Nhiều tai nạn thương tâm
Cơ quan chức năng đang xác minh, điều tra nguyên nhân vụ va chạm giao thông khiến một người tử vong, một người bị thương nhẹ. Vị trí xảy ra vụ tai nạn nằm trên QL51 đoạn qua xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai.
Trước đó, ngày 20/5, anh Hà Văn H. 35 tuổi, quê ở Đồng Tháp chạy xe máy kéo tự chế chở tôn dài khoảng 6m lưu thông trên QL51. Khi xe đi đến đoạn thuộc xã Phước Thái, huyện Long Thành thì Hiếu cho xe chạy ngược chiều nên đã va chạm với xe máy do anh L.M.S điều khiển chở theo chị L. cùng ngụ TP Hồ Chí Minh. Thời điểm này xe của anh S. lưu thông theo hướng từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về Đồng Nai.
Cú va chạm mạnh khiến anh S bị tôn cắt vào người bị thương nặng và bị đứt lìa tay, tử vong tại chỗ. Riêng chị L. đi cùng bị thương nhẹ.
Đây không phải lần đầu tiên vụ việc đáng tiếc do những chiếc xe ba gác, xe tự chế kéo theo hàng hoá cồng kềnh gây ra.
Trước đó tại Hà Nội, trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân hướng đi về quận Hà Đông xảy ra vụ tai nạn giao thông liên quan giữa xe tự chế chở nhiều thanh sắt dài với xe buýt mang biển kiểm soát 29B - 193.xx.
Hậu quả, nhiều thanh sắt trên xe tự chế đâm xuyên kính trước phần bên lái xe buýt, nhiều thanh lao thẳng vào vị trí lái xe. Vụ tai nạn làm nhiều hành khách trên xe hoảng sợ… Lái xe buýt hãm phanh kịp thời và chạy khỏi cabin trước khi những thanh sắt lao thẳng vào làm vỡ kính chắn gió.
Hay một sự việc đau lòng khi cháu bé không may va phải xe xích lô chở tôn trên đường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội khiến cháu không qua khỏi.
Trên QL6 đoạn qua cầu Mai Lĩnh huyện Chương Mỹ, Hà Nội, một phụ nữ 66 tuổi, quê ở huyện Yên Thuỷ, Hoà Bình cũng thiệt mạng khi xe chở tôn bất ngờ đứt dây chun, văng vào cổ bà trong lúc đang ngồi chờ xe buýt bên đường.
Đó chỉ là số ít trong hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng mà nguyên nhân chính do xe tự chế, xe lôi vi phạm luật giao thông, lưu thông kiểu bất chấp an toàn, tính mạng của người dân gây nên.
Điểm chung của những chiếc xe này là đều chất hàng cồng kềnh, cao ngất nhưng chỉ chằng buộc bằng vài sợi dây. Cả hai đầu nhọn trước và sau xe cũng không có vật liệu cảnh báo người đi đường.
Thậm chí có những xe chở hàng cồng kềnh còn sẵn sàng đi ngược chiều để tiết kiệm thời gian, quãng đường di chuyển. Đi trên đường, thỉnh thoảng người dân thấy ớn lạnh trước việc chở tôn, sắt thép, gạch... rất cẩu thả.
Trước thực trạng nhiều xe ba, bốn bánh tự sản xuất lắp ráp, không đảm bảo an toàn, được sử dụng để chở hàng hóa cồng kềnh tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn…, Công an thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch về tổng điều tra, tuyên truyền, vận động và kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến người điều khiển, chủ phương tiện, cơ sở sản xuất, kinh doanh xe ba, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp, xe mô tô kéo theo xe khác, vật khác trên địa bàn thành phố.
Thu giữ hàng nghìn phương tiện
Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội), tính đến ngày 15/5/2024, sau 2 tháng triển khai kế hoạch, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý 3.605 trường hợp, phạt thành tiền ước tính 6,3 tỷ đồng, tạm giữ: 1.788 phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông liên quan đến xe ba, bốn bánh tự sản xuất lắp ráp, xe mô tô kéo theo xe khác, vật khác, điều khiển xe chở hàng hóa cồng kềnh.
Để chấm dứt tình trạng xe ba bánh tự chế, tự lắp ráp chở hàng cồng kềnh, vi phạm luật giao thông trên địa bàn thành phố, trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) tiếp tục tăng cường lực lượng làm tốt công tác chức tuyên truyền, vận động, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
“Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả theo kế hoạch, cần sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng chức năng, tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Công an, Phòng Lao động - Thương binh và xã hội các địa phương..., rà soát đối tượng chính sách, tuyên truyền, vận động không sử dụng phương tiện "tự chế", đối với những cơ sở gia công cơ khí, yêu cầu không nhận chế tạo, sản xuất xe ba bánh” – vị đại diện Phòng Cảnh sát giao thông cho biết thêm.
Theo vị đại diện này, để giảm thiểu tối đa phương tiện tự chế di chuyển ngoài đường phố cũng cần phát huy vai trò của các tổ dân phố trong việc tổ chức vận động hộ gia đình có người thân đang sử dụng xe ba bánh, để họ nhận thức rõ hành vi vi phạm khi dùng xe ba bánh tự chế; đồng thời đề nghị không sử dụng loại xe này để chở hàng, tham gia giao thông, gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần có những biện pháp căn cơ, quyết liệt hơn để có thể xử lý triệt để vấn nạn xe ba gác tự chế ngang nhiên hoạt động trên đường phố, đe dọa đến sự an toàn của người dân khi tham gia giao thông.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho rằng, thời gian gần đây, Hà Nội đang làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát xử lý xe ba bánh, xe tự chế di chuyển ngoài đường khi cả hệ thống công an vào cuộc đồng loạt.
“Một bộ phận không nhỏ sử dụng xe ba gác, xe tự chế là người lao động nghèo, không có khả năng chuyển đổi phương tiện vận chuyển sang các loại hình ô tô được phép lưu hành. Nhiều người nhận thức được việc nguy hiểm khi điều khiển những chiếc xe này, tuy nhiên không có sự lựa chọn nào khác. Với ưu điểm tiết kiệm chi phí trong việc mua sắm, bảo dưỡng phương tiện, giảm giá thành vận chuyển hàng, dễ dàng đi lại trong ngõ nhỏ, xe ba gác tự chế vẫn được ưu tiên lựa chọn” – thạc sĩ Đỗ Cao Phan chia sẻ.
Theo vị chuyên gia này, để hạn chế xe 3 gác tự chế lưu thông ngoài đường, lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm cả chủ xe lẫn người điều khiển. Cần có những biện pháp mạnh tay, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây tai nạn hoặc tái phạm nhiều lần. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần có biện pháp xử lý vi phạm từ những xưởng sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa loại hình phương tiện này.
Theo Chỉ thị 46/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 32 năm 2007 của Bộ Công an, Bộ GTVT, các loại xe tự chế bị cấm lưu hành từ 1/1/2008 gồm: Xe công nông, xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và xe thô sơ ba bánh, xe bốn bánh, trừ xe ba bánh dùng làm phương tiện của thương binh, xe tự chế cho người tàn tật, có đăng ký, biển kiểm soát.
Về chế tài xử phạt, khoản 3 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. Ngoài ra, người điều khiển xe tự chế tham gia giao thông vi phạm còn bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Trường hợp người điều khiển xe tự chế gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe, tài sản của người khác có thể bị xử lý hình sự về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 BLHS 2015.