Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người dân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc Tamiflu điều trị cúm

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, bệnh cúm diễn biến phức tạp ở phía Bắc, nhu cầu dùng thuốc kháng virus (Tamiflu) điều trị cúm gia tăng. Do tâm lý lo tăng giá, khan hiếm nên người dân đổ xô mua thuốc dự trữ.

Dự trữ vì lo thuốc khan hiếm, giá tăng

Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm mùa, chưa ghi nhận ca tử vong; số mắc giảm 97,4% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, các ca mắc cúm hiện tại không ghi nhận thay đổi về độc lực.

Mặc dù số trường hợp mắc cúm có gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong dịp Tết Nguyên đán năm 2025, tuy nhiên không có sự gia tăng đột biến so với cùng kỳ hàng năm với các tác nhân chủ yếu là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Người dân đổ xô mua thuốc Tamiflu điều trị cúm A. Ảnh: Thanh Bình
Người dân đổ xô mua thuốc Tamiflu điều trị cúm A. Ảnh: Thanh Bình

Trước thông tin gia tăng bệnh nhân mắc cúm mùa, không ít người dân đi mua thuốc Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir) - thuốc kháng virus cúm A về dự trữ do tâm lý sợ giá sẽ tăng, khan hiếm thuốc nếu dịch bùng phát.

Không chỉ vậy, trên các trang mạng xã hội, nhiều tài khoản, cửa hàng thuốc rao bán thuốc Tamiflu, thậm chí còn khuyến cáo người dân nên dự trữ 1 - 2 vỉ thuốc ở nhà để dự phòng khi mắc cúm A.

Theo ghi nhận, tại một chuỗi cửa hàng thuốc ở Hà Nội với sức mua tăng mạnh, thuốc Tamiflu được bán với giá 520.0000 đồng/hộp/10 viên (hàng mới về) bình ổn so với thời điểm trước đó một tuần (69.000 đồng/hộp/10 viên).

Trước thực tế trên, đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết, các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir hiện vẫn bảo đảm về nguồn cung.

Đối với thuốc Tamiflu, theo thông tin từ công ty nhập khẩu, hiện tại số lượng thuốc tồn kho là hơn 10.000 hộp. Sắp tới, công ty sẽ nhập thêm khoảng 50.000 hộp. Trong nước cũng sản xuất và cung ứng thuốc chứa Oseltamivir, hiện đang có trên 300.000 viên. Giá bán buôn vẫn giữ nguyên.

Một trường hợp điều trị cúm A tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: BVCC
Một trường hợp điều trị cúm A tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: BVCC

Theo đại diện Cục Quản lý Dược, các hành vi lợi dụng, tăng giá bán nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt theo khoản 4 Điều 15 Nghị định 87/2024/NĐ-CP ngày 12/7/2024 với số tiền phạt từ 50 - 80 triệu đồng đối với cá nhân; đối với tổ chức, mức phạt tăng gấp 2 lần theo quy đinh tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này.

Tránh lạm dụng thuốc, gây lãng phí

Trước diễn biến của bệnh cúm, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, TP; các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế và các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc đảm bảo nguồn cung thuốc cho các bệnh có thể xảy ra trong mùa Đông Xuân.

Riêng với Sở Y tế các tỉnh, TP, Cục Quản lý Dược đề nghị tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế theo dõi sát tình hình dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng và sử dụng thuốc, đảm bảo thuốc được phân phối hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Các bệnh viện chủ động lập kế hoạch dự trữ, mua sắm thuốc điều trị cúm, đặc biệt là các thuốc kháng virus, đảm bảo sẵn sàng và cung ứng kịp thời thuốc điều trị bệnh cúm; sử dụng thuốc hợp lý, tránh lạm dụng thuốc kháng virus để hạn chế nguy cơ kháng thuốc.

Một bệnh nhân cúm A phải can thiệp ECMO tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: BVCC
Một bệnh nhân cúm A phải can thiệp ECMO tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: BVCC

Đối với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, Cục Quản lý Dược đề nghị tăng cường nguồn cung, xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh cúm; khẩn trương cung ứng đủ thuốc khi nhận đơn đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, hiện nay, nhiều người dân bị cúm tự ý mua Tamiflu điều trị tại nhà. Tuy nhiên, Tamiflu là thuốc kháng virus chỉ định cho các trường hợp nhiễm cúm A nặng hoặc có nguy cơ biến chứng.

Chuyên gia cảnh báo, đây là thuốc cần có đơn thuốc của bác sĩ chỉ định trên các đối tượng người bệnh phù hợp, có triệu chứng nặng, đối với trẻ em cần điều chỉnh liều theo cân nặng. Việc tự ý dùng thuốc khi không cần thiết có thể gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn, lãng phí thuốc hoặc lãng phí tiền bạc.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý, thuốc kháng virus điều trị cúm là Oseltamivir (Tamiflu) dùng để ức chế virus nhân lên, làm giảm khả năng bám dính của virus ở đường hô hấp, không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng.

Việc dùng Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48 giờ đầu, theo chỉ định của bác sĩ vì thuốc này là thuốc kê đơn, thường chỉ dùng đối với các trường hợp có nguy cơ chuyển nặng.

Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, việc tự mua thuốc đặc trị cúm gây ra tình trạng khan hiếm rất nguy hiểm dẫn đến nhiều người cần dùng thuốc không có.

Thuốc trị cúm hoạt chất Oseltamivir được chỉ định dành cho bệnh nhân bị cúm nhưng không phải ai cũng cần sử dụng. Người trẻ, khỏe, không có bệnh nền chỉ hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ không cần uống thuốc kháng virus. Bản thân thuốc này cũng có tác dụng phụ và gây tình trạng nhờn thuốc.

Thuốc kháng virus chỉ có lợi những người có nguy cơ nhiễm cúm nặng, có biểu hiện bệnh nặng. Thông thường, người già, bệnh nhân mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, người suy giảm miễn dịch được khuyến cáo sử dụng.

Ngoài thuốc kháng virus, các loại kháng sinh, người dân cũng không tự ý dùng, vì kháng sinh không có tác dụng với cúm mà có nhiều tác hại trong trường hợp này.

 

Người dân cần phân biệt rõ triệu chứng cảm lạnh và bệnh cúm. Cảm lạnh là cơ thể bị nhiễm gió lạnh, mưa lạnh thường gây mệt mỏi qua loa vài ngày tự khỏi. Còn cúm là bệnh do tác nhân virus cúm gây ra các triệu chứng đường hô hấp như ho, sốt, ngạt mũi, hắt hơi, khó thở... và có thể gây biến chứng nguy hiểm cần phải điều trị.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai