Đặc biệt, gần đây xuất hiện nhiều bài viết về việc nữ diễn viên nổi tiếng Từ Hy Viên (người Đài Loan - Trung Quốc) chết vì bệnh cúm khiến nhiều người đổ xô đi tiêm phòng.
Có lẽ vì độ nóng về cái chết nữ diễn viên tài sắc này nên các bài viết đề cập đến cái chết của cô, về virus cúm A và độc tính của nó xuất hiện tần suất ngày càng dày đặc, kèm theo đó là lời khuyên của các chuyên gia y tế trong, ngoài nước.
Như phản ứng dây chuyền, nhiều người đổ xô đi mua thuốc Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir) để phòng khi cần dùng đến, tạo sự khan hiếm thuốc này cục bộ, đẩy giá thuốc lên gấp nhiều lần từ 400.000 - 800.000 đồng/hộp 10 viên (bình thường chỉ 69.000 đồng/hộp).
Nhiều người dù đang khỏe mạnh cũng tìm cách đi tiêm vaccin ngừa cúm. Điều này, theo các chuyên gia, dễ khiến vaccin ngừa cúm thiếu tạm thời, không có dùng cho những đối tượng cần đến (trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền).
Trên thực tế, virus cúm mà diễn viên Từ Hy Viên mắc là loại cúm mùa “đến hẹn lại lên”. Diễn viên này tử vong có liên quan đến cúm nhưng do có bệnh nền: tim mạch, phổi… Thông thường những ca tử vong liên quan đến virus cúm A cũng do có bệnh nền hoặc sức đề kháng kém do già yếu.
Báo Kinh tế & Đô thị mới đây cũng dẫn thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm mùa, chưa ghi nhận ca tử vong; số mắc giảm 97,4% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, các ca mắc cúm hiện tại không ghi nhận thay đổi về độc lực. Mặc dù số trường hợp mắc cúm có gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong dịp Tết Nguyên đán năm 2025, tuy nhiên không có sự gia tăng đột biến so với cùng kỳ hằng năm với các tác nhân chủ yếu là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Như vậy, cảnh giác với virus cúm mùa là cần thiết, nhưng không nên hoang mang lo lắng để khỏi tiền mất, tật mang. Nói như vậy là bởi dùng thuốc Tamiflu không đúng cách sẽ gây lờn thuốc, có khi còn nguy hiểm đến sức khỏe của người uống.
Trong câu chuyện virus cúm thời gian gần đây, câu chuyện cần rút ra: Bộ Y tế và các cơ quan chức năng của bộ cần hướng dẫn dư luận kịp thời trước khi dịch bệnh xảy ra, nhất là các dạng dịch bệnh theo mùa là xảy ra; không nên bị động chạy theo sự kiện. Giá Tamiflu bị đẩy lên cao, khan hiếm cục bộ cũng đã từng xảy ra hồi còn đại dịch Covid-19, lúc cũng có đồn thổi về tác dụng diệt virus của dược phẩm này, không lẽ bộ không rút ra được kinh nghiệm gì cho việc truyền thông?
Điều cuối cùng, người dân cũng cần tỉnh táo trước các thông tin dịch bệnh, với những dạng truyền thông hết sức tinh vi cho một dịch vụ y tế nào đó. Trước dịch bệnh, lựa chọn đúng đắn nhất là chờ sự hướng dẫn, khuyến cáo chính thức từ cơ quan chức năng của Bộ Y tế, không nghe lời nhắn nhủ, thúc giục từ bất cứ cá nhân nào, dù họ đang được gắn nhãn mác là “chuyên gia”.