Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch SBLAW, Đoàn Luật sư Hà Nội - sau khi tham vấn ý kiến của một luật sư đồng nghiệp tại Mỹ, cho rằng nguyên đơn (ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng) có cơ hội rất cao để thắng kiện.
Ông Hà cho rằng, theo luật thông thường, bất kỳ ai cũng có “nghĩa vụ chăm sóc” (duty of care) đối với người khác và cũng có “nghĩa vụ cảnh báo” (duty of warn) về các nguy hiểm có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, vì ông Williams đã mời Đàm Vĩnh Hưng với tư cách là khách mời, nên ông Williams có nghĩa vụ cao hơn trong việc đảm bảo an toàn cho khách.
Điều này bao gồm việc duy trì tài sản trong tình trạng an toàn, kiểm tra thường xuyên và cảnh báo khách về bất kỳ nguy hiểm nào mà ông Williams biết hoặc lẽ ra phải biết. Ông Williams có dấu hiệu vi phạm những nghĩa vụ này.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM - cũng cho rằng, đối với vụ việc tổ chức tiệc có mời nhiều người tham dự, chủ tiệc có trách nhiệm phải đảm bảo an toàn cho toàn bộ khách mời và những người liên quan trong phạm vi diễn ra bữa tiệc.
Những sự vật hiện có tại địa điểm sẽ được đánh giá với tiêu chí là nguồn nguy hiểm. Khi một sự vật có nguồn nguy hiểm cao độ thì bắt buộc chủ tiệc phải có biện pháp phòng ngừa trong suốt quá trình tổ chức để đảm bảo an toàn cho tất cả những người có mặt tại địa điểm. Và những người dự tiệc cũng có trách nhiệm phải hoạt động trong phạm vi cho phép của chủ tiệc.
Nếu chủ tiệc chứng minh được bản thân đã thực hiện những công tác cần thiết để đảm bảo an toàn và thiệt hại xảy ra do hành vi vượt quá của người tham dự thì chủ tiệc sẽ không phải có trách nhiệm bồi thường đối với các trường hợp phát sinh.
Theo Luật sư Hà, Tòa án Thượng thẩm (Superior Court) của bang California sẽ là nơi có thẩm quyền giải quyết vụ việc chứ không phải là Tòa án Tối cao (Supreme Court) của bang California, bởi vì đây là tòa án cấp cao nhất. Vụ kiện nên được đưa ra một tòa án địa phương tức là Tòa án Thượng thẩm có thẩm quyền giải quyết.
Về những yếu tố và bằng chứng nào cần thiết để chứng minh yêu cầu bồi thường 15 triệu USD, luật sư Hà cho rằng, có hai khía cạnh cần xem xét. Thứ nhất, nguyên đơn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại, bao gồm cả tổn thương tinh thần, khó khăn mà họ gặp phải, thiệt hại do mất khả năng cử động ngón chân và các chi phí y tế thực tế. Những khoản này không quá khó để chứng minh. Tuy nhiên, số tiền này sẽ không đạt đến mức 15 triệu USD.
Thêm vào đó, nguyên đơn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt (punitive damages). Thiệt hại mang tính trừng phạt là hình thức “trừng phạt của xã hội,” và khoản tiền này có thể rất lớn. Nếu hành vi của ông Williams nghiêm trọng đến mức xã hội cảm thấy cần đưa ra hình phạt nặng để răn đe, thì bồi thường trừng phạt sẽ được áp dụng.
Trong các vụ kiện tại Mỹ với số tiền bồi thường khổng lồ, phần thiệt hại mang tính trừng phạt thường lớn hơn nhiều so với thiệt hại thực tế. Để đạt được điều này, nguyên đơn cần chứng minh rằng hành vi của phía bị đơn là vô cùng bất cẩn và nghiêm trọng.
Còn theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, trong các đoạn clip về thời điểm xảy ra tai nạn, có thể thấy ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã tự leo lên đài phun nước trong bữa tiệc. Vì thế, nếu vợ chồng ông Gerard Richard Williams chứng minh được rằng đã thực hiện đầy đủ công tác đảm bảo an toàn cho đài phun nước và xác định rõ đài phun nước này không phải để đứng lên biểu diễn như việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã thực hiện thì vợ chồng ông Gerard Richard Williams không phải bồi thường theo yêu cầu của Đàm Vĩnh Hưng.
"Thậm chí vợ chồng ông Gerard Richard Williams còn có thể khởi kiện ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và các cá nhân, tổ chức có liên quan bồi thường thiệt hại về việc xâm phạm đến uy tín vì hành vi đâm đơn kiện và đưa lên truyền thông khi không có cơ sở chứng minh", luật sư Hậu nói.