Các “trùm ngân hàng” tụ họp tại Sintra, bàn về tương lai tiền tệ toàn cầu
Kinhtedothi - Trong bối cảnh thương mại và lạm phát thế giới còn nhiều bất ổn, Hội nghị Sintra 2025 hé lộ cách các ngân hàng T.Ư điều chỉnh để giữ vững ổn định kinh tế toàn cầu.
Những câu hỏi “triệu USD”
Hội nghị Sintra 2025 diễn ra trong một thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có. Căng thẳng thương mại leo thang, đặc biệt là các chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm rung chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điều này được phản ánh rõ trong bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) Christine Lagarde. Bà nhấn mạnh thế giới đang bước vào một giai đoạn “bất định hơn bao giờ hết”, và chỉ rõ các cú sốc nguồn cung, như đại dịch Covid-19 hay cuộc xung đột Nga - Ukraine, khiến lạm phát trở nên khó dự đoán hơn.
Trước những diễn biến trên, bà Lagarde kêu gọi các ngân hàng T.Ư áp dụng phân tích kịch bản (scenario analysis) để dự báo tốt hơn những tình huống cực đoan, tránh việc truyền tải “sự chắc chắn giả tạo” đến công chúng. Ví dụ, vào năm 2022, kịch bản về chiến sự ở Ukraine của ECB đã dự đoán lạm phát vượt 7%, gần với con số thực tế 8%, trong khi dự báo cơ bản chỉ đạt 5,5%.
Trong bối cảnh này, một câu hỏi lớn được đặt là ra liệu hệ thống tài chính toàn cầu, vốn xoay quanh đồng USD suốt 80 năm qua, có đang đứng trước nguy cơ rạn nứt? Các chính sách bảo hộ của Tổng thống Trump, bao gồm đe dọa áp thuế cao lên Trung Quốc và Canada, đã làm suy yếu niềm tin vào đồng USD. Đồng euro, với sự ổn định ngày càng tăng, đang được xem là một lựa chọn thay thế.
Đồng euro lên ngôi có phải điềm lành?
Một trong những chủ đề nổi bật tại Sintra 2025 là sự bứt phá của đồng euro, với mức tăng 14% so với USD trong năm nay, đưa tỷ giá EUR/USD lên mức 1,1774 vào ngày 1/7. Sự suy yếu của USD, một phần do các chính sách thuế quan của Tổng thống Trump, đã mang lại lợi ích kép cho khu vực đồng euro: vừa giúp kiềm chế lạm phát, vừa nâng cao vai trò của đơn vị tiền tệ này trên trường quốc tế.
ECB thông báo lạm phát khu vực đồng euro đã đạt mục tiêu 2%, một thành tựu đáng kể sau nhiều năm biến động. Tuy nhiên, các quan chức ngân hàng, như Phó Chủ tịch Luis de Guindos, bày tỏ lo ngại nếu đồng euro vượt mốc 1,20 USD, lạm phát có thể giảm quá mức, làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của các ngành xuất khẩu ở châu Âu.
Các phó thống đốc Ngân hàng T.Ư như Martins Kazaks của Latvia và Gediminas Simkus của Litva đều nhấn mạnh tốc độ tăng giá của đồng euro là yếu tố cần theo dõi sát sao. Carsten Brzeski, chuyên gia kinh tế trưởng của ING, cảnh báo nếu đồng euro tiếp tục mạnh lên, ECB có thể phải cắt giảm lãi suất thêm để hỗ trợ xuất khẩu và ngăn chặn áp lực giảm phát.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde (thứ 3 từ phải sang) và lãnh đạo các ngân hàng trung ương thế giới tại hội nghị Sintra 2025. Ảnh: ECB
Trong khi đó, Chủ tịch Christine Lagarde lại muốn tận dụng cơ hội này để thúc đẩy vai trò toàn cầu của đồng euro. Bà nhấn mạnh Liên minh châu Âu (EU) cần tăng cường hội nhập tài chính, kinh tế và quân sự để đưa euro lên vị trí cạnh tranh với USD. Dù vậy, người đứng đầu ECB cũng thừa nhận EU, với cấu trúc liên minh lỏng lẻo, vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đạt được mục tiêu này.
Stablecoin và nguy cơ “tư nhân hóa tiền tệ”
Một điểm nhấn khác tại hội nghị Sintra 2025 là cuộc tranh luận về stablecoin - các đồng tiền số được neo giá với các đồng tiền pháp định như USD hay euro. Chủ tịch Lagarde bày tỏ lo ngại rằng sự gia tăng của stablecoin, do các công ty tư nhân như Circle hay Tether phát hành, có thể dẫn đến “tư nhân hóa tiền tệ”, làm suy yếu vai trò của các ngân hàng T.Ư trong việc kiểm soát chính sách tiền tệ.
Bà Lagarde cũng nhấn mạnh tiền tệ là “tài sản công”, và các ngân hàng T.Ư có trách nhiệm bảo vệ giá trị của nó. Nếu
stablecoin được sử dụng rộng rãi, lượng tiền trong hệ thống ngân hàng truyền thống sẽ giảm, làm hạn chế hiệu quả của các công cụ chính sách tiền tệ.
