Ẩn họa từ những “quả bom nước”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơn dông lớn xảy ra lúc 15 giờ ngày 4/9 vừa qua làm bồn nước 1.500 lít trên sân thượng căn nhà 4 tầng tại đường số 3 khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh rơi xuống đè chết một bé gái.

Từ tai nạn thương tâm này, nhìn về Hà Nội, do tình trạng thiếu nước sinh hoạt triền miên, khiến người dân phải chọn giải pháp mua bồn chứa để dự phòng. Vô hình chung đã trở thành các “quả bom nước” tiềm ẩn trên nóc nhiều khu tập thể (KTT).

Sống trong nơm nớp

Một buổi sáng cách đây gần 10 năm, tại cầu thang 4 nhà E2 KTT Thanh Xuân Bắc, bồn chứa nước của hộ bà Thơm (phòng 208) bất ngờ đổ ập xuống khiến một phụ nữ tử vong. Ông Đinh Cao Đạo (nhà E3) nhớ lại: “Lúc đó khoảng 9 giờ sáng, đang ngồi uống nước thì tôi nghe một tiếng rầm! Chạy ra tới nơi thấy chiếc bồn nước loại 500 lít từ tầng 2 rơi xuống đè vào quán gội đầu ở tầng 1. Hậu quả khiến một người phụ nữ trong quán tử vong, nguyên nhân được xác định là do hộ bà Thơm thau bồn xong nhưng để nghiêng, khi được bơm đầy thì mất cân bằng, cả bồn nước đầy ập xuống, hậu quả đau lòng đã xảy ra”.
Ẩn họa từ những “quả bom nước” - Ảnh 1
"Rừng bom nước" ở khu E phường Thanh Xuân Bắc.
Nói về chuyện “bom nước”, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng: Với các khu chung cư cũ, việc chất hàng trăm tấn nước lên nóc sẽ gây nguy hiểm đến kết cấu công trình. Với nhà tư nhân thì chuyện lắp đặt bồn nước rất tùy tiện, thậm chí là phi kỹ thuật. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định về quản lý, kiểm tra việc lắp đặt bồn nước…

Theo ông Nguyễn Xuân Tụng - Tổ trưởng tổ 19 phường Thanh Xuân Bắc: Tổ 19 (gồm nhà E1 và E2) có 150 hộ với khoảng 600 nhân khẩu thì 100% số hộ có đặt bồn nước, ngoài ra còn một số bể bê tông gạch được xây từ trước. Nhu cầu về nước, đặc biệt là mùa Hè rất cao, việc cấp nước thì hay trục trặc, vì vậy nếu không dùng bồn để trữ thì khó mà duy trì cuộc sống. Vẫn biết việc đặt quá nhiều bồn nước trên nóc nhà sẽ gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến kết cấu chung của tòa nhà, nhưng cũng khó cấm người dân đặt bồn nước, vì đó là nhu cầu bức thiết.

Để mục sở thị, phóng viên đã trèo lên nóc nhà E2 KTT Thanh Xuân Bắc. Đập vào mắt chúng tôi là đủ các loại bồn. Có bồn thì được gia cố bằng cách hàn "chết" xuống dây thu lôi ở nóc nhà, có bồn chỉ được "kè" tạm bằng… vài cục gạch. Nói không ngoa, nếu bể cạn nước, một cơn lốc tràn qua, những bồn nước kia "sẵn sàng" trở thành những… quả bóng bay khổng lồ! 

Trên nóc các KTT cũ khác như Thành Công, Nam Đồng, Kim Liên, Phương Mai cũng đều xuất hiện chi chít các bồn nước. Cách đặt bồn nước trên nóc các tòa nhà rất tùy tiện, không theo một quy chuẩn nào. Anh Quân – một cán bộ kỹ thuật (đã nghỉ việc) của một hãng bồn nước tiết lộ: Thông thường, chân đế bồn nước phải làm bằng thép không gỉ (loại đặc ruột), khi lắp đặt phải hàn hoặc bắt vít cố định. Nhưng để tiết kiệm chi phí, các nhà sản xuất thường dùng loại chất lượng thường, đôi khi họ dùng thép mạ nên chỉ cần qua vài mùa mưa nắng là gỉ sét. Ngay việc lắp đặt cũng mỗi nơi một phách. Đối với các khu chung cư cũ, chẳng nhà tầng áp mái nào chịu cho khoan nóc để bắt vít chân đế bồn, vì vậy nhân viên lắp đặt bồn lựa được chỗ nào thì đặt chỗ đó. Các chung cư cũ hầu hết có kết cấu mái dốc, nếu không có vít chân đế hoặc kê đặt khi lắp ráp không đảm bảo mặt phẳng cân đối, cộng với các loại chân đế “lởm khởm” thì việc các “quả bom nước”… thi thoảng lại “bay” là điều dễ hiểu.

Tồn tại do nhu cầu

Theo bà Võ Thị Minh Châu - Tổ trưởng tổ 11 (gồm nhà B18 và B19) phường Kim Liên, quận Đống Đa: Rất ít hộ dân ở 2 khu nhà này xây bể trữ vì trước đây cứ 2 ngày bơm nước một lần, đủ dùng cho sinh hoạt. Do nhu cầu dùng ngày một tăng, các hộ đua nhau sắm bồn tích nước. Hiện tại, trên nóc 2 nhà B18, B19 có khoảng trên 40 bồn chứa. Sau 55 năm đưa vào sử dụng, đến nay 2 nhà này đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn có 125 hộ với 500 nhân khẩu sinh sống. Dù tổ dân phố và chính quyền địa phương đã nghiêm cấm việc đặt bồn nước lên nóc nhà nhưng do nhu cầu bức thiết, nhiều hộ vẫn lén lút làm. Đồng quan điểm, ông Phan Văn Phúc - Tổ trưởng tổ 11 phường Thanh Xuân Bắc cho rằng: Nếu loại bỏ bể inox trên nóc nhà, chính quyền phải có phương án khác đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân. Còn theo chia sẻ của ông K. - nguyên tổ trưởng dân phố ở phường Kim Giang, trước đây vì gương mẫu nên dù gia đình có tới 6 người nhưng vẫn không dám mua bồn nước inox. Do nhu cầu sinh hoạt mỗi ngày một cao nên gia đình đã phải chuyển đi nơi khác: "Nếu còn ở Kim Giang, chắc kiểu gì tôi cũng phải mua bồn chứa, nếu không, mùa Hè mà cứ hì hục từ tầng 4 xuống đất xách từng xô nước để dùng cho 6 người thì chắc là không ổn!".

Trao đổi với phóng viên, luật sư Lê Vinh (Chủ nhiệm Văn phòng Luật sư Văn Chương - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Đối với nhà đã bán theo Nghị định 61 (những khu chung cư cũ gần như đã được bán hết) phải thành lập các Ban quản trị để duy trì hoạt động của tòa nhà. Mọi hoạt động, từ sửa chữa, cải tạo… phải thông qua Ban quản trị. Khi chưa có Ban quản trị thì trách nhiệm quản lý thuộc UBND cấp phường. Vì vậy, việc để người dân tự ý lắp đặt bồn chứa nước gây nguy hiểm là trách nhiệm của phường - không thể đùn đẩy cho ai khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần