Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ấn Độ và Việt Nam: Thời điểm chín muồi cho hợp tác kinh tế khai mở

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Mục tiêu trở thành nền kinh tế 5 nghìn tỷ USD vào năm 2024 của Ấn Độ và mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2025 của Việt Nam sẽ mở ra những chân trời mới cho quan hệ giữa hai nước."

Ngày 28/12, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Giao lưu kinh tế Việt Nam - Ấn Độ: Cơ hội và Thách thức”,  nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ (1972-2022), với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành và các cơ quan nghiên cứu cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ, Phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM).

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Tú Anh
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Tú Anh

Việt Nam - Ấn Độ hội tụ tầm nhìn và lợi ích chiến lược

Phát biểu tại Tọa đàm của PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, hai nước Việt Nam và Ấn Độ luôn có sự hội tụ về tầm nhìn và các lợi ích chiến lược: chia sẻ nhiều giá trị, có chung quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế, cùng thực hiện đường lối đối ngoại chiến lược tự chủ, đều coi nhau là đối tác ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại của mình, đều là thành viên tích cực trong các cơ chế đa phương…

Nhận thấy sự bổ sung rất lớn cho nhau giữa một bên là thị trường nội địa rộng lớn với tầm nhìn tự cường của Ấn Độ và một bên là sức sống và năng lực kinh tế ngày càng cao của Việt Nam, cả hai nước sẽ không ngừng nâng cấp quan hệ đối tác kinh tế song phương thông qua việc tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư dài hạn vào nền kinh tế của nhau, thúc đẩy liên doanh, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu mới.  

Mục tiêu trở thành nền kinh tế 5 nghìn tỷ USD vào năm 2024 của Ấn Độ và mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2025 của Việt Nam sẽ mở ra những chân trời mới cho quan hệ giữa hai nước. Trong đó, hai bên phấn đấu sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 15 tỷ USD trong thời gian sớm nhất. 

Cùng quan điểm đó, Đại sứ Tôn Sinh Thành, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, nhận định, quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Ấn Độ đang ở mức tốt đẹp nhất từ trước tới nay. Mặt khác, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện được thiết lập giữa hai nước từ 2016 đến nay đang đòi hỏi hai bên không chỉ dừng lại ở mối quan hệ chính trị tốt đẹp, quan hệ an ninh quốc phòng đang rất hiệu quả mà còn cần mở rộng mối quan hệ toàn diện trên mọi lĩnh vực, nhất là quan hệ kinh tế giữa hai nước.  "Tiềm năng hợp tác kinh tế là rất lớn và thời điểm hiện nay đã chín muồi cho doanh nghiệp hai nước khai mở". 

Hai nước hiện đã trở thành những nền kinh tế lớn, GDP Việt Nam hơn 400 tỷ USD, thương mại gần 660 tỷ USD trong khi GDP Ấn Độ 3.400 tỷ, thương mại hơn 1.300 tỷ USD, do vậy cả hai nước đều là những thị trường lớn của nhau. "Với tiềm năng to lớn như vậy, tôi tin rằng chỉ cần một cú hích nhẹ là giao lưu kinh tế sẽ có những đột phá. Ví dụ như chúng đa đang chứng kiến, du lịch giữa hai nước bùng nổ ngoạn mục với việc mở đường bay trực tiếp giữa hai nước," Đại sứ nhận định. 

Thách thức tiềm ẩn

Bên cạnh đó, Đại sứ Tôn Sinh Thành cho biết, vẫn còn không ít thách thức đối với giao lưu kinh tế giữa hai nước. Thứ nhất, trình độ phát triển 2 nước, cơ cấu kinh tế giống nhau và cũng đều là những nước cần thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài ra kết nối đường bộ, đường thủy chưa tốt; các rào cản thuế và phi quan thuế còn cao. Các hoạt động xúc tiến  thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai nước còn ít và kém hiệu quả. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc về mặt thủ tục và chính sách trong quá trình triển khai kinh doanh tại hai nước.

Trong khi đó, ông Dương Trung Ý khẳng định, Việt Nam và Ấn Độ vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển hợp tác tương xứng với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, các hoạt động giao lưu kinh tế Việt Nam - Ấn Độ hiện chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác to lớn của hai nước, một phần vì cơ chế hợp tác giữa hai nước chưa phù hợp, cần phải được hoàn thiện.

Theo bà Minni Kumam, Bí thư thứ nhất phụ trách kinh tế và thương mại – ĐSQ Ấn Độ, rào cản phổ biến đối với hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ là thiếu thông tin lẫn nhau về luật, quy định và thủ tục xuất nhập khẩu, các thỏa thuận công nhận liên quan đến tiêu chuẩn, phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, nhu cầu sản phẩm của nhau.

Tiếp tục cởi mở, tạo thêm cơ chế

Ông Indronil Sengupta – Chủ tịch INCHAM Việt Nam. Ảnh: Tú Anh
Ông Indronil Sengupta – Chủ tịch INCHAM Việt Nam. Ảnh: Tú Anh

Trao đổi tại tọa đàm, PGS TS Đỗ Đức Định - chuyên gia nghiên cứu cao cấp cho biết, hai bên có thể đàm phán kĩ hơn, đưa ra một hiệp định thương mại chung – hoặc nhằm giảm giảm cản trở hạn chế, cũng như mở rộng lĩnh vực ngoài thương mại, du lịch…

Trong khi đó, bà Minni Kumam cho rằng, hai nước cần tăng cường trao đổi về nhu cầu thị trường. Về phía Việt Nam, các chính sách tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu ngày càng rõ ràng minh bạch, nhưng cần chứng kiến thêm những cơ chế và mở cửa hơn nữa, đặc biệt trong việc giám sát chất lượng sản phẩm.

Hợp tác về thương mại cần tập trung vào như tiềm năng trong từng lĩnh vực như viễn thông, y học, dược phẩm. Theo bà, 15 tỷ USD kim ngạch hợp tác xuất nhập khẩu vẫn là con số nhỏ so với mức tăng trưởng trung bình của Việt Nam. Về du lịch, những xu hướng đang phát triển ở Việt Nam như du lịch chữa bệnh cũng có thể tận dụng thị trường tiềm năng Ấn Độ - nơi có các dịch vụ y tế, dược phẩm rất phát triển, bà Minni Kumam gợi ý.

Trong khi đó, ông Indronil Sengupta – Chủ tịch INCHAM Việt Nam khẳng định, cả hai nước đều có lĩnh vực kinh doanh phát triển, quan hệ song phương khá thuận lợi. Với nền tảng đó Ấn Độ và Việt Nam cần thảo luận thống nhất những nguyên tắc chung để tăng kim ngạch xuất khẩu có thể tăng từ 15 lên 20-30 tỷ USD, lãnh đạo INCHAM kỳ vọng. 

Ông Sengupta bày tỏ sự mong chờ sáng kiến từ phía chính phủ cũng như các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy đa dạng hóa các sản phẩm sang thị trường của nhau.

Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch INCHAM cho rằng quan hệ hợp tác với Việt Nam là một trong những trọng điểm của Ấn Độ,  hai chính phủ cần thống nhất về chính sách, tạo ra các thể chế hai bên doanh nghiệp áp dụng được để làm việc sâu sắc hơn nữa. 

Gợi ý những lĩnh vực cụ thể, Chủ tịch INCHAM cho rằng, quản lý tài chính, ngân hàng là thế mạnh mà Ấn Độ sẵn sàng chia sẻ, trong bối cảnh các ngân hàng ở Việt Nam đang phát triển năng động

Giao thương về thương mại giữa hai nước cần có cơ chế và hỗ trợ lẫn nhau, tìm ra thế mạnh để bổ trợ. Để làm được điều đó, hai bên cần tiếp tục khảo sát thị trường để tăng cường mở rộng mặt hàng xuất khẩu, đảm bảo chất lượng là vấn đề hàng đầu. Ấn Độ có cơ chế và chính sách rất cụ thể, tích cực để phát triển thị trường.

Việc các doanh nghiệp trong lĩnh vực thế mạnh của Ấn Độ được khuyến khích tham gia cạnh tranh vào Việt Nam sẽ tạo giá trị cao hơn cho thị trường, theo ông Sengupta.  

“Còn nhiều tiềm năng, khoảng trống để chúng ta còn có thể hợp tác với nhau," ông Sengupta nhấn mạnh.