Bán bảo hiểm kèm dịch vụ ngân hàng có thể bị phạt tới 500 triệu đồng
Kinhtedothi - Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu thẩm định dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Ảnh minh hoạ
Đáng chú ý, quy định mới bổ sung tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 88/2019 là mức phạt tiền từ 400 - 500 triệu đồng đối với vi phạm về gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.
Mức phạt này được bổ sung nhằm tương thích với Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ đầu tháng 7/2024. Hiện các quy định của ngành ngân hàng không đề cập hình thức bảo hiểm nào là bắt buộc tham gia với người đi vay.
Mức phạt từ 400 - 500 triệu đồng cũng được áp dụng đối với những vi phạm liên quan đến hoạt động ngân hàng không có giấy phép, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài; các hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia và an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng cũng nằm trong diện trên.
Tại dự thảo cũng quy định đối với hành vi về vi phạm lãi suất huy động vốn, phí cung ứng dịch vụ, kinh doanh và cung ứng sản phẩm phái sinh. Cụ thể, mức phạt đối với những vi phạm này dao động từ 10 - 20 triệu đồng khi không niêm yết công khai lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ; niêm yết lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng; thu các loại phí cung ứng dịch vụ không đúng quy định.
Trong khi đó, phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi áp dụng lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ không đúng mức đã niêm yết. Cao nhất là mức phạt từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về lãi suất huy động vốn; kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh về lãi suất, tiền tệ, giá cả hàng hóa và tài sản tài chính khác.
Dự thảo Nghị định cũng bổ sung thêm nhiều chế tài xử phạt, tăng mức phạt vi phạm hành chính, trong đó mức xử phạt nặng nhất có thể lên đến 500 triệu đồng.
Ngoài ra, mức phạt tiền từ 150 triệu đồng - 200 triệu đồng được quy định đối với hành vi không xây dựng quy trình quản lý rủi ro, không phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro hoặc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro không đúng quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Phòng, chống khủng bố và pháp luật về phòng, chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 88 hiện đang trong quá trình lấy ý kiến và thẩm định. Khi được ban hành, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động của tổ chức tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính – ngân hàng đang có nhiều thay đổi về sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh.

Tín dụng tăng gần 10%, áp lực lãi suất, tỷ giá lớn
Kinhtedothi- Đến ngày 30/6/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tăng 19,32% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất kể từ 2023 đến nay. Thông tin được đưa ra tại buổi Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sáng 8/7.

Cấm ngân hàng bán bảo hiểm kèm khoản vay
Kinhtedothi - Từ 1/7/2024, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực. Điểm nổi bật trong Luật là quy định cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay.

Ngăn chặn sai phạm liên quan bán bảo hiểm nhân thọ qua chi nhánh ngân hàng
Kinhtedothi - Chất vấn đề nhóm vấn đề tài chính, bảo hiểm nhân thọ, đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm tới giải pháp giải quyết bồi thường thiệt hại tài sản cho bên thứ ba; ngăn chặn sai phạm trong việc bán sản phẩm nhân thọ thông qua các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng.