Ám ảnh nợ xấu ngân hàng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tình hình dịch bệnh phức tạp cũng như sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu, nỗi lo nợ xấu gia tăng lại trở về với ngành ngân hàng.

Hoạt động nghiệp vụ tại BaoVietBank chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Lo dịch bệnh ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ
Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho DN mới đây, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đến nay, ít nhất 926.000 tỷ đồng dư nợ của 23 ngân hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 (chiếm hơn 11% dư nợ toàn hệ thống). Lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn đến từ các DN xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục... Cùng với đó là các DN có thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc (điển hình là DN kinh doanh hàng nông sản, thủy sản); các DN có nguồn nguyên liệu nhập khẩu chính từ Trung Quốc… Những DN trong các lĩnh vực này chiếm lượng khá lớn trong số các khách hàng của các ngân hàng, do đó nguy cơ gia tăng nợ xấu là khó tránh khỏi.
Hiện tại chỉ có các DN trong lĩnh vực nông nghiệp có thể được cơ cấu lại nợ mà không bị chuyển nhóm nợ nhờ Nghị định 116/NĐ-CP. Còn lại, nguy cơ nợ xấu tăng lên vẫn hiện hữu ở các nhóm du lịch, vận tải, bất động sản. Tuy vậy, với tỷ lệ nợ xấu giảm và tỷ lệ dự phòng tăng trong năm 2019, nếu tình hình dịch bệnh không diễn biến quá tiêu cực, ngành ngân hàng Việt Nam vẫn kiểm soát được vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Thúy Anh, bộ phận phân tích ngành ngân hàng - Công ty Chứng khoán Rồng Việt
Theo ước tính của Ngân hàng VPBank, tổng số khách hàng của VPBank bị tác động trong đợt dịch Covid-19 lên tới gần 1.000 DN và có thể sẽ gia tăng nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tại Ngân hàng Agribank, do việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi trong cơ cấu cho vay của Agribank, nông nghiệp chiếm tới 70%. Điều này cũng có thể tác động làm gia tăng nguy cơ nợ xấu tại ngân hàng này.
Số liệu thống kê từ NHNN cho biết, đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ở mức 1,89%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cuối năm 2019 ở mức dưới 2% là một tín hiệu cho thấy có chuyển biến tích cực khi đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước đó. Đáng chú ý, nhiều ngân hàng đã sạch nợ xấu tại Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Tuy nhiên, một số ngân hàng vẫn còn tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh trong năm qua và tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao so với tổng dư nợ. "Trong khi năm nay, với những khó khăn do dịch Covid-19 có thể thấy việc giảm tỷ lệ nợ xấu sẽ gặp thách thức đáng kể” - TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh. 
Chưa điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận
Trước đó, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và có dư nợ gốc hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 - 31/3/2020. Cùng với đó, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch.
Các ngân hàng cũng phải có phương án phân định, xác định lại nợ, đánh giá nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn, hoãn, giãn, tái cơ cấu thời hạn trả nợ, hỗ trợ DN khó khăn và trích lập lãi dự thu... NHNN sắp tới cũng sẽ ban hành gấp Thông tư hướng dẫn ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Nhận xét về động thái này của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, ông Hiếu cho rằng, chính sách đó sẽ có lợi cho cả DN và ngân hàng. Việc giữ nguyên nhóm nợ có thể giúp các ngân hàng không phải tăng mức trích lập dự phòng do nợ xấu gia tăng. Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực đánh giá, hiện quy mô dự tính tác động không quá lớn, ngoài ra, Chính phủ và NHNN cho phép nếu hộ kinh doanh hoặc DN có khó khăn sẽ không đưa vào nợ xấu trong năm nay mà đưa vào nợ tái cơ cấu.
Dịch bệnh Covid-19 có thể khiến cầu tín dụng giảm do nhu cầu tín dụng của các DN, hộ gia đình thấp hơn, đặc biệt là trong quý I và quý II. Đồng thời, cũng tiềm ẩn nguy cơ làm tăng nợ xấu khi hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN gặp khó khăn do tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Hầu hết các ngân hàng khẳng định với đợt giảm lãi suất vừa tung ra nhằm hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid -19, lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết, chưa cần xem xét điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà sẽ đẩy mạnh mảng bán lẻ và các dịch vụ ngoài lãi để bù đắp sự giảm sút này.
Lợi nhuận các ngân hàng Việt sẽ tăng chậm hơn
Báo cáo vừa công bố của Moody’s dự báo, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tăng chậm hơn vì áp lực cạnh tranh làm tăng chi phí huy động vốn.
Phân tích của Moody Investors Service dựa trên báo cáo mới nhất của 16 ngân hàng Việt Nam, chiếm 61% tổng tài sản toàn hệ thống ngân hàng (tính tới thời điểm ngày 30/6/2019). Cơ quan này bày tỏ kỳ vọng trong năm 2020, NHNN Việt Nam sẽ cho phép các ngân hàng đạt chuẩn Basel II có khả năng tài chính tốt được tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng so với các ngân hàng chưa đạt. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sẽ chậm chạp hơn khi áp lực cạnh tranh gia tăng làm tăng chi phí huy động vốn.
Moody's cũng đồng thời chỉ ra nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài sẽ làm gián đoạn hoạt động thương mại trao đổi hàng hóa, dẫn đến gia tăng các khoản nợ xấu từ các DN sản xuất, thương mại và DN kinh doanh các lĩnh vực khác có mối quan hệ chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu. (Thảo Nguyên)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần