công trình được đầu tư mạnh mẽ nhất của Hà Nội cả về chất lượng lẫn hình thức, cảnh quan. Song chỉ hơn 2 tháng sau, tuyến đường đã lâm vào tình trạng hỗn loạn khiến chủ đầu tư và các đơn vị thi công phải “khóc thầm”.
Ghi nhận thực tế cho thấy, vỉa hè hai bên tuyến đường đã bị nhiều tổ chức, cá nhân chiếm dụng, gây hư hại nặng nề với muôn vàn kiểu cách. Nhiều vị trí, như trước cửa nhà số 442 Phạm Văn Đồng, vỉa hè thành bãi tập kết vật liệu xây dựng quy mô lớn. Gạch, cát, vôi vữa, giàn giáo… chất cao nghễu nghện, tràn cả xuống lòng đường, hoàn toàn xoá bỏ không gian đi bộ, gây hỏng nặng đá lát và bó vỉa, nguy cơ bịt kín cả miệng cống thoát nước.
Nhiều cửa hàng lớn như siêu thị điện máy HC, Mediamart, Showroom ô tô Nissan, Ford, kho vận của Công ty CP Giao hàng tiết kiệm… dọc hai bên tuyến, nghiễm nhiên biến vỉa hè rộng rãi, sạch đẹp thành bãi đỗ xe, việc ô tô lên xuống, dừng đỗ khiến vỉa hè lún võng, đá lát nứt vỡ, xô lệch.
Tại số 218 Phạm Văn Đồng, một chuỗi gara ô tô, cửa hàng kinh doanh đá xẻ, và một trạm cân tải trọng 150 tấn nối nhau, hoạt động tấp nập ngày đêm, và hậu quả là vỉa hè bị bong bật, biến dạng đến không còn nhận ra. Được biết, chuỗi cơ sở kinh doanh này nằm trên ô đất đã được quy hoạch làm nút giao thông, chỉ mới hình thành từ khi đường Phạm Văn Đồng đi vào thi công giai đoạn cuối.
Đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, tình trạng chiếm dụng vỉa hè, tự ý hủy hoại, thay đổi kết cấu kỹ thuật đang diễn biến ngày một phức tạp; trong khi đó, đơn vị lại không đủ thẩm quyền, chức năng để xử lý vi phạm.
Người làm, người phá
Không chỉ các cửa hàng, showroom chạy đua lấn chiếm vỉa hè tuyến đường trọng điểm Phạm Văn Đồng để phục vụ kinh doanh, kiếm lời, mà ngay cả hoạt động của một số tổ chức cũng gây thiệt hại nặng cho kết cấu hạ tầng giao thông.
Ví dụ như đoạn vỉa hè trước tường rào công viên Hòa Bình, hướng đi cầu Thăng Long, theo phản ánh của đơn vị thi công, thường xuyên có một tổ công tác Y141 của Công an TP Hà Nội chốt trực làm nhiệm vụ xử lý vi phạm giao thông. Đáng nói là tất cả xe ô tô, xe máy bị dừng xử lý đều được… đưa lên hè đỗ, khiến đoạn vỉa hè này đã bắt đầu xuất hiện nứt vỡ cả đá lát lẫn đá bó vỉa.
Bên phía đối diện, từ Km3 + 100 - Km3 + 500, Chủ đầu tư dự án khu đô thị Handi Resco còn trực tiếp xâm hại mặt bằng dự án đường Phạm Văn Đồng khi tập kết gạch, cát, trộn bê tông ngay trên vỉa hè, thậm chí phá bỏ hàng cây được trồng mới để lấy lối cho xe tải ra vào. Nhiều vị trí trên hướng tuyến này, vỉa hè bị bịt kín bởi hàng quán; mép đường, rãnh thoát nước bị xây đè thành cầu lên xuống cho phương tiện.
Anh Nguyễn Văn Phong, một người dân sống bên tuyến đường Phạm Văn Đồng - bức xúc nói: “Chúng tôi chịu khổ bao năm trời, TP bỏ cả nghìn tỷ đồng mới làm được tuyến đường đẹp đẽ, khang trang. Vậy mà chỉ trong 1 - 2 tháng đã bị xẻ nát, mạnh ai nấy chiếm như đường làng, ngõ xóm. Chính quyền ở đâu mà để xảy ra như vậy?”.
Đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội thông tin thêm, hiện trên tuyến còn một số hạng mục như 5 cầu đi bộ; vị trí đặt trạm biến áp… đang chờ thi công hoàn thiện. “Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ trong đống bề bộn dọc hai bên tuyến đường Phạm Văn Đồng. Nhiều người cho rằng đường làm mất nghìn tỷ mà vừa xong đã hỏng. Thực tế, chất lượng thi công bảo đảm tốt; một số vị trí hè, đường hư hỏng nặng nề là do bị chiếm dụng, xâm hại”.
Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần