Ấn Độ - Bangladesh ký kết 22 văn bản hợp tác

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyến thăm lịch sử tới Bangladesh của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kết thúc đêm qua (7/6) với những thỏa thuận được cho là sẽ làm thay đổi hoàn toàn cục diện của khu vực.

Bangladesh có chung biên giới với 5 bang quan trọng của Ấn Độ nhưng mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng này không phải lúc nào cũng “cơm lành canh ngọt”. Tuy nhiên, mọi chuyện dần thay đổi khi Bangladesh trở thành đích đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Anh, Nhật Bản và Pakistan. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Ấn Độ vào Bangladesh trong năm 2014 đạt 68 triệu USD, tăng so với 45 triệu USD năm 2013.

Hai nước dự kiến tăng kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD vào năm 2018 bằng cách tháo gỡ các rào cản phi thuế quan trong lĩnh vực hạ tầng và tăng cường kết nối giao thông bằng xe buýt, tăng hợp tác năng lượng... Vì thế, trong khuôn khổ chuyến thăm đầu tiên tới Bangladesh kể từ khi đảm nhiệm cương vị Thủ tướng cách đây hơn 1 năm, cuộc hội đàm giữa ông Modi với người đồng cấp chủ nhà Sheikh Hasina, nội dung chính tập trung vào các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ song phương.

Với 22 hiệp định, thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, giáo dục, biến đổi khí hậu, công nghệ thông tin được ký kết, trong đó có nghị định thư và trao đổi các công cụ phê chuẩn nhằm thực thi Hiệp định phân định biên giới trên bộ cho thấy, quan hệ song phương đã được “hâm nóng” sau nhiều giai đoạn bất ổn kể từ sau cuộc chiến năm 1971 giúp Bangladesh tách khỏi Pakistan. Với thỏa thuận này, hàng chục ngàn người dân sinh sống hai bên biên giới được lựa chọn quốc tịch sau nhiều thập kỷ chịu cảnh không có tư cách công dân.
Thủ tướng Ấn Độ trong chuyến thăm lịch sử tới Bangladesh
Thủ tướng Ấn Độ trong chuyến thăm lịch sử tới Bangladesh
Tuy nhiên, chuyến thăm của Thủ tướng Modi đã không thể giải quyết được “điểm nghẽn” trong mối quan hệ giữa hai quốc gia, điển hình như vấn đề liên quan đến san sẻ nguồn nước sông Teesta. Các cuộc biểu tình của người dân Bangladesh đã bùng phát tại Dhaka nhằm phản đối việc lãnh đạo Ấn Độ không đưa nội dung về nguồn nước sông Teesta và “bỏ lại một Bangladesh đang có nguy cơ chết khát”. Ít nhất 4 người đã bị cảnh sát địa phương bắt giữ trong các cuộc biểu tình này. 
Trước đó, hồi tháng 9/2011, Thủ tướng Ấn Độ khi đó là ông Manmohan Singh cũng khiến người dân Bangladesh thất vọng khi gạt bỏ nội dung ký kết thỏa thuận Teesta khỏi chương trình làm việc chính thức với Thủ tướng Sheikh Hasina.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần