Ám ảnh chuyện rượu

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày gần đây liên tiếp xảy ra chuyện ngộ độc rượu và có những nạn nhân đã tử vong khiến gây ám ảnh cho nhiều người dân.

Tuy nhiên, đứng đằng sau mất mát về con người còn là câu chuyên lớn hơn: Về tệ nạn uống rượu dẫn đến suy kiệt sức lao động, phá vỡ hạnh phúc gia đình, suy thoái về chất lượng giống nòi, gây tai nạn giao thông. Người viết đã không ít lần bị ám ảnh về chuyện uống rượu.

Ám ảnh chuyện rượu. Ảnh: Internet
Ám ảnh chuyện rượu. Ảnh: Internet

Một sáng sớm trên con đường nhỏ ở phố vắng thuộc tỉnh Bình Dương, chúng tôi thấy cảnh một người cắp chai rượu, chân nam đá chân chiêu… Đến gầm cầu Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh, cũng lúc sáng sớm thôi, bắt đầu một ngày mới lẽ ra cho lao động sản xuất, chúng tôi thấy một “bàn” rượu bày ngay dưới đất với chỉ hai người và chai rượu to đùng.

Vào Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi từng chứng kiến cảnh người đàn ông khoảng bốn chục tuổi người gầy gò, ánh mắt hoang dại nhưng bụng to đùng nằm trên dường bệnh. Anh ta nằm một mình, không ai chăm sóc. Đến bữa ăn, anh ta được một bệnh nhân san sẻ cho một phần cơm. Bác sĩ ở đây cho biết, anh này bị xơ gan do rượu. Người nhà nhiều lần đưa anh đi cấp cứu. Những lần trước họ còn chăm sóc. Lần này, họ đưa anh ta đến bệnh viện rồi bỏ mặc.

Nghiện rượu, nhậu triền miên là chuyện không hiếm gặp. Cách nay chưa lâu, 3 phụ nữ ở Cà Mau uống rượu liên tục trong 2 ngày rồi tử vong.

Chúng tôi từng chứng kiến, có anh bán một nương sắn lấy tiền ra mua một thùng bia hơi to, mời bạn bè uống suốt một ngày, một đêm.

Gần đây nhất, trong chuyến lên vùng núi Nam Trà My, Quảng Nam, một cán bộ (giấu tên) cho biết, tệ nạn uống rượu là ngoài sức tưởng tượng. Cán bộ này nói rằng, các đoàn từ thiện nếu cho người nghiện cái gì họ cũng đổi ra rượu hết, từ tôn lợp mái nhà, gạo… Có chủ quán rượu dù thấy lợi lớn nhưng nhất quyết từ chối chuyện đổi đồ lấy rượu của họ. Những ma men đó say rượu suốt ngày, phó mặc chuyện kiếm ăn cho vợ nên không nghèo mới lạ.

Như báo chí thông tin, Việt Nam là một trong những nước hàng đầu trên thế giới. Việt Nam xếp thứ hai trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Rượu, bia hiện nay ở Việt Nam giá rất rẻ, lại dễ mua cho nên nhiều người tiếp cận được nó.

Việt Nam cũng đã nhận thức được tác hại to lớn của rượu, bia lên các mặt của đời sống, kinh tế và xã hội. Mới đây, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, cùng Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Nghị định 100) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt ra đời đã quy định mức xử phạt nặng đối với các vi phạm nồng độ cồn. Nghị định 100 đã tỏ ra hiệu quả. Tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19 xảy ra nên nghị định này đang khó triển khai. Nay dịch bênh đã tạm ổn, việc triển khai nghị định cần được tăng cường.

Cuối cùng, như một bác sĩ nói: “Chúng tôi chữa bệnh cho người nghiện rượu, nhưng báo chí nên tuyên truyền nhiều hơn nữa về sự nguy hiểm của rượu, bia. Rượu, bia nếu uống vừa phải thì không sao nhưng nghiện gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe thể chất và tâm thần”.

Ám ảnh chuyện tử vong do uống rượu dỏm, chuyện những người lệ thuộc rượu, chúng tôi mong mỏi Nhà nước có nhiều biện pháp đồng bộ để giảm thiểu vấn nạn này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần