Ấn Độ và Australia trao đổi song phương: Gắn kết để cùng mưu chuyện lớn

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Ấn Độ và Australia lần đầu tiên trao đổi song phương ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao và quốc phòng là bằng chứng về chất lượng mới của mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhưng đồng thời cũng còn khiến nhiều đối tác bên ngoài nhìn nhận động thái này với tâm trạng khác nhau.

Trao đổi trực tuyến ngày 4/6/2020 giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Australia Scott Morrison. (Nguồn: CP Ấn Độ).
Mỹ và Nhật Bản hài lòng vì biết rằng mối quan hệ song phương này càng bền chặt và thiết thực, có ý nghĩa và tầm tác động chiến lược càng to lớn thì họ càng được lợi trên ít nhất hai phương diện cụ thể. Thứ nhất, trụ cột và cấu trúc mà bốn nước đang cùng xây dựng cho khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương càng thêm bền vững. Bốn đối tác này vốn đã tự đặt cho họ biệt danh là Bộ Tứ kim cương và biệt danh này đến nay đã được thế giới bên ngoài coi là một trong những biểu tượng đặc trưng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thứ hai, Mỹ và Nhật Bản đều biết Ấn Độ và Australia tăng cường thống nhất quan điểm và phối hợp hành động về chính trị đối ngoại và quân sự, an ninh, quốc phòng nhằm đáp ứng nhu cầu giống nhau là đối phó Trung Quốc. Ấn Độ cần Australia để vươn tới đại dương xa ở phía Đông, trong khi Australia cần Ấn Độ để đến được châu lục xa ở phía Tây. Australia phải đối phó với việc Trung Quốc nỗ lực gây dựng vùng ảnh hưởng ở xung quanh Australia trong khi Ấn Độ phải dè chừng với kế hoạch Một vành đai, một con đường của Trung Quốc. Gắn kết chặt chẽ với nhau, hợp tác toàn diện và tin cậy với nhau, không liên minh nhưng liên thủ với nhau là cách thức tốt nhất để cả hai thực hiện được những mưu tính chiến lược lớn của riêng họ cũng như trong khuôn khổ hợp tác của Bộ Tứ kim cương.

Những khó khăn và thách thức khác nữa như dịch bệnh hay Taliban trở lại cầm quyền ở Afghanistan, chuyện chính trị an ninh ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á cũng thôi thúc hai nước này đồng hành với nhau nhiều hơn. Cái trục Ấn Độ - Australia có thể đưa lại những tác động mà trục Mỹ - Nhật Bản hiện chưa thể hoặc không thể làm được ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần