Nguyên nhân do sự cố từ điện chiếm 64%
Về tình hình cháy, nổ ở Hà Nội thời gian qua, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định – Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết, trong năm 2017 và quý I/2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 1100 vụ cháy nổ (có 820 vụ xảy ra năm 2017 và 280 vụ trong quý I/2018). Trong đó, có 31 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 7 vụ cháy lớn, 187 vụ cháy trung bình, 846 vụ cháy nhỏ, 3 vụ nổ. Ngoài ra, còn có 699 sự cố chập điện…
Trong năm 2017 và quý I năm 2018, tình hình cháy, nổ tuy có giảm nhẹ nhưng vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có dấu hiệu gia tăng. Có khoảng 67,27% các vụ cháy xảy ra tại các địa bàn là các quận nội thành còn lại là các huyện ngoại thành. Chủ yếu ở các doanh nghiệp tư nhân và nhà dân (chiếm 95%).
Số vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng chỉ chiếm từ 2 - 3% nhưng thiệt hại chiếm khoảng 90%, một số vụ cháy gây đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản tại loại hình nhà liền kề (dạng nhà ống chia lô) kết hợp kinh doanh, nhà kho, xưởng sản xuất tạm… Nguyên nhân do sự cố từ điện chiếm tỷ lệ cao (64,1%). Các vụ cháy do hàn cắt kim loại trong quá trình xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà, công trình không nhiều song đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản…
Những giải pháp an toàn cho người dân
Liên quan đến vấn đề sử dụng điện an toàn, ông Nguyễn Đăng Thiện - Phó Ban An toàn Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho hay: Người dân cần dùng dây dẫn điện có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, tiết diện dây phù hợp với công suất sử dụng để tránh bị quá tải gây sự cố đứt hoặc làm chập cháy. Đồng thời, không sử dụng nhiều đồ dùng điện cùng một lúc để tránh quá tải lưới điện và chỉ được sửa chữa điện trong nhà sau khi đã cắt nguồn điện.
Khi sử dụng điện trong sinh hoạt, nếu dòng điện bạn đang sử dụng có công suất quá lớn thì hãy nên chọn những loại dây dẫn có tiết diện đủ để dòng điện cho phép đi qua. Tuyệt đối, không được chọn dây dẫn có dòng điện nhỏ hơn dòng điện phụ tải bởi dễ gây cháy nổ, chập mạch… Bên cạnh đó, hãy chọn dây dẫn có vỏ bọc cách điện chất lượng tốt và đặt bên trong ống cách điện. Nếu sử dụng đường điện đi ngầm thì ít nhất phải có 2 lớp cách điện và phải luồn trong ống nhựa chống cháy. Đặc biệt, đừng để dây dẫn tiếp xúc với các thiết bị phát nhiệt như bàn ủi, bếp điện, bếp gas… để tránh phát hỏa khi tiếp xúc.
Cũng về vấn đề sử dụng điện an toàn, đại diện Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đưa ra khuyến cáo: Từng hộ gia đình, cửa hàng kinh doanh tự kiểm tra an toàn hệ thống điện (đường dây dẫn điện từ hòm công tơ về đến nhà, đường dây điện trong nhà, các thiết bị tiêu thụ điện như: máy điều hòa, lò vi sóng, bình nóng lạnh, quạt, bếp điện, ấm điện, bàn là, nồi cơm điện, ti vi, tủ lạnh, lò sấy,…các thiết bị bảo vệ như aptomat, cầu dao, cầu chì,…); kịp thời thay thế đường dây dẫn điện, thiết bị bảo vệ phích cắm, ổ cắm, các thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo an toàn.
Sắp xếp vật tư, phương tiện, hàng hóa trong nhà, trong cửa hàng phải gọn gàng, không cản trở các lối ra vào; không để quần áo, gỗ, giấy, xốp cách nhiệt sát phía trên, dưới hoặc đè lên đường dây điện, các thiết bị bảo vệ và các thiết bị tiêu thụ điện.
Không được câu móc điện, không sử dụng giấy bạc hoặc dây kim loại thay thế cầu chì bị đứt, aptomat bị hỏng, không cắm nhiều phích cắm trên 1 ổ cắm. Các mối nối phải chắc, gọn, so le, quấn bằng vật liệu cách điện; Trước khi ra khỏi nhà, cửa hàng phải cắt, tắt các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết; Không treo biển quảng cáo, mái che, mái vẩy, xây dựng nhà và công trình lấn chiếm vi phạm hành lang an toàn công trình lưới điện cao áp; Mỗi hộ gia đình, cửa hàng kinh doanh cần trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy, 01 xô chứa nước (20 lít).
Khi xảy ra cháy, nhanh chóng cắt điện (cầu dao, aptomat) khu vực cháy, hô hoán cho mọi người biết, sử dụng bình chữa cháy, xô, chậu, khăn chiên thấm ướt để chữa cháy và thoát nạn, gọi điện thoại cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp theo số 114, chính quyền, công an địa phương nơi gần nhất…