Ấm áp tình người nơi phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày vừa qua, khi TP Hồ Chí Minh căng mình chống dịch bệnh Covid-19, cũng là lúc nhiều khu vực bị phong tỏa ở hầu hết quận, huyện trên địa bàn. Chính trong những ngày tháng khó khăn này, người dân TP Hồ Chí Minh bằng nhiều cách đã đùm bọc, san sẻ từng mớ rau, con cá, viên thuốc… Ai cũng mong dịch bệnh qua mau, TP sớm trở lại những ngày sôi động, rộn ràng vốn có...

Là người tiên phong trong hoạt động từ thiện tại hẻm 103, đường Văn Thân (phường 8, quận 6, TP Hồ Chí Minh), bạn Huỳnh Thị Như Hạ (28 tuổi) cho biết, khi hẻm 103 phát hiện có những ca F0 đầu tiên và bắt đầu phải thực hiện phong tỏa để phòng dịch, thì việc tiếp tế chỉ dừng lại ở nhu cầu thực phẩm. Tuy nhiên, khi số F0 tăng lên, đã kéo theo nhu cầu về thuốc, vitamin, thậm chí là oxy cho bệnh nhân Covid-19, khiến cho công việc từ thiện trở nên khó khăn và nguy hiểm gấp bội phần.

 Như Hạ trong những lần hỗ trợ người dân trong khu vực phong tỏa tại hẻm 103, Văn Thân, phường 8, quận 6, TP Hồ Chí Minh 
“Sinh ra và lớn lên trên khu vực con hẻm 103, từ nhỏ, em đã quen và biết hầu hết mọi người, mọi nhà trong con hẻm này. Em hiểu rất rõ, tại đây có rất nhiều người già, người bán vé số, người câm điếc…Vì vậy, khi dịch bệnh xảy ra, hẻm bị phong tỏa, em đã cố gắng kêu gọi trên Facebook và may mắn được rất nhiều nhà hảo tâm chung sức, người cho gạo, người cho rau, cho thịt... Thêm vào đó, còn có rất nhiều thực phẩm do UBND phường 8, quận 6 cung cấp, nên những ngày cách ly, bà con chưa 1 ngày phải đói” - Như Hạ chia sẻ.

Tuy nhiên, khi số ca F0 tăng cao, Như Hạ đã nhanh chóng bàn giao công việc phát thực phẩm hàng ngày cho một nhóm khác để tập trung vào việc phát thuốc, cung cấp oxy cho các bệnh nhân Covid-19 nặng và lớn tuổi.

“Một ngày 3 lần (sáng, trưa, chiều), em trực tiếp dùng máy SPO2 đến từng nhà có F0 đang cách ly để đo nồng độ oxy trong máu cho người bệnh. Nếu nồng độ từ 94 trở lên thì tạm ổn, còn dưới 94 thì xem là bị thiếu oxy, phải ngay lập tức cho người bệnh thở bằng máy. Hiện tại, ngoài hỗ trợ người bệnh nặng thở máy, em còn tự phát vitamin, thuốc ho, thuốc chống đông máu cho bà con đang bị bệnh ” - Như Hạ nói.

 Những phần thuốc và thực phẩm được Như Hạ chuẩn bị để phân phát cho người dân
Theo Như Hạ, những kiến thức này em học được từ bác sĩ Quyên (Bệnh viện Nguyễn Trãi). Ban đầu, bác sĩ Quyên là mạnh thường quân đã hỗ trợ cho Như Hạ bình oxy, máy đo nồng độ oxy. Sau này, khi gặp những người bệnh nặng, Như Hạ đã chủ động gọi điện để nhờ bác sĩ Quyên hướng dẫn cách chăm sóc người bệnh đúng nhất. Vì vậy, rất nhiều bệnh nhân đã được giúp đỡ kịp thời qua cơn nguy kịch và dần phục hồi trở lại.
“Nhìn thấy những nhân viên y tế quá vất vả trong những ngày dịch bệnh, em nghĩ mình cần phải chung sức cùng mọi người. Chị cán bộ y tế ở phường thương em, có phát cho em vài bộ đồ bảo hộ và dặn khi tiếp xúc F0 phải mặc vào. Nhưng khi có người gọi điện cầu cứu vì khó thở, em không kịp mặc đồ bảo hộ, cứ thế chạy đi luôn, vì em sợ chỉ cần mình trễ 1 phút thì 1 người sẽ không được cứu. Tuy nhiên, khi hoàn thành nhiệm vụ, em vẫn biết phải khử khuẩn, xịt họng để bảo vệ mình, vì mình khỏe mới thì giúp thêm được nhiều người nữa” - Như Hạ xúc động.
 Rau được cư dân Bàu Cát 2 phân sẵn vào từng bọc và để ở nhà cộng đồng, hộ nào thiếu thì có thể đến lấy miễn phí
Tự hào vì những ngày phong tỏa được sống trong đùm bọc, yêu thương, anh Trần Mậu Dũng, cư dân chung cư Bàu Cát 2 (phường 10, quận Bình Tân) cũng cho biết, từ ngày 19/7, khi chung cư Bàu Cát 2 bị phong tỏa, những cửa hàng “0 đồng” bắt đầu mọc lên ngay trong chung cư, những món quà thiết yếu như rau, củ, quả, trứng… được chính cư dân block này tặng block kia. Những tin nhắn động viên, những phần gạo, trái cây, sữa, bánh được mạnh thường quân bên ngoài gửi vào… đủ tạo nguồn năng lượng tích cực giúp cư dân thích nghi tốt với điều kiện phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19. 

“Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền, 360 hộ gia đình đã từng ngày đùm bọc nhau, chúng tôi lập ra các nhóm trên zalo để thông báo cho nhau khi cần sự giúp đỡ. Hoặc khi thừa con cá, mớ rau, gói mì, cây sả… cũng có thể sẻ chia cho nhau” - anh Dũng nói.

 Người dân trong chung cư Bàu Cát 2 còn linh động hỗ trợ nhau bằng cách để gạo và thực phẩm trước cửa từng nhà
Cũng đang trong giai đoạn “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, anh Nguyễn Thanh Huy (Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, vô cùng biết ơn khi trong thời gian phong tỏa đã luôn nhận được sự quan tâm từ các mạnh thường quân, từ chính quyền TP.

“Câu nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no” thật chẳng sai tí nào. Chỉ khi bước vào hoàn cảnh thực tế mới thật sự biết trân quý tình làng - nghĩa xóm, tình đồng bào, tình dân tộc” - anh Huy bày tỏ.

 Anh Huy khoe phần quà nhận được từ các nhà hảo tâm
Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng tin rằng với những quyết sách từ Chính phủ, sự nổ lực của chính quyền TP Hồ Chí Minh, sự đồng lòng của người dân, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tinh thần đoàn kết đã, đang và sẽ là sức mạnh được phát huy, một ngày gần nhất dịch bệnh sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần