Tín dụng tăng gần 10%, áp lực lãi suất, tỷ giá lớn
Kinhtedothi- Đến ngày 30/6/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tăng 19,32% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất kể từ 2023 đến nay. Thông tin được đưa ra tại buổi Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sáng 8/7.
Cân bằng bài toán lãi suất, tỷ giá
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, những tháng đầu năm 2025, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, chịu tác động bởi nhiều yếu tố: từ các chính sách thuế quan thay đổi nhanh chóng, đến căng thẳng địa chính trị gia tăng. Ngay đầu giờ sáng ngày 8/7 giờ Việt Nam, Mỹ công bố mức thuế từ 25-40% đối với 14 quốc gia, hiệu lực từ 1/8, đồng thời cảnh báo sẽ tăng thuế nếu như các quốc gia này trả đũa, cho thấy nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định trong giai đoạn tới.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu tại Họp báo.
Lạm phát mặc dù hạ nhiệt về mức mục tiêu nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại. Như vậy, rủi ro tiềm ẩn trên thị trường tài chính – tiền tệ thế giới tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất trong nước cũng như việc thực hiện mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên.
Về mặt bằng lãi suất, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện thúc đẩy tín dụng. Các ngân hàng thương mại cũng tích cực giữ ổn định lãi suất huy động, giúp giảm chi phí vốn và hạ lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay bình quân các khoản vay mới hiện ở mức 6,38%/năm, giảm khoảng 0,6% so với cuối năm 2024.
Về điều hành tỷ giá, Phó Thống đốc NHNN cho biết, trong những giai đoạn thị trường chịu áp lực quốc tế lớn, NHNN bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng khi cần thiết để hỗ trợ thanh khoản thị trường nhằm phục vụ các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế, bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; chủ động tạo dư địa cho tỷ giá có điều kiện diễn biến linh hoạt, góp phần hấp thu cú sốc bên ngoài. Đến nay VND mất giá 2,7-2,8% so với USD.
Lý giải thêm về việc VND rớt giá so với USD mặc dù DXY giảm, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN Phạm Chí Quang cho biết, để duy trì sức mạnh đồng tiền thì đồng tiền đó phải có sức hấp dẫn. Sức hấp dẫn một phần được thông qua lãi suất. Tuy nhiên thời gian qua, NHNN đã thực hiện các chính sách điều hành nhằm duy trì mặt bằng lãi suất thấp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Do đó, để có lãi suất thấp thì phải có sự đánh đổi nhất định, trong đó có tỷ giá. Việc mặt bằng lãi suất VND thấp trên thị trường liên ngân hàng đã dẫn tới chênh lệch lãi suất âm đồng VND và USD, khiến USD hấp dẫn hơn, dẫn tới cân đối cung cầu ngoại tệ biến động, hành vi chuyển đổi sang đồng tiền lãi suất cao hơn.
Phó Thống đốc cho biết, thời gian tới, NHNN luôn theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế để xây dựng các kịch bản điều hành phù hợp; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt.
Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tế, từng bước gỡ bỏ room tín dụng
So với kế hoạch đề ra năm 2025 tăng trưởng tín dụng 16% thì mức tăng còn lại của 5 tháng cuối năm là 6,1%. Phó Thống đốc cho biết, trên cơ sở các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2025 do Quốc hội và Chính phủ đề ra, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%, có điều chỉnh phù hợp diễn biến, tình hình thực tế.
Hiện, cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu của nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, tín dụng cho nông, lâm, thủy sản chiếm khoảng 6,37%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 12,84%; ngành xây dựng chiếm khoảng 7,53% (trong đó có cả các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, đây cũng là ngành được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh tín dụng); ngành dịch vụ khác như bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ trọng khoảng 23,74%.
Đối với các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỉ trọng 23,16%; tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 17,51%.
Về tốc độ, 2 lĩnh vực ưu tiên là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều có tốc độ tăng trưởng tín dụng rất cao, gần gấp đôi so với tốc độ chung. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là 15,69% và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 17,59%.
Về việc lộ trình nới bỏ room tín dụng theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Phạm Chí Quang cho biết, giai đoạn chính sách tiền tệ nới lỏng (giai đoạn 2005-2010, tăng trưởng tín dụng tăng nóng, có những giai đoạn tăng đến 54%) vì tốc độ tăng trưởng tín dụng nóng như vậy nên trong giai đoạn đó nhiều tổ chức tín dụng đứng trên bờ vực phá sản. Để duy trì hệ thống tín dụng không đổ vỡ thì từ năm 2012, NHNN đã duy trì rooom tín dụng và việc áp room tín dụng đã có vai trò tích cực giúp tăng trưởng kinh tế bền vững và kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, theo ông Quang, không có giải pháp nào là vĩnh viễn. Trong năm 2025, NHNN đã gỡ bỏ room tín dụng cho nhóm ngân hàng nước ngoài, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng,... như vậy việc áp dụng room tín dụng chỉ còn áp dụng với các ngân hàng thương mại. Ông Quang cho hay, NHNN đang từng bước gỡ bỏ room tín dụng, hướng đến chính sách điều hành chủ động, linh hoạt hơn, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, làm sao để đồng thời ổn định vĩ mô, kiểm soát được lạm phát.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, các tổ chức tín nhiệm quốc tế đưa ra các khuyến nghị, giải pháp để chúng ta đạt được mục tiêu song song. Khi bỏ room tín dụng, chính sách mới của NHNN cần đạt được tính chủ động rất cao trong việc điều hành. Do đó, NHNN sẽ nghiên cứu đánh giá chính sách rất kỹ lưỡng để gỡ bỏ room tín dụng trong thời gian tới.
Trích dẫn
Đối với giá vàng, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, trong những tháng đầu năm giá vàng thế giới biến động liên tục và phá vỡ kỷ lục, theo đó giá vàng trong nước diễn biến cùng chiều với thế giới. Nhờ các giải pháp đồng bộ, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cơ bản được kiểm soát trong biên độ phù hợp, khoảng 5 triệu đồng/lượng. Hiện NHNN đang lấy ý kiến các bộ, ngành về việc sửa đổi Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng và cố gắng trình Chính phủ đạt thời gian 15/7 như yêu cầu của Thủ tướng.

Áp lực tăng lãi suất huy động
Kinhtedothi - Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp kỷ lục, đà giảm lãi suất huy động chậm lại. Áp lực lãi suất tăng, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang nỗ lực ổn định lãi suất, duy trì trạng thái bơm thanh khoản ra thị trường thông qua thị trường mở (OMO).

"Bất ngờ" lý do chủ tịch Fed chưa hạ lãi suất
Kinhtedothi - Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tuyên bố sẽ không vội vàng hạ lãi suất, với lý do thuế quan của Tổng thống Donald Trump đang làm phức tạp dự báo lạm phát trong nước.

Ông Trump gia tăng sức ép lên Chủ tịch Fed: hạ lãi suất hoặc chấp nhận bị thay thế
Kinhtedothi - Tổng thống Trump công khai gây áp lực lên Fed, yêu cầu giảm mạnh lãi suất và cảnh báo Chủ tịch Jerome Powell có thể bị thay thế sớm.