Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ấn Độ-Việt Nam thúc đẩy hợp tác giáo dục

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự kiện là cơ hội để sinh viên Việt Nam hiểu rõ hơn về nền giáo dục Ấn Độ, từ đó thúc đẩy trào lưu du học đến quốc gia Nam Á này.

Sáng ngày 10/4, tọa đàm “Tăng cường giao lưu nhân dân-kết nối giáo dục, đào tạo Việt Nam-Ấn Độ”, do Hội hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ TP Hà Nội phối hợp với Bộ môn Ấn Độ học, Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tổ chức, nhằm thúc đẩy hợp tác về giáo dục giữa hai nước, tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và giao lưu nhân dân Việt Nam-Ấn Độ.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Đại sứ Ấn Độ Subhash Prasad Gupta cho biết mối quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc trong nhiều lĩnh vực, bao gồm giáo dục.

Ấn Độ nổi tiếng với hệ thống tri thức và giáo dục trải dài hàng nghìn năm lịch sử. Trong quá khứ, các nhà sư và học giả Phật Giáo, bao gồm cả những người Việt, đã băng qua hàng ngàn dặm đường để đến Taxila, thánh địa của Phật giáo.

Theo ông Subhash Prasad Gupta, bất chấp những hạn chế về nguồn lực, Ấn Độ đã và đang chia sẻ kinh nghiệm phát triển, chuyên môn và kỹ thuật với các đối tác, trong đó có Việt Nam theo tinh thần “Vasudhaiva Kutumbakam” - thế giới là một gia đình.

Phó Đại sứ Ấn Độ Subhash Prasad Gupta phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Thu Hương
Phó Đại sứ Ấn Độ Subhash Prasad Gupta phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Thu Hương

Đất nước Nam Á này đã cấp hơn 200 học bổng và các khóa đào tạo cho du học sinh viên thông qua các cơ chế hỗ trợ song phương. Bên cạnh đó, Ấn Độ đã và đang xây dựng thêm nhiều cơ sở giáo dục cũng như hỗ trợ các trường học tại Việt Nam, chẳng hạn: thành lập Trung tâm Đào tạo Tiếng Anh Việt Nam-Ấn Độ (VICELT) tại Đà Nẵng vào năm 2007, tặng một chiếc máy tính hiệu năng cao cho Đại học Bách khoa Hà Nội vào năm 2013, hỗ trợ xây dựng một công viên phần mềm quân đội tại Đại học Viễn thông Nha Trang.

Phó Đại sứ giới thiệu về nền giáo dục Ấn Độ. Ảnh: Hoàng Linh
Phó Đại sứ giới thiệu về nền giáo dục Ấn Độ. Ảnh: Hoàng Linh

Các trường đại học giữa hai nước cũng phối hợp tổ chức hoạt động trao đổi sinh viên, tư vấn giáo dục, định hướng nghề nghiệp. Năm ngoái, Ấn Độ đã phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội chợ Giáo dục nhằm khuyến khích trao đổi kiến thức giữa các học viện hàng đầu của Ấn Độ và Việt Nam.

Bên cạnh đó, chính phủ hai bên cũng đang hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác, chẳng hạn: công nghệ, nông nghiệp, an ninh, …. Vào năm 2011, dưới sự hỗ trợ của Ấn Độ, trung tâm Nguồn lực Tiên tiến về công nghệ thông tin tại Hà Nội đã đi vào hoạt động. Phòng thí nghiệm phục hồi dữ liệu điện tử chống tội phạm công nghệ cao Indira Gandhi cũng được thành lập với khoản hỗ trợ 150.000 USD của Ấn Độ.

Các bạn sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tham gia tọa đàm. Ảnh: Hoàng Linh.
Các bạn sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tham gia tọa đàm. Ảnh: Hoàng Linh.

Tại buổi tọa đàm, đại biểu tham dự đã được lắng nghe các bài tham luận về hợp tác giáo dục Việt Nam-Ấn Độ, chính sách giáo dục quốc gia của Ấn Độ, những trải nghiệm học tập tại quốc gia này cũng như cơ hội việc làm của sinh viên bộ môn Ấn Độ học từ đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn – Đại học quốc gia Hà Nội, chuyên gia từ các tổ chức giáo dục Ấn Độ.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa Ấn Độ Swami Vivekananda, bà Monica Sharma đã giới thiệu về chương trình học bổng ICCR của Chính phủ Ấn Độ đến các sinh viên Việt Nam, giải đáp những thắc mắc, đồng thời đưa ra những lưu ý khi du học tại Ấn Độ.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa Ấn Độ Swami Vivekananda, bà Monica Sharma chia sẻ và trao đổi với sinh viên Việt Nam tại tọa đàm. Ảnh: Thu Hương
Giám đốc Trung tâm Văn hóa Ấn Độ Swami Vivekananda, bà Monica Sharma chia sẻ và trao đổi với sinh viên Việt Nam tại tọa đàm. Ảnh: Thu Hương

Ông Subhash Prasad Gupta cho biết, với những tiến bộ hiện tại, Ấn Độ chắc chắn sẽ là điểm đến lý tưởng cho các sinh viên Việt Nam. Hiện tại, quốc gia châu Á này giữ vị trí thứ hai về mạng lưới giáo dục đại học với hơn 1.000 trường đại học và hơn 42.000 trường cao đẳng, cung cấp nền giáo dục chất lượng với mức chi phí phải chăng.

Bà Phan Lan Tú, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ TP Hà Nội cho biết sự kiện là cơ hội để tăng cường tình hữu nghị, thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa Nhân dân hai nước. Bà mong muốn những ý kiến tại tọa đàm sẽ được Đại sứ quán Ấn Độ, các trường Đại học của Việt Nam quan tâm, qua đó góp phần tăng cường hợp tác về giáo dục Việt Nam-Ấn Độ, thúc đẩy giao lưu Nhân dân, cũng như tăng cường tình hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ.