Chính quyền Thủ tướng Narenda Modi đặt mục tiêu đầy tham vọng là đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế phát triển vào năm 2047, đồng thời giành lấy ngôi vị “công xưởng” châu Á của Trung Quốc.
Cơ sở hạ tầng
Trong vòng 1 thập kỷ qua, Ấn Độ đã tăng trưởng vượt bậc và nâng cao vị thế toàn cầu. Tuy nhiên, quốc gia Nam Á vẫn phải đối mặt nhiều thách thức như thiếu việc làm, giá cả cao, thu nhập thấp.
Mọi con mắt giờ đây đều đổ dồn vào chính quyền Thủ tướng Modi xem liệu họ có thể duy trì đà phát triển kinh tế ấn tượng và tiếp tục cải thiện cuộc sống của hàng triệu người trong nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp hay không.
Chính phủ mới chưa công bố những ưu tiên trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, trong bài viết trên đài CNBC gần đây, các nhà phân tích đã dự đoán 4 lĩnh vực sẽ đóng vai trò quan trọng trong chương trình nghị sự của Thủ tướng Modi.
Ấn Độ đã trải qua quá trình phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn và đạt được những bước tiến đáng kể trong việc kết nối và hiện đại hóa đường cao tốc, đường sắt và sân bay.
Vào năm ngoái, Công ty tư vấn EY dự đoán quy mô kinh tế Ấn Độ có thể đạt 26 nghìn tỷ USD vào năm 2047 và cho rằng việc xây dựng năng lực cơ sở hạ tầng sẽ là yếu tố then chốt để biến điều này thành hiện thực.
Ấn Độ hiện vẫn tụt hậu so với Trung Quốc trong lĩnh vực này. Nước này cần phải làm nhiều hơn nữa nếu muốn duy trì quỹ đạo tăng trưởng cao và nhanh nhất thế giới để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo dự toán ngân sách công bố hồi tháng 2 năm nay, Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman ước tính chi tiêu cho hạ tầng sẽ tăng 11,1% lên 11,11 nghìn tỷ rupee Ấn Độ (khoảng 133,9 tỷ USD) trong năm tài chính 2025, chủ yếu tập trung vào xây dựng đường sắt và sân bay.
Tuy nhiên, cải thiện kết nối liên vùng không phải là lĩnh vực trọng tâm duy nhất trong đầu tư cơ sở hạ tầng, theo chuyên gia kinh tế Ấn Độ Santanu Sengupta tại Ngân hàng Goldman Sachs.
“Bên cạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, Ấn Độ cần kiên định với các cải cách cơ cấu, như mở rộng quỹ đất để tạo thêm không gian cho các nhà máy” - chuyên gia Sengupta nói với CNBC
Thúc đẩy sản xuất
Trong thập kỷ qua, chính quyền Thủ tướng Modi đã tích cực đẩy mạnh năng lực tự chủ của Ấn Độ với mục tiêu vượt Trung Quốc đã trở thành công xưởng của châu Á, đặc biệt là trong sản xuất chip. Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch tăng thị phần sản xuất toàn cầu lên 5% vào năm 2030 và 10% vào năm 2047, theo hãng tin Reuters.
Các “ông lớn” công nghệ Mỹ đang tăng cường chuyển một phần chuỗi cung ứng của họ sang Ấn Độ. Hồi tháng 12 năm ngoái, tờ Financial Times đưa tin Apple đã nói với các nhà cung ứng linh kiện rằng tập đoàn này sẽ dùng pin từ các nhà máy ở Ấn Độ cho mẫu iPhone 16 sắp ra mắt. Google cũng được cho là sẽ bắt đầu sản xuất điện thoại Pixel ở Ấn Độ trong quý II này.
Foxconn - nhà cung ứng của Apple, cũng tuyên bố sẽ tăng cường đầu tư vào Ấn Độ. Trong khi đó, hãng Micron Technology dự kiến sẽ ra mắt chip bán dẫn đầu tiên sản xuất tại Ấn Độ vào đầu năm 2025.
Các dự báo từ Counterpoint Research và Hiệp hội Điện tử và Bán dẫn Ấn Độ cho thấy ngành công nghiệp bán dẫn của nước này sẽ đạt doanh thu khủng 64 tỷ USD vào năm 2026, tăng gấp 3 lần so với mức 23 tỷ USD vào năm 2019.
Theo ông Samir Kapadia, Giám đốc điều hành của India Index và Vogel Group, ngành công nghiệp bán dẫn có thể sẽ là lĩnh vực bội thu nhất cho Ấn Độ trong vòng 5 - 10 năm tới.
Giải quyết thất nghiệp
Nhà phân tích cấp cao Sumedha Gupta của The Economist Intelligence Unit cho biết, thất nghiệp hiện là một trong những thách thức lớn nhất mà quốc gia đông dân nhất thế giới đang phải đối mặt.
“Có chênh lệch lớn giữa kỹ năng của người lao động trong nước và yêu cầu từ người sử dụng lao động. Tình trạng này chắc chắn vẫn tồn tại trong thập kỷ này, có thể là đến những năm 2030” - bà Gupta nhận định với đài CNBC.
Theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ, tỷ lệ thất nghiệp ở Ấn Độ đã tăng lên 8,1% trong tháng 4 từ mức 7,4% trong tháng 3.
Theo kết quả cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Phát triển thực hiện vào tháng 4 trước cuộc bầu cử Hạ viện Ấn Độ, khoảng 27% trong số 10.000 người tham gia cuộc khảo sát cho biết thất nghiệp là nỗi lo lớn nhất của họ. Hơn một nửa (62%) số người được khảo sát nói rằng việc tìm việc làm đã trở nên khó khăn hơn trong 5 năm qua - nhiệm kỳ thứ hai của Thủ tướng Modi.
Các nhà phân tích nhấn mạnh, chính phủ của Thủ tướng Modi cần phải cải thiện các tiêu chuẩn giáo dục và đào tạo dựa trên kỹ năng để đảm bảo người dân có việc làm phù hợp với tay nghề.
Chuyên gia Vivek Prasad, phụ trách thị trường Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) tại Ấn Độ, nói với CNBC rằng các chính sách giáo dục và đào tạo nghề mới sẽ “thu hút các cá nhân ở mọi cấp độ trong chuỗi giá trị sản xuất”. Ông Prasad cũng cho rằng nỗ lực đẩy mạnh tạo việc làm cho phụ nữ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng của Ấn Độ.
Theo Reuters, nhóm vận động hành lang của Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ mới đây đã đề xuất chính phủ đưa ra cơ chế hỗ trợ liên quan đến tạo việc làm mới cho các công ty tư nhân trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may và du lịch.
Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài
Theo dữ liệu từ Liên đoàn các Sở Giao dịch chứng khoán thế giới, vốn hóa trên thị trường chứng khoán Ấn Độ hiện đạt mức 4,9 nghìn tỷ USD, đứng thứ ba ở châu Á - Thái Bình Dương. Vốn hóa thị trường của Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng lên 40 nghìn tỷ USD trong hai thập kỷ tới.
Theo dữ liệu của LSEG, các chỉ số Nifty 50 và Sensex đều có thành tích vượt trội trong năm nay, lần lượt tăng 8% và 7% từ đầu năm đến nay.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định rằng quốc gia Nam Á này cần tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài để thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Chuyên gia Sengupta của Goldman Sachs cho biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Ấn Độ trong năm 2023 vẫn ở mức khiêm tốn bởi môi trường huy động vốn cổ phần tư nhân còn khó khăn do lãi suất cao của Mỹ. Mặc dù vậy, vị chuyên gia này vẫn đưa ra dự báo lạc quan: “Ấn Độ có thể sẽ thu hút thêm dòng vốn FDI từ Mỹ nếu Fed bắt đầu hạ lãi suất và môi trường đầu tư trở nên dễ dàng hơn”.
Cũng có quan điểm tương tự, chuyên gia Prabhat Ojha, phụ trách bộ phận kinh doanh khách hàng châu Á tại Cambridge Associates, khuyến nghị các nhà đầu tư nên quan tâm hơn đến lĩnh vực ngân hàng của Ấn Độ.