Chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học chung tay bàn cách “giải cứu” các dòng sông ô nhiễm
Kinhtedothi - Sáng 10/7, Báo Tiền Phong phối hợp với Văn phòng UBND TP Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Giải pháp hồi sinh những dòng sông chết” với sự tham dự của nhiều đại biểu là đại diện lãnh đạo các sở, ngành TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình và các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực môi trường.

Các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học chung tay bàn luận giải pháp để "giải cứu" các dòng sông bị ô nhiễm.
Không thể chờ đợi thêm
Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho biết, quá trình đô thị hóa là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm các dòng sông, khiến cho các dòng sông tại Thủ đô suy thoái trầm trọng.
Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, giải pháp thay thế nguồn nước, thau rửa sông Tô Lịch và các dòng sông bị ô nhiễm. Hà Nội cũng đã phối hợp với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ để xử lý nguồn nước cho các dòng sông góp phần cải thiện môi trường các dòng sông.
Tọa đàm “Giải pháp hồi sinh những dòng sông chết” được Báo Tiền Phong phối hợp với Văn phòng UBND TP Hà Nội tổ chức với mong muốn các chuyên gia, lãnh đạo sở, ngành địa phương cùng mổ xẻ khó khăn, hiến kế, đưa ra các giải pháp cải tạo tốt nhất các dòng sông, để biến những dòng sông sông trở lại hình ảnh lãng mạn và yêu thương.

Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng phát biểu tại buổi tọa đàm.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 3.450 con sông, phân bố trên ba lưu vực sông lớn và các khu vực sông ven biển. Dưới áp lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhiều dòng sông ở nước ta đang bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau, đặc biệt là tại khu vực trung và hạ lưu - nơi có mật độ dân cư đông và nhiều hoạt động sản xuất, đô thị.
Đơn cử như sông Cầu đoạn qua Thái Nguyên, sông Sài Gòn qua TP Hồ Chí Minh hay các kênh rạch nội đô tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hiện nay không còn đúng nghĩa là dòng sông tự nhiên mà trở thành nơi dẫn nước thải. Một số hệ thống sông liên vùng, liên huyện, liên tỉnh như Bắc Hưng Hải, Nhuệ - Đáy qua Hà Nội, Ninh Bình… cũng đang gặp vấn đề nghiêm trọng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm sông ngòi, kênh rạch có nhiều. Đầu tiên phải kể đến là tình trạng xử lý nước thải sinh hoạt đô thị. Dẫn số liệu thống kê, ông Hiếu cho biết, hiện lượng nước thải sinh hoạt sơ bộ lên tới hơn 9 triệu m³/ngày. Trong khi đó, hệ thống xử lý nước thải đô thị hiện có khoảng 80 trạm, với tổng công suất thiết kế chỉ khoảng 1,5 triệu m³/ngày. Thực tế mới xử lý được khoảng 17% lượng nước thải.
“Tiếp đó là tình trạng nước thải từ các khu công nghiệp, làng nghề. Hiện có gần 300 khu công nghiệp trên toàn quốc, trong đó, khoảng hơn 270 khu đang được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Phần còn lại, chủ yếu là các cơ sở sản xuất nhỏ vẫn xử lý nước thải phân tán tại chỗ, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm cao” - ông Hiếu nói.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu phát biểu tại tọa đàm.
Ngoài ra, việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… diễn ra thiếu kiểm soát, dẫn đến tồn dư hóa chất chảy ra môi trường nước. Ý thức của con người chưa cao khi đổ chất thải rắn bừa bãi trên hệ thống kênh, sông, ao, hồ làm gia tăng ô nhiễm nghiêm trọng.
Đồng quan điểm trên, GS.TS Trần Đình Hoà - Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng, thực trạng suy thoái cạn kiệt nguồn nước đang rất trầm trọng, việc phục hồi không thể chậm trễ hơn nữa.
Theo chuyên gia này, nguyên nhân trọng yếu tới từ sự phát triển nội tại trong các đô thị. Sau công cuộc đổi mới năm 1986, dân cư, khu đô thị mở rộng, nông thôn đô thị hoá, áp lực gia tăng dân số, sự phát triển kinh tế xã hội tạo ra áp lực rất lớn về việc sử dụng nguồn nước và xử lý nước thải. Đây là thách thức mà cả nước đang gặp phải, đẩy nhu cầu sử dụng nước tăng cao.
GS.TS Trần Đình Hoà nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn trong việc kiểm soát nguồn nước. Cụ thể, tổng nguồn nước Việt Nam là 830 tỉ m3 nước/ năm nhưng lượng nước này phần lớn lại đến từ nước ngoài. Riêng tại đồng bằng sông Hồng có lượng nước khoảng 140 tỉ m3/năm nhưng đã có tới 40% lượng nước từ nước ngoài. Ngoài ra, chúng ta phải đối mặt với thực trạng biến đổi khí hậu rất trầm trọng hơn khi mùa mưa đến sớm và ít hơn.
“Các vấn đề trên đều mang tính toàn cầu, để giải quyết vấn đề về ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt không phải của riêng địa phương nào. Bởi vậy, các địa phương phải bắt tay hợp tác giải quyết, không chỉ tại các địa phương có dòng sông chảy qua mà tất cả các địa phương liên quan cần liên kết để có giải pháp tổng thể. Việc liên kết vùng không chỉ riêng về vấn đề thuỷ lợi, ứng phó thiên tai mà phải quyết liệt xử lý nước thải liên quan tới cả hệ thống dòng sông” - GS.TS Trần Đình Hoà nói.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội Nguyễn Đình Hoa phát biểu tại buổi tọa đàm.
Sông muốn sạch, nước phải sạch
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, TP Hà Nội đang phải đối diện với tình trạng ô nhiễm đối với các dòng sông nội đô, kể cả một số hồ chứa trong TP cũng bị ảnh hưởng. các dòng sông nội đô, kể cả một số hồ chứa trong TP cũng bị ảnh hưởng. "Chúng tôi đang rà soát tham mưu cho UBND TP Hà Nội, để nâng cấp trách nhiệm, ý thức của đội ngũ cán bộ cấp xã sau khi sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp. Phải xốc lên, phải tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường" - ông Hoa nói.
Theo ông Nguyễn Đình Hoa, có nhiều nguyên nhân khiến hệ thống sông hồ nội đô bị ô nhiễm. Đầu tiên tốc độ đô thị hóa rất lớn, ý thức của người dân không giữ gìn vệ sinh, vứt rác ra sông hồ, tình trạng quản lý đất đai lấn chiếm lòng sông, hồ. Tiếp đó là do bất cập trong công tác quy hoạch trước đây khi tất cả hệ thống xả thải, kể cả xả thải sinh hoạt, công nghiệp từ các cụm công nghiệp chưa có thiết kế xử lý thu gom vào khu vực riêng. Nhiều nơi có tình trạng xả thải trực tiếp ra các dòng sông.
Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến các dòng sông bị ô nhiễm là do không còn dòng chảy. Theo ông Hoa, hiện mực nước của hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình thấp hơn so với trước đây, có thời điểm thấp hơn mặt nước trước đây và thiết kế đê tối đa 14m nên ảnh hưởng lớn đến hệ thống thủy lợi. Có những công trình xây dựng từ thời Pháp, có công trình xây những năm 60-70, thiết kế mực nước so với hiện nay chênh 2-4m. Vì vậy nay phải đầu tư máy bơm thì mới có thể bơm lên được. Đây là nguyên nhân chính gây ra nước sông nội đô bị thấp hơn, không bơm vào thì không có nước chảy trong nội đô.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội bày tỏ mong muốn Bộ Nông nghiệp và Môi trường, lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh hỗ trợ Hà Nội bằng tâm huyết, trách nhiệm của mình, hướng tới bảo vệ môi trường, đầu tư hệ thống thủy lợi, đê điều để bảo vệ nguồn nước sạch từ thượng nguồn đến hạ lưu để dòng sông sạch đẹp đi qua các địa phương.
Về giải pháp của TP "hồi sinh" các dòng sông, ông Nguyễn Đình Hoa cho biết, thời gian qua TP Hà Nội rất quan tâm vấn đề cải tạo làm sống lại những dòng sông trước hết là sông trong nội đô. Cụ thể, Hà Nội đã tập trung đầu tư vào các công trình thủy lợi, củng cố các trạm bơm và trạm xử lý nước thải.

Sông Tô Lịch đang thay đổi từng ngày nhờ quyết tâm và những giải pháp hữu hiệu mà TP Hà Nội đang thực hiện.
Ví dụ như hiện nay, Hà Nội đang nghiên cứu để trình 2 tháng nữa khởi công đầu tư xây dựng trạm bơm ở cụm đầu mối Liên Mạc trực tiếp bơm nước sông Hồng vào sông Nhuệ. Dự án đã được HĐND TP Hà Nội phê duyệt với mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng khoảng 900 tỷ. Sở Nông nghiệp và Môi trường đang thẩm định để trình UBND TP phê duyệt. Giai đoạn 1 sẽ bơm nước trực tiếp vào hệ thống sông Nhuệ. Giai đoạn 2 tiếp tục kè sông Nhuệ từ đê Liên Mạc đến hết cầu Trắng.
Một dự án khác được nghiên cứu tại khu vực huyện Phúc Thọ (cũ), sẽ được xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Môi trường để bơm nước từ sông Hồng và lưu vực sông Đáy. Song song với đó, sở đã khảo sát và thường xuyên giao các công ty công trình thủy lợi rà soát nâng cấp hệ thống thủy lợi, liên quan đến rất nhiều dòng sông nội đô. "Nguyên tắc sông muốn sạch phải có nước sạch, tắc ở đâu phải khơi thông ở đó. Đó là nguyên tắc cải tạo các dòng sông" - ông Hoa khẳng định.
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã báo cáo UBND TP Hà Nội tiếp tục thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong đó đã phát động cải tạo nâng cấp các hệ thống hồ chứa, kể cả hồ thủy lợi vừa dự trữ nước, vừa đảm bảo môi trường. Thực tế đã có những hồ rất ô nhiễm, nay có thể tắm, cảnh quan rất đẹp như ở Hoài Đức, Đông Anh... Hiện với trách nhiệm Sở Nông nghiệp và Môi trường đối với những hồ do Thành phố quản lý, sở đang cho rà soát và xây dựng đơn giá định mức để kết hợp với thủy lợi, phục vụ tưới tiêu, dự trữ nước, kết hợp nông nghiệp với du lịch.
Trích dẫn
TP Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố có chung những dòng sông cần xây dựng và ban hành mô hình tổ chức lưu vực sông, từng bước thực hiện thí điểm để phục hồi các nguồn nước; đầu tư vào hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải triệt để; đồng thời xây dựng các công trình điều tiết, nhằm bảo đảm dòng chảy, đặc biệt là tăng cường lưu lượng nước cho các sông nội đô… Phấn đấu từ 5 đến 10 năm tới, bảo đảm tỷ lệ nước thải được xử lý đạt hơn 80%. Kiểm soát nghiêm ngặt nước thải từ khu công nghiệp, làng nghề, khu dân cư, nhất là các cơ sở chưa được đầu tư hệ thống xử lý đạt chuẩn. Các dự án như Nhà máy Yên Xá cần được thúc đẩy nhanh, vận hành đồng bộ - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu

Hồi sinh sông Tô Lịch: Hà Nội tăng tốc thi công đập dâng, quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ
Kinhtedothi - Gần 6 tháng kể từ khi Hà Nội chính thức chỉ đạo đẩy nhanh công tác hồi sinh sông Tô Lịch, hàng loạt hoạt động trọng điểm đã được triển khai, bước đầu đem lại những kết quả khả quan. Trong đó, đập dâng đầu tiên – công trình kỹ thuật then chốt – đang sắp hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào vận hành trong tháng 8 tới.

Trước 30/8, hoàn thành cải tạo, chỉnh trang 2 bên bờ sông Tô Lịch
Kinhtedothi - Ngày 7/7, các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn đồng chủ trì cuộc họp nghe các đơn vị báo cáo về công tác cải tạo, chỉnh trang, vệ sinh môi trường hai bên sông Tô Lịch và việc bổ cập nước vào sông Tô Lịch.

Cận cảnh đập dâng giữ nước dần hình thành trên sông Tô Lịch
Kinhtedothi - Với mục đích cải thiện tình trạng ô nhiễm và khôi phục dòng chảy của sông Tô Lịch, dự án xây dựng đập dâng dần hình thành sau hơn 4 tháng triển khai. Theo kế hoạch, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý III/2025 để chuẩn bị cho việc bổ cập nước từ sông Hồng.