KTĐT - Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ song phương.
Ngày 25/1, tại New Delhi, hai lãnh đạo đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên thành “đối tác chiến lược” và mở rộng thương mại. Quan hệ giữa hai nước đã được nâng lên tầm cao mới khi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) Hàn-Ấn có hiệu lực kể từ đầu năm nay. Ấn Độ nay đã trở thành đối tác chiến lược thứ 13 của Hàn Quốc và Hàn Quốc là đối tác chiến lược thứ 9 của Ấn Độ.
Ngày 26/1, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã là khách danh dự trong một buổi diễu hành tổ chức ở New Delhi để đánh dấu ngày Quốc khánh lần thứ 61 của Ấn Độ. Đây là một vinh dự mà Ấn Độ thường dành cho các đồng minh thân thiết.
Quyết định nâng cấp các quan hệ đã được loan báo sau các cuộc đàm phán ngày 25/1, giữa nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Thủ tướng Manmohan Singh của Ấn Độ. Cả hai nước đang thăm dò việc hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Tổng thống Hàn Quốc đã đề nghị giúp Ấn Độ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân và sẽ bắt đầu các cuộc thương luợng về một thỏa thuận hạt nhân dân sự. Hàn Quốc hiện đã tìm thấy ở Ấn Độ một nền tảng mới cho tăng trưởng kinh tế trong thị trường lớn thứ 2 thế giới này. Ngoài ra, mối quan hệ đối tác với Ấn Độ là bước hoàn chỉnh kế hoạch ngoại giao về mạng lưới châu Á mới của Tổng thống Lee Myung-bak. Chiến lược ngoại giao dài hạn của Hàn Quốc đối với toàn bộ khu vực châu Á sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ và cả Hàn Quốc cùng Ấn Độ có thể tận dụng lợi thế của mối quan hệ mật thiết này cho thịnh vượng chung.
Tổng thống Lee Myung-bak và Thủ tướng Singh đã ra tuyên bố 31 điểm sau cuộc gặp thượng đỉnh ngày 25/1. Ý nghĩa của tuyên bố là mối quan hệ Hàn-Ấn được nâng cấp lên thành đối tác chiến lược. Tuyên bố cũng chứa đựng nhiều kế hoạch để hai nước cùng hợp tác trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và các vấn đề toàn cầu khác.
Mối quan hê đối tác chiến lược này là một tầm cao hơn của “đối tác hợp tác kinh tế lâu dài cho hòa bình và thịnh vượng” được thiết lập tháng 10/2004. Nếu đối tác hợp tác chỉ giới hạn trong các lợi ích kinh tế, thì đối tác chiến lược thể hiện hai nước cam kết làm việc cùng nhau trong nhiều vấn đề toàn cầu bao gồm an ninh quốc gia và khu vực. Hiện nay quan hệ Hàn-Ấn đã tiến gần đến mức quan hệ ngoại giao cao nhất là quan hệ đồng minh.
Tuyên bố chung Hàn-Ấn cũng rất có ý nghĩa ở chỗ Tổng thống Lee Myung-bak đã hoàn tất kế hoạch ngoại giao châu Á mới của mình với chuyến thăm Ấn Độ lần này. Đầu tiên là khi ông thăm Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), rồi đến các nước Trung Á vào năm ngoái, ý tưởng về kế hoạch ngoại giao châu Á mới của Tổng thống nhấn mạnh sự tăng cường hợp tác giữa các nước châu Á, những nước phát triển nhanh và năng động nhất trên thế giới. Qua đó, Hàn Quốc sẽ vươn lên vị thế cao hơn và có tầm ảnh hưởng lớn hơn trong cộng đồng quốc tế.
Ấn Độ có dân số lớn thứ 2 thế giới với 1,2 tỷ người. Đây cũng là đất nước giàu di sản văn hóa, là một trong những nơi sản sinh ra văn minh nhân loại và là một nền kinh tế đang nổi tăng trưởng cao, bất chấp suy thoái toàn cầu. Đó chính là những lý do khiến Hàn Quốc đặt trọng tâm vào mối quan hệ với Ấn Độ. Hàn Quốc có thể xây dựng các động lực tăng trưởng mới tại Ấn Độ bằng việc tận dụng nhiều cơ hội kinh doanh mới trong thị trường này, một thị trường có sức mua lớn thứ 4 trên thế giới. Ấn Độ cũng tiến triển rất nhanh về công nghệ thông tin và truyền thông, hàng không vũ trụ và các lĩnh vực khoa học, công nghệ khác. Điều này cho thấy sự hợp tác giữa Hàn Quốc và Ấn Độ là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi.
Hàn Quốc là nước chủ chốt ủng hộ việc bãi bỏ một lệnh cấm vận đã áp dụng trong 3 thập niên đối với việc mua bán hạt nhân dân sự với Ấn Độ. Cả hai nước đã định mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch mậu dịch trước năm 2014 lên tới 30 tỷ USD. Nhiều công ty Hàn Quốc đã sẵn có sự hiện diện đáng kể ở Ấn Độ và đang tăng cường đầu tư để hưởng lợi từ thị trường to lớn của Ấn Độ.
Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Anand Sharma nói rằng quan hệ kinh tế đang tăng trưởng giữa hai nước sẽ góp phần vào công cuộc hòa nhập của châu Á. A. Sharma nói: “Chúng tôi coi đây là một yêu cầu quan trọng. Mặc dầu các cộng đồng kinh tế đã thành hình, nhưng khác với châu Mỹ và châu Âu, châu Á vẫn còn phải bắt kịp về mặt hòa nhập kinh tế”.
Nhiều nền kinh tế châu Á, như Ấn Độ và Hàn Quốc ít bị tác động của tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu. Vào lúc các thị trường truyền thông của châu Á ở phương Tây có thể phải chờ lâu hơn mới hồi phục sau cuộc suy thoái, các nước này đang trông đợi mở rộng mậu dịch với khu vực để giữ vững đà sinh động của nền kinh tế. Ấn Độ và Hàn Quốc là các nền kinh tế lớn hàng thứ ba và thứ tư ở châu Á, sau Trung Quốc, Nhật Bản./.