Ấn Độ: 17.000 nông dân tự tử trong năm 2009

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 18-1, Chính phủ Ấn Độ đã công bố thông tin gây sốc: Hơn 17.000 nông dân ở nước này tự sát trong năm 2009.

KTĐT - Ngày 18-1, Chính phủ Ấn Độ đã công bố thông tin gây sốc: Hơn 17.000 nông dân ở nước này tự sát trong năm 2009.

Nguyên do của thảm cảnh này là tình trạng nợ nần ngày càng tăng của những người nông dân nghèo khổ... Nghiên cứu mang tên "Các vụ tự sát và tử vong vì tai nạn" của Cục Thống kê tội phạm quốc gia Ấn Độ (NCRB) cho thấy, sự gia tăng các vụ tự sát rõ rệt nhất ở các bang Maharashtra, Karnataka và Andhra Pradesh.

"Thành tích" không mong muốn

Từ năm 1997 đến hết năm 2009, ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới này đã có hơn 216.000 nông dân tự tử vì tuyệt vọng với cuộc sống. Một quan chức thuộc NCRB tiết lộ rằng, con số nông dân tự sát trong năm 2010 có thể còn cao hơn cả năm 2009, song số liệu chính thức vẫn đang được giữ bí mật để hàng trăm triệu nông dân khác ở nước này không hoang mang, lo sợ.

Trong bài phóng sự điều tra được công bố mới đây về tình trạng nghèo đói ở vùng nông thôn Ấn Độ, với sự giúp đỡ của phóng viên bản xứ Palagummi Sainath, tờ Độc lập (Anh) cho biết, gần như toàn bộ các hộ nông dân có người nhà tự sát đều đang lâm cảnh nợ nần vì vụ mùa thất bát hoặc đứng trước nguy cơ mất đất. Nhiều nông dân, đặc biệt tại các bang ở miền tây và miền nam, đã bị đẩy vào cảnh nợ nần trầm trọng hơn trong năm 2009 sau những đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 37 năm qua.

Mặc dù nền kinh tế đất nước đang phát triển nhưng 2/3 số dân Ấn Độ vẫn sống và làm việc tại các vùng nông thôn. Thật đau lòng là có tới 150.000 nông dân đã tự sát trong 10 năm qua. Mặc dù số nông dân tự sát ở Maharashtra giảm xuống còn 930 người trong năm 2009, nhưng bang này vẫn lập "thành tích" là nơi có nhiều nông dân tìm tới cái chết nhất nước.

Theo Viện Khoa học Xã hội Tata tính từ năm 2004 đến nay trung bình mỗi ngày lại có 47 nông dân tự vẫn, nghĩa là cứ 30 phút lại có một người tìm đến cái chết. Cứ sau mỗi năm, tỉ lệ tự sát của nông dân Ấn Độ lại tăng thêm trung bình 7%. Điều này cho thấy nông dân đang phải chịu áp lực cao hơn nhiều ngành nghề khác.

Nợ cả tiền mua thuốc trừ sâu tự tử

Đi tìm lời giải cho hiện tượng tự sát của nhiều người nông dân, tờ Thời báo Ấn Độ đã xuống tận những bản làng nghèo khổ nhất để tận mắt chứng kiến cuộc sống cơ cực của nhà nông trong mùa hạn hán.

Đầu năm 2009, gia đình nông dân Kailash Jhade muốn con trai mình cưới vợ trước mùa trồng bông bắt đầu vào tháng 6, vì thời điểm này được xem là khoảng thời gian bội thu trong năm. Nhưng mong muốn đó của gia đình đã biến thành nỗi đau khổ khi họ phát hiện ra thi thể đứa con trai cả mới 26 tuổi trong một cái giếng ở làng.

Trong bài điều tra công bố sau đó, Thời báo Ấn Độ cho biết, nguyên nhân khiến chàng trai đó phải tìm đến cái chết chính vì gia đình anh đang nợ nần ngập đầu. Đắng cay là cả liều thuốc sâu mà anh dùng để kết liễu đời mình, với hy vọng gia đình mình sẽ nhận được một khoản bồi thường đủ để trả nợ, cũng được mua chịu.

Các chủ nợ cho vay nặng lãi và ngân hàng thường xuyên thúc ép đòi nợ khi tới kỳ, khiến người nông dân càng quẫn bách. Nhiều khi khoản nợ không quá lớn, chỉ khoảng vài ba nghìn USD, song những chiếc giấy báo của ngân hàng kèm theo lời dọa sẽ tịch thu đất đai để thế chấp, khiến nhiều người phải chọn lối thoát đắng cay là tự vẫn.

Bán vợ để trả nợ

Chỉ mới 3 năm trước, anh nông dân Siddharth Saxena, 38 tuổi, ở làng Hampi thuộc miền bắc bang Karnataka, tự hào là một trong số ít người trong làng sau khi lấy vợ mà vẫn giữ được số của cải gồm nhiều mảnh ruộng, vườn. Thế nhưng cái nghèo ập xuống gia đình anh chỉ sau vài đợt hạn hán.

Những mảnh ruộng trồng hoa màu, chủ yếu là cây chàm và bông, đã chết dần chết mòn dưới cái nắng gay gắt. Những nông dân như Saxena thường vay tiền từ mua hạt giống, đến mùa thu hoạch đem tiền có được để trả nợ. Tới kỳ trả nợ cũng trùng với thời điểm thu hoạch, nhưng hạn hán gây mất mùa, trong khi người cho vay thúc rất dữ, nên người nông dân này không có tiền và chỉ còn cách đem bán… vợ để trả nợ.

Để duy trì kế sinh nhai, hàng nghìn nông dân khu vực Bender Kender, bang Uttar Pradesh phía bắc Ấn Độ buộc phải bán vợ để có tiền trả nợ. Tùy người vợ đó có nhan sắc đến đâu sẽ có giá tới đó, càng đẹp thì giá càng cao. Ở Ấn Độ, "giao dịch bán vợ" thường xuyên xảy ra. Người mua và người bán phải ký "hợp đồng hôn nhân", chỉ cần chữ ký được chấp thuận, một tay giao tiền, một tay giao người, thì giao dịch thành công.

Việc mua bán vợ đã khiến Ủy ban Phụ nữ Toàn quốc Ấn Độ phải vào cuộc. Họ đã thành lập Tiểu ban điều tra, xem xét vấn đề này. Chủ tịch Ủy ban, bà Jilija Wayasi cho biết, do tư tưởng "trọng nam khinh nữ", phụ nữ Ấn Độ từ khi sinh ra đã bị cho là "hàng lỗ vốn". Mỗi người đàn ông Ấn Độ không chỉ có thể lấy 3-4 vợ, mà còn có thể ly hôn họ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên đối với những người nông dân phải bán vợ thì hầu hết trong số này đều đã rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng.

Khó sống bằng nghề nông

Bên cạnh sự mất mùa do thiên tai, hạn hán hay lũ lụt, thì sự sụt giảm suốt một thời gian dài của thị trường tiêu thụ nông sản là một nguyên nhân quan trọng khiến cuộc sống của người nông dân Ấn Độ ngày càng cơ cực. Ví dụ như giá bông ở Ấn Độ hiện chỉ bằng 1/10 giá bông cách nay 30 năm, dẫn đến tình trạng một nửa số vụ tự sát đã xảy ra ở 4 bang nằm dọc vành đai trồng bông của Ấn Độ.

Các chủ nợ cho vay nặng lãi và ngân hàng thường xuyên thúc ép đòi nợ khi tới kỳ, khiến người nông dân càng quẫn bách. Nhiều khi khoản nợ không quá lớn, chỉ khoảng vài ba nghìn USD, song những chiếc giấy báo của ngân hàng kèm theo lời dọa sẽ tịch thu đất đai để thế chấp, khiến nhiều người phải chọn lối thoát đắng cay là tự vẫn.