Thống đốc Ngân hàng Anh Andrew Bailey đồng tình với quan điểm này, khi cho rằng stablecoin, với chức năng như một phương tiện trao đổi, cần được quy định chặt chẽ hơn so với các tài sản số khác như Bitcoin. Ông Bailey nhấn mạnh, các đồng tiền này phải bảo đảm giữ được giá trị danh nghĩa ổn định, một yêu cầu cốt lõi của tiền tệ. Hiện tại, các ngân hàng T.Ư trên toàn cầu đang phối hợp với cơ quan lập pháp để xây dựng khung pháp lý cho stablecoin, nhằm giảm thiểu rủi ro đối với hệ thống tài chính.
Nỗi lo lạm phát, thuế quan
Cũng tại hội nghị Sintra 2025, các thống đốc ngân hàng đều đưa ra những góc nhìn riêng. Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Kazuo Ueda cho biết lạm phát cơ bản của nước này vẫn dưới mục tiêu 2%, và bất kỳ quyết định tăng lãi suất nào sẽ phụ thuộc vào động thái của lạm phát, tăng trưởng tiền lương và kỳ vọng của DN.
Thống đốc Ngân hàng Hàn Quốc Rhee Chang Yong thì nhận định thuế quan của Mỹ có thể gây áp lực giảm phát, trong khi Thống đốc Ngân hàng Anh Bailey cảnh báo về các tác động thứ cấp của lạm phát và dấu hiệu suy yếu trong thị trường lao động.
Chủ tịch Fed Jerome Powell, người chịu áp lực lớn từ Tổng thống Trump về việc cắt giảm lãi suất, tái khẳng định lập trường phụ thuộc vào dữ liệu của cơ quan này. Ông cho biết nền kinh tế Mỹ đang ở trạng thái tốt, nhưng lạm phát có thể tăng trong mùa Hè do tác động của thuế quan.
Chủ tịch Powell cũng không loại trừ khả năng cắt giảm lãi suất trong tháng 7, song nhấn mạnh mọi quyết định sẽ dựa trên dữ liệu lạm phát và thị trường lao động. Ông cũng bày tỏ lo ngại về nợ công Mỹ, gọi đó là một vấn đề “không bền vững” cần được giải quyết.
Tầm nhìn cho tương lai
Hội nghị Sintra 2025 không chỉ là nơi lãnh đạo các ngân hàng T.Ư khẳng định lập trường mà còn là cơ hội để họ thích nghi với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
ECB, dưới sự dẫn dắt của bà Christine Lagarde, đã công bố đánh giá chiến lược mới, nhấn mạnh vào việc sử dụng phân tích kịch bản và điều chỉnh phản ứng chính sách để đối phó với các cú sốc kinh tế. Những bài học từ đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine cho thấy tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho các kịch bản cực đoan, từ đó giảm thiểu rủi ro và tăng cường niềm tin của công chúng.
Dù không mang lại những thay đổi chính sách đột phá, Sintra 2025 đã gửi đi một thông điệp rõ ràng: các ngân hàng T.Ư đang ở trạng thái cảnh giác cao độ, sẵn sàng điều chỉnh để bảo vệ sự ổn định kinh tế.
Trong bối cảnh đồng USD đối mặt với nhiều thách thức và đồng euro đang tìm kiếm cơ hội vươn lên, những gì diễn ra tại Sintra không chỉ định hình chính sách tiền tệ trong ngắn hạn mà còn đặt nền móng cho cách các nền kinh tế lớn ứng phó với những bất ổn trong tương lai.
Trích dẫn
Hội nghị Sintra 2025, diễn ra từ ngày 30/6 đến 2/7 tại thị trấn Sintra (Bồ Đào Nha), đã trở thành tâm điểm chú ý của giới tài chính toàn cầu trong tuần qua. Được tổ chức bởi ECB, hội nghị năm nay, với sự tham gia của những người đang cầm trịch “túi tiền” của thế giới như Chủ tịch ECB Christine Lagarde, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, cùng các thống đốc ngân hàng T.Ư từ Nhật Bản, Anh và Hàn Quốc… đã phản ánh những mối lo ngại cấp bách về lạm phát, thương mại và vai trò của đồng USD.

USD suy yếu có làm rung lắc kinh tế thế giới?
Kinhtedothi - Việc đồng USD liên tục trượt giá trong thời gian gần đây đang tạo ra những hiệu ứng trái chiều trên thị trường tài chính quốc tế. Trong khi một số nền kinh tế hưởng lợi, nhiều ngân hàng trung ương lại phải đối mặt với những bài toán khó trong điều hành tỷ giá và lãi suất.

Thuế quan của Mỹ tác động thế nào đến kinh tế thế giới?
Kinhtedothi - Các chuyên gia cảnh báo việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng thuế quan như một "vũ khí" để đạt được nhượng bộ về mọi thứ, từ thương mại đến nhập cư và buôn bán ma túy, có thể kích hoạt các biện pháp trả đũa từ các đối tác thương mại của Washington.

Chủ tịch sáng lập diễn đàn kinh tế thế giới sẽ Talkshow với giới trẻ
Kinhtedothi - Chương trình Talkshow truyền cảm hứng giữa giới trẻ với Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh lần 5 năm 2024 (HEF 2024) sẽ được tổ chức tại Thisky Hall, số 10 Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức) vào sáng 6/10.