Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ăn gì để tránh bệnh máu nhiễm mỡ?

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam - Hội Tim mạch học Việt Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Máu nhiễm mỡ (mỡ máu cao) thực chất là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu, do tăng nồng độ các chất mỡ trong máu bao gồm cholesterol, triglycerid.

 Ảnh minh họa
Máu nhiễm mỡ có diễn biến âm thầm. Khi thấy biểu hiện nghĩ đến bị mỡ máu cao, nghĩa là đã có biến chứng, khi đó thường có một số dấu hiệu nhận biết sau: Có những cơn đau thắt ngực không thường xuyên, thời gian ngắn, tự mất không cần điều trị nhưng lại có thể tái diễn bất cứ lúc nào. Hoặc có cảm giác khó chịu vùng ngực như bị đè nặng, bóp nghẹt, đầy tức, kéo dài từ vài phút đến vài chục phút. Cơn đau thường xuất hiện khi gắng sức và giảm khi nghỉ, khó thở có thể kèm hoặc không kèm với tức ngực, có thể đau hoặc tức lan ra một hay hai bên cánh tay, hướng ra sau lưng, lên cổ, hàm, thậm chí ở vùng dạ dày. Bên cạnh đó, có dấu hiệu bất thường như vã mồ hôi tự nhiên, buồn nôn, đau đầu, hoa mắt, bứt rứt trong người, thở ngắn hồi hộp, cơ thể phì mập nhưng sức lao động lại giảm sút, thường xuyên mệt mỏi. Một số trường hợp có ban vàng dưới da.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh mỡ máu cần đi xét nghiệm các thành phần lipid để chẩn đoán xác định. Đối với trường hợp được xác định mắc bệnh, ngoài điều trị tuân thủ chỉ định của bác sĩ thì chế độ dinh dưỡng vô cùng quan trọng.

Để khắc phục tình trạng mỡ máu cao, chế độ ăn là ưu tiên số một. Người bệnh cần hạn chế tối đa ăn các loại phủ tạng động vật, thay thế mỡ động vật bằng dầu thực vật, ăn nhiều những loại thực phẩm có chứa hàm lượng cholesterol thấp như rau xanh, các sản phẩm được làm từ đậu, thịt nạc thăn, đặc biệt là nên ăn những loại rau xanh có chứa nhiều chất xơ. Chỉ như vậy mới làm giảm được sự hấp thụ của đường ruột đối với cholesterol.

Ngoài ra, người bệnh cũng không nên ăn tối quá muộn với thức ăn nhiều đạm vì rất khó tiêu hóa và sẽ làm lượng cholesterol đọng trên thành động mạch dẫn đến xơ vữa động mạch. Nên ăn nhạt vì sẽ có lợi cho sức khỏe và bệnh tim. Kiêng thức ăn có nồng độ chất béo cao, nên ăn những thức ăn ít chất béo như cá, đậu phụ, đỗ tương. Nên ăn thực phẩm có nhiều tác dụng giảm mỡ trong máu như gừng, chế phẩm đậu sữa, nấm hương, mộc nhĩ, hành tây, trà, dầu ngô.
Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh máu nhiễm mỡ đang ở con số đáng báo động là 29,1%. Tại các TP lớn, số người có tỷ lệ mỡ máu cao lên tới 44% - 45% như ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Một điều đáng lo ngại hơn là nếu như trước đây, bệnh máu nhiễm mỡ thường có tỷ lệ cao ở những người trên 60 tuổi, thì nay bệnh đang có xu hướng mắc nhiều ở những người trong độ tuổi từ 35 - 44, thậm chí nhiều người từ 20 tuổi đã mắc bệnh.