Ảm đạm thị trường smartphone Việt

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 3 tháng đầu năm 2023 là quãng thời gian ảm đạm nhất đối với thị trường smartphone Việt kể từ sau thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Doanh số smartphone bán ra giảm tới mức báo động từ 30-50% khiến nhiều đại lý lớn chấp nhận chịu lỗ để duy trì doanh thu.

Doanh số giảm mạnh

Mới đây, công ty nghiên cứu thị trường GFK vừa đưa ra một số dữ liệu rất đáng chú ý về thị trường smartphone trong nước. Theo đó, trong 2 tháng đầu năm 2023, doanh số thị trường di động Việt chỉ đạt 2.5 triệu chiếc, giảm xấp xỉ 30% so với 3.5 triệu chiếc ở cùng kỳ năm 2022. Cần lưu ý, đây cũng là quãng thời gian diễn ra tết Nguyên đán, thời điểm hàng năm smartphone được tiêu thụ rất mạnh.

Trên thực tế, dạo qua những đại lý bán lẻ smartphone trên các tuyến phố Cầu Giấy, Thái Hà … mặc dù có nhiều chương trình khuyến mại tặng kèm sản phẩm hoặc giảm giá từ 20 - 40% so với thời điểm mới mở bán nhưng số lượng người vào xem sản phẩm cũng tương đối ít chứ chưa nói đến trong số này có ai chịu chi tiền cho một mẫu smartphone.

Bất chấp nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, doanh thu của thị trường smartphone vẫn không khởi sắc.
Bất chấp nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, doanh thu của thị trường smartphone vẫn không khởi sắc.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, một hệ thống bản lẻ điện thoại lớn cho biết, kể từ sau đại dịch Covid-19, lúc này là thời điểm thị trường smartphone ảm đạm nhất. Tính toán sơ bộ, doanh thu trong 3 tháng đầu năm 2023 đã giảm tới 50% so với 3 tháng cuối năm 2022. Không chỉ vậy, nhằm cứu vãn doanh thu, hầu hết các đại lý smartphone khác đều liên tục tung ra các đợt khuyến mại sâu nhằm kích cầu nên mức độ cạnh tranh còn cao hơn.

Ở khía cạnh sản phẩm, với smartphone dưới 5 triệu, phân khúc luôn gồng gánh thị trường điện thoại cũng đang trong giai đoạn tụt lùi mạnh. Theo ước tính của các chuỗi bán lẻ, số lượng smartphone loại này bán ra trong tháng 2/2023 đã giảm tới gần 50% so với tháng 1/2023, còn số chưa từng có trước đây.

Không chỉ vậy, đối với phân khúc cao cấp, đặc biệt là các dòng iPhone, những sản phẩm luôn mang lại lợi nhuận cao nhất cũng đang trong tình trạng ế ẩm. Trái ngược với trước tết Nguyên đán, các dòng iPhone, kể cả iPhone 14 mới ra mắt đều được tiêu thụ rất chậm. Cần chú ý, các dòng điện thoại của Apple luôn đóng góp từ 30-50% doanh thu cho các chuỗi điện thoại ở thị trường Việt Nam.

Theo đại diễn chuỗi CellphoneS Nguyễn Lạc Huy, doanh số của thị trường smartphone sẽ trầm lắng và không thể khởi sắc ít nhất cho đến quý II/2023. Hiện kinh tế toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam đang trong giai đoạn suy yếu, do đó người tiêu dùng có xu hướng “thắt lưng buộc bụng”, điều này đã kéo theo sự đi xuống của mảng smartphone. 

Nhận định trên hoàn toàn có cơ sở nếu biết, lĩnh vực smartphone đang gặp khó khăn trên phạm vi toàn cầu chứ không riêng gì ở Việt Nam. Một báo cáo mới được công bố từ hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint cho thấy, tổng sản lượng smartphone xuất xưởng năm 2022 đạt 1,2 tỷ chiếc, mức thấp kỷ lục kể từ năm 2013. Về doanh thu, cả năm 2022, còn số này chỉ đạt hoảng 409 tỷ USD, thấp nhất kể từ năm 2017. Trong Top 5 hãng smartphone dẫn đầu thị trường thì chỉ có duy nhất Apple tăng trưởng 1% doanh thu so với năm ngoái, còn với các tên tuổi khác như: Xiaomi, Vivo, Oppo đều sụt giảm gần 20%.

Theo nhận định của Counterpoint, nguyên nhân cho tình trạng này là do tần suất thay đổi điện thoại của người dùng không còn thường xuyên như trước. Bên cạnh đó, cuộc chiến Nga - Ukraine, tình trạng lạm phát, bất ổn kinh tế vĩ mô cũng khiến mức độ quan tâm với smartphone bị ảnh hưởng. Ít nhất phải hết nửa đầu 2023 thị trường smartphone mới có thể khởi sắc trở lại.

Đại lý xoay đủ kiểu

Theo đại diện của Thế Giới Di Động, nhằm kích cầu thị trường, hệ thống này đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tối ưu hóa chi phí cho khác hàng mua smartphone. Bên cạnh các chương trình giảm giá từ 30-50% thì chuỗi cũng phối hợp với các đơn vị tài chính nhằm đưa ra các gói trả góp với lãi suất hấp dẫn.

Thay vì tập trung ưu đãi vào các dòng smartphone cao cấp với mức giá cao, Thế Giới Di Động sẽ hướng đến các dòng điện thoại tầm trung trong khoảng giá 5 đến 10 triệu đồng. Đây là phân khúc rất được ưa chuộng và phù hợp với nhu cầu sử dụng của đa phần người dùng, đại diễn chuỗi chia sẻ.

Cũng là một chuỗi lớn nhưng Di Động Việt lại chọn cách làm gần như ngược lại. Theo đó, hệ thống này sẽ tập trung các chính sách ưu đãi dành cho dòng smartphone tầm trung và cao cấp. Trong đó các dòng Galaxy S và iPhone sẽ được ưu tiên, bởi đây là những sản phẩm mang lại doanh thu lớn nhất cho chuỗi smartphone này.

Với tình hình kinh tế đang suy giảm như hiện nay đã khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu cho các sản phẩm điện tử, trong đó có smartphone. Do đó, hệ thống Di Động Việt sẽ tập trung khuyến mại, giảm giá cho các dòng smartphone trên 10 triệu đồng, bởi nhóm khách hàng có nhu cầu mua điện thoại loại này sẽ ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng kinh tế, đại diện chuỗi chia sẻ.

Còn về phía CellphoneS, bên cạnh tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá, hệ thống cũng có những thay đổi cho chính hoạt động nội bộ. Tiêu biểu là ngừng mở rộng cửa hàng trên toàn quốc cũng như cắt giảm các chi tiêu có thể. Điều này đã được CellphoneS thực hiện trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.

Không tuyển mới nhân sự, cắt giảm nhân sự và giờ làm tại các điểm bản có doanh thu thấp, trao đổi với các hãng smartphone nhằm có giải pháp hỗ trợ,… là những phương cách đang được CellphoneS thực hiện nhằm đối phó với sự ảm đạm chung của thị trường ở thời điểm này, ông Nguyễn Lạc Huy nói.

Như vậy có thể thấy, nhu cầu về tiêu thu smartphone sụt giảm là điều tất yếu do chịu tác động của bối cảnh kinh tế toàn cầu. Do đó, mỗi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cần tìm cho mình những phương thức đúng đắn để duy trì doanh thu và chờ đợi đến khi thị trường khởi sắc hơn.