Xã Kim Anh, Hà Nội
Nguyên nhân chưa xử lý các công trình vi phạm tại thôn Phú Hạ
Kinhtedothi – Dù đã được các lực lượng chức năng “chỉ mặt đặt tên”, lập biên bản xử phạt hành chính, yêu cầu cắt điện… nhưng hàng loạt công ty, nhà xưởng tại khu Lò Gạch, thôn Phú Hạ, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn cũ (nay là xã Kim Anh) vẫn ngang nhiên hoạt động gây bức xúc trong dư luận.
Vi phạm nối tiếp vi phạm
Vừa qua, Báo Kinh tế & Đô thị nhận được phản ánh của người dân thôn Phú Hạ, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn cũ (nay là xã Kim Anh) về việc hàng loạt công ty, nhà xưởng tại khu Lò Gạch, thôn Phú Hạ vi phạm nghiệm trọng các quy định về quản lý, sử dụng đất, PCCC, đặc biệt là công tác đảm bảo vệ sinh môi trường… nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân trong khu vực.

Các công ty, nhà xưởng hoạt động tại khu Lò Gạch, thôn Phú Hạ gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Theo phản ánh của người dân quanh khu vực, từ nhiều năm nay, tại khu Lò Gạch, xuất hiện hàng loạt công ty, xưởng sản xuất “mọc” lên trên đất nông nghiệp, vi phạm các quy định về PCCC, trong quá trình hoạt động gây ô nhiễm môi trường, điển hình như: Công ty TNHH bao bì Ipax Tiến Vinh; Công ty TNHH Việt Lion; Công ty TNHH Japan Việt Nam…
Một người dân thôn Phú Hạ cho hay, trong quá trình sản xuất, các công ty trên đã trực tiếp xả thải, hoá chất thừa ra môi trường, vào hệ thống kênh tưới tiêu nội đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ngầm, nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và môi trường sống của người dân (?).

Theo phản ánh của người dân, các nhà xưởng đều không đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường.
Cũng theo những người dân nơi đây, không chỉ gây ô nhiễm môi trường, các công ty trên còn được xây dựng trên đất nông nghiệp, không đúng mục đích sử dụng đất. Điều đáng nói, trước tình trạng trên, lực lượng chức năng xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn (cũ) và TP Hà Nội đã nhiều lần kiểm tra, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, văn bản yêu cầu tháo dỡ toàn bộ các công trình vi phạm, hoàn trả nguyên trạng mặt bằng… Thậm chí, UBND huyện (cũ) đã từng có văn bản yêu cầu Công ty Điện lực Sóc Sơn ngừng cung cấp điện cho các trường hợp trên. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, đến thời điểm này, các vi phạm trên vẫn chưa được xử lý triệt để.
Trao đổi với phóng viên, những người dân trong khu vực chia sẻ, thôn Phú Hạ là một trong những khu vực chưa được tiếp cận nguồn nước sạch của TP, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu là nước ngầm, nước giếng khoan… Do đó, việc các công ty phớt lờ các quy định, chỉ đạo của chính quyền địa phương, ngang nhiên “đầu độc” môi trường… khiến người dân nơi đây vô cùng hoang mang, lo lắng cho cuộc sống của mình.
Do công văn đến muộn?
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có buổi trao đổi với Trưởng phòng Kinh tế xã Kim Anh Nguyễn Huy Du. Tại buổi làm việc, chia sẻ về nội dung chậm cưỡng chế vi phạm đối với các hạng mục tại khu Lò Gạch, thôn Phú Hạ, ông Nguyễn Huy Du cho biết, theo kế hoạch ban đầu, thời gian tổ chức cưỡng chế sẽ được thực hiện trước 30/6/2025.

Ba công ty trong khu vực Lò Gạch đã được UBND huyện Sóc Sơn (cũ) yêu cầu ngừng cấp điện.
Tuy nhiên, do giai đoạn này khối lượng công việc rất lớn nên UBND xã Minh Phú thời điểm đó đã xin lùi thời gian cưỡng chế. Ngoài ra, khu vực cần tổ chức cưỡng chế có diện tích khoảng 11.000m2, trong đó có nhiều tài sản, máy móc hiện đại người dân chưa chịu di chuyển. Do đó, khi tiến hành cưỡng chế cần bố trí được nhân sự am hiểm, đủ khả năng tháo dỡ các loại máy móc này, đồng thời bố trí được kho bãi để di chuyển tài sản vào – điều không hề đơn giản.
Cũng theo ông Nguyễn Huy Du, trước tình trạng trên, trong các ngày 23 và 24/6, UBND huyện khi đó đã ban hành Quyết định về việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện đối với 3 cơ sở nói trên. Theo đó, yêu cầu Điện lực Sóc Sơn trong vòng 24 giờ từ khi nhận được Quyết định phải ngừng cấp điện cho các cơ sở trên. Tuy nhiên, bên điện lực lý do là văn bản nhận được muộn nên vẫn chưa thực hiện yêu cầu trên.

Các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn ngang nhiên diễn ra bất chấp những rủi ro.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, đại diện Công ty Điện lực Sóc Sơn cho biết, UBND huyện Sóc Sơn (cũ) ban hành Quyết định về ngừng cung cấp dịch vụ điện đối với các cơ sở tại khu Lò Gạch vào ngày 23/6, nhưng đến ngày 3/7 chúng tôi mới nhận được văn bản này. Trong khi đó, theo nôi dung của văn bản thì phải ngừng cấp điện trong vòng 24 giờ từ ngày nhận được quyết định. Mặt khác, quyết định này giao phòng Nông nghiệp, Quản lý trật tự đô thị, UBND xã… phối hợp thực hiện, nhưng thời điểm chúng tôi nhận được quyết định (3/7 - PV) thì các đơn vị trên đã kết thức hoạt động.
“Hiện tại, chúng tôi đã có văn bản gửi lại cho UBND xã Kim Anh tiếp nhận để phối hợp thực hiện. Một là, họ có văn bản hướng dẫn điện lực phối hợp với đơn vị nào của xã để đảm bảo an toàn cho công nhân trong quá trình thao tác ngừng cấp điện. Hai là, xã Kim Anh làm lại quyết định của xã, để điện lực có căn cứ tổ chức cắt điện theo đúng Nghị quyết 33 của HĐND TP về việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn TP Hà Nội” - đại diện Công ty Điện lực Sóc Sơn cho biết.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục phản ánh thông tin vụ việc.

Đề nghị xử lý nghiêm xe chở vật liệu gây ô nhiễm môi trường
Kinhtedothi – Ngày 13/7, Chi nhánh Ba Đình, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco), đã có văn bản gửi Sở NN&MT, Công an TP Hà Nội, UBND, Công an các phường Giảng Võ, Ngọc Hà đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp xe chở vật liệu xây dựng, đất… gây mất vệ sinh môi trường.

Quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường
Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

Chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học chung tay bàn cách “giải cứu” các dòng sông ô nhiễm
Kinhtedothi - Sáng 10/7, Báo Tiền Phong phối hợp với Văn phòng UBND TP Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Giải pháp hồi sinh những dòng sông chết” với sự tham dự của nhiều đại biểu là đại diện lãnh đạo các sở, ngành TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình và các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực môi trường.