Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

"Bất ngờ" lý do chủ tịch Fed chưa hạ lãi suất

Kinhtedothi - Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tuyên bố sẽ không vội vàng hạ lãi suất, với lý do thuế quan của Tổng thống Donald Trump đang làm phức tạp dự báo lạm phát trong nước.

Phát biểu tại diễn đàn thường niên của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Sintra (Bồ Đào Nha), Chủ tịch Powell cho biết lý do chính khiến Fed chưa hạ lãi suất là những bất ổn kinh tế do các chính sách thuế quan của Tổng thống Trump.

Kể từ tháng 4, các mức thuế quan được áp đặt trên diện rộng đối với hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ đã làm dự báo lạm phát tại nước này trở nên phức tạp. 

Ông Powell cho biết nếu không có những chính sách thuế quan, Fed có thể đã cắt giảm lãi suất trong năm nay.

“Chúng tôi đã tạm dừng kế hoạch khi nhận thấy quy mô của các mức thuế quan, và gần như tất cả dự báo lạm phát tại Mỹ đều tăng đáng kể”, Chủ tịch Fed giải thích. Ông nhấn mạnh cơ quan này đang áp dụng cách tiếp cận “chờ và quan sát” để đánh giá tác động thực tế của các biện pháp thuế quan trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào.

Sức ép từ ông Trump và những thách thức mới

Trong những tháng gần đây, Tổng thống Trump đã không ngừng kêu gọi Fed hạ lãi suất, khi cho rằng chính sách giữ lãi suất ổn định của cơ quan này đã gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ. Ông Trump thậm chí còn gửi một lá thư viết tay đến ông Powell và các thành viên Hội đồng Thống đốc Fed, trong đó chỉ trích họ vì không hành động nhanh chóng như các ngân hàng trung ương khác trên thế giới, chẳng hạn như ECB, vốn đã cắt giảm lãi suất 8 lần trong năm qua.

Trong lá thư, tổng thống Mỹ yêu cầu Fed giảm lãi suất mạnh, thậm chí đề xuất mức cắt giảm tới 2,5 điểm phần trăm, đồng thời gọi Chủ tịch Powell là “người không thông minh” và đe dọa thay thế ông trước khi nhiệm kỳ của chủ tịch Fed kết thúc vào tháng 5/2026. Tuy nhiên, ông Powell vẫn giữ vững quan điểm rằng các quyết định của Fed sẽ không chịu ảnh hưởng từ bất kỳ áp lực chính trị nào. 

Chủ tịch Fed Jerome Powell (giữa) phát biểu tại diễn đàn thường niên của Ngân hàng Trung ương châu Âu ở Sintra, Bồ Đào Nha. Ảnh: Ngân hàng Trung ương châu Âu

Tại diễn đàn ở Sintra, khi được hỏi về những lời công kích từ Tổng thống Trump, Chủ tịch Powell chỉ đáp ngắn gọn: “Tôi chỉ tập trung vào làm tốt công việc của mình”. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng bày tỏ sự đồng tình, khi nhấn mạnh các ngân hàng trung ương cần duy trì cách tiếp cận phi chính trị để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Không chỉ riêng Fed, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới cũng đang đối mặt với những khó khăn trong việc dự báo lạm phát và điều chỉnh chính sách tiền tệ trong bối cảnh bất ổn địa chính trị. Tại diễn đàn ở Sintra, bà Lagarde cho hay các chính sách thuế quan của ông Trump đã tạo ra cả rủi ro tăng và giảm đối với lạm phát, khiến các nhà hoạch định chính sách phải đặc biệt cảnh giác.

ECB đã giảm lãi suất 8 lần trong năm qua khi lạm phát tại khu vực đồng euro giảm xuống mức 2% vào tháng 6, đạt mục tiêu của ngân hàng. Tuy nhiên, Chủ tịch Lagarde nhấn mạnh đây chưa phải là “nhiệm vụ đã hoàn thành” mà chỉ là “mục tiêu đã đạt được”.

Trong khi đó, Ngân hàng Anh (Bank of England) cũng áp dụng cách tiếp cận thận trọng, khi chỉ giảm lãi suất 4 lần trong năm qua, đưa lãi suất xuống còn 4,25%. Thống đốc Andrew Bailey cho biết lạm phát tại Anh có thể tăng trở lại trong năm nay do các yếu tố như giá điện và nước tăng, nhưng ông dự đoán đây chỉ là hiện tượng tạm thời.

Ông Bailey nhận định xu hướng dài hạn của lãi suất vẫn là đi xuống, nhờ các dấu hiệu suy yếu trong nền kinh tế Anh.

Các thống đốc ngân hàng trung ương Nhật Bản và Hàn Quốc cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến các chính sách thuế quan của ông Trump, vốn có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và gây áp lực lên giá cả. Những bất ổn này khiến việc dự báo lạm phát và thiết lập chính sách tiền tệ trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.

Chủ tịch Powell cũng thừa nhận tác động của thuế quan có thể chưa rõ ràng trong ngắn hạn, nhưng Fed dự kiến sẽ ghi nhận những biến động lớn hơn về lạm phát vào mùa hè này. “Chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy các chỉ số lạm phát cao hơn, nhưng chúng tôi cũng sẵn sàng chấp nhận rằng tác động có thể mạnh hơn, yếu hơn, sớm hơn hoặc muộn hơn dự đoán”, ông nói.

Lập trường của Fed và triển vọng tương lai

Dù chịu áp lực từ Tổng thống Trump và một số ý kiến trái chiều từ nội bộ, Chủ tịch Powell vẫn khẳng định Fed sẽ tiếp tục đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu kinh tế, đặc biệt là hai mục tiêu chính: việc làm tối đa và ổn định giá cả.

Hiện tại, nền kinh tế Mỹ đang ở trạng thái ổn định với tỷ lệ thất nghiệp thấp và lạm phát đang giảm dần. Tuy nhiên, hai thành viên do ông Trump bổ nhiệm trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC), Phó Chủ tịch Michelle Bowman và Thống đốc Christopher Waller, đã lên tiếng ủng hộ việc xem xét cắt giảm lãi suất sớm nhất vào cuộc họp của Fed cuối tháng 7. 

Dù vậy, Chủ tịch Powell từ vẫn chối đưa ra dự đoán cụ thể về thời điểm cắt giảm lãi suất, và chỉ khẳng định phần lớn các thành viên FOMC cho rằng việc hạ lãi suất sẽ phù hợp vào cuối năm nay, tùy thuộc vào diễn biến của lạm phát và thị trường lao động. Ông nhấn mạnh Fed sẽ tiếp tục đánh giá từng cuộc họp một cách linh hoạt, không loại trừ bất kỳ khả năng nào nhưng cũng không đưa ra cam kết cụ thể.

Trong bối cảnh nhiệm kỳ của mình sẽ kết thúc vào tháng 5/2026, Chủ tịch Powell bày tỏ mong muốn chuyển giao một nền kinh tế ổn định cho người kế nhiệm. Ông cũng từ chối bình luận về việc có tiếp tục ở lại Hội đồng Thống đốc Fed sau khi rời ghế chủ tịch hay không, khi nhấn mạnh ưu tiên hiện tại là duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô. 

Lập trường kiên định của Chủ tịch Jerome Powell, cùng với sự ủng hộ từ các đồng nghiệp quốc tế, cho thấy quyết tâm của Fed trong việc duy trì sự độc lập và đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu, bất chấp những áp lực chính trị mạnh mẽ từ chính quyền Tổng thống Trump.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Ngành cần sa tại Thái Lan đứng trước "cửa tử"

Ngành cần sa tại Thái Lan đứng trước "cửa tử"

03 Jul, 10:13 AM

Kinhtedothi - Chính phủ Thái Lan đang xem xét tái phân loại cần sa là chất ma túy trong vòng 45 ngày tới. Động thái này khiến nhiều nông dân, doanh nghiệp và chủ cửa hàng lo lắng, khi ngành cần sa từng được kỳ vọng trở thành lĩnh vực tiềm năng trong nông nghiệp, y tế và du lịch tại nước này.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