70 năm giải phóng Thủ đô

AirAsia đề nghị rút vốn khỏi Vietjet

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nguồn tin có thẩm quyền từ Vietjet Air xác nhận có chuyện phía AirAsia đang có ý định không muốn tiếp tục đầu tư vào hãng nữa.

KTĐT - Nguồn tin có thẩm quyền từ Vietjet Air xác nhận có chuyện phía AirAsia đang có ý định không muốn tiếp tục đầu tư vào hãng nữa.

Tập đoàn Hàng không AirAsia của Malaysia đang đề nghị rút vốn khỏi Hãng hàng không tư nhân Vietjet Air vì chưa đạt được các thỏa thuận về thương hiệu.

AirAsia đang giữ 30% cổ phần trong tổng số 600 tỷ đồng vốn điều lệ của Hãng hàng không Vietjet Air.

Nguồn tin có thẩm quyền từ Vietjet Air xác nhận có chuyện phía AirAsia đang có ý định không muốn tiếp tục đầu tư vào hãng nữa. Thế nhưng, đây mới chỉ là ý định, hai bên vẫn đang thương lượng để cố gắng giải quyết các vấn đề khúc mắc.

"Hiện tại, AirAsia vẫn là một cổ đông của chúng tôi. Nếu quá trình thương lượng không thành công phía đối tác vẫn quyền định rút vốn thì chúng tôi cũng vẫn đặt quyết tâm khắc phục khó khăn để bay trong năm nay", nguồn tin này nói.

Nguồn tin Viejet Air cho biết cái khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề thương hiệu. Theo văn bản mới nhất mà nhà chức trách hàng không ban hành, các hãng nước ngoài hợp tác liên doanh với phía Việt Nam không được sử dụng logo, hình ảnh của họ. Trong khi thực tế, các hãng vào Việt Nam, họ góp vốn và mong muốn hình ảnh của họ được thể hiện trên thương hiệu. "Nói chung gần một năm qua, chúng tôi chưa giải quyết được vấn đề này", nguồn tin của Vietjet nói thêm.

Tháng 2/2010, AirAsia tuyên bố mua 30% cổ phần của VietJet để trở thành cổ đông nước ngoài duy nhất của hãng vận chuyển này. Hai bên dự kiến sẽ vận hành các chuyến bay thương mại trong và ngoài nước mang thương hiệu chung VietJet AirAsia. Thế nhưng, suốt một năm qua, câu chuyện thương hiệu đã mài mòn tâm lý chờ đợ của phía AirAsia và tập đoàn hàng không này không còn mấy mặn mà với việc hợp tác.

Trong khi đó, đến hết tháng 5, giấy phép vận chuyển cũng sẽ hết hiệu lực, nếu Vietjet Air không khởi động đường bay.

Trên thực tế câu chuyện tương tự liên quan tới thương hiệu từng xảy ra với Jetstar Pacific suốt từ giữa năm 2008 đến nay và chưa có kết cục cuối cùng. Cục Hàng không VN cho rằng việc Jetstar Pacific sử dụng các biểu tượng chữ "Jet", "Jetstar" và ngôi sao giống như hãng hàng không ở Australia là gây nhầm lẫn. Còn Jetstar Pacific lại lập luận rằng cách làm nhượng quyền thương hiệu, nhượng quyền thương mại của hãng với đối tác ở Australia hoàn toàn phù hợp với luật pháp Việt Nam và thông lệ thế giới. Tuy nhiên, Cục Hàng không VN và Bộ Giao thông Vận tải giữ nguyên quan điểm là Jetstar Pacific phải thay đổi biểu tượng. Cực chẳng đã, hãng vận chuyển này cũng phải tiến hành sơn lại biển bảng và thay đổi logo, với chi phí cực kỳ tốn kém.

Câu chuyện thương hiệu từng xảy ra với Jetstar Pacific, nay lặp lại với Vietjet, có nguy cơ đổ bể khiến nhiều người đặt câu hỏi nên hay không nên đặt ra hàng rào thương hiệu. Các hãng hàng không nhỏ trong nước rất khỏ cạnh tranh được với doanh nghiệp lớn nếu không bắt tay với các tập đoàn mạnh thế giới. Điều này đã được minh chứng bằng sự "sớm nở tối tàn" của Hãng hàng không Indochina Airlines khi ông chủ Hà Hùng Dũng vẫn duy trì giấc mơ bay nhưng thất bại vì vốn mỏng.

VietJet là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam được cấp phép ngày 7/12/2007. Hãng đã nhiều lần lùi kế hoạch khai thác do thị trường hàng không gặp nhiều khó khăn. Và ước tính, trong hơn 3 năm không bay, hãng đã tiêu tốn cho việc vận hành bộ máy lên tới con số trên 100 tỷ đồng.