Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

An Khánh ưu tiên phát triển dịch vụ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ khi về đích nông thôn mới cuối năm 2014, diện mạo xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội đã có những đổi thay tích cực.

Tuy nhiên, thu nhập vẫn đang là câu chuyện khiến người dân nơi đây chưa thể yên lòng.

Nguồn sinh kế hạn hẹp

Nhiều năm trước, thôn Vân Lũng (xã An Khánh) được biết đến như “cái nôi” của nghề làm mành tre truyền thống. Đến nay, tại ngôi làng này, nghề làm mành tre vẫn là một trong những nguồn thu nhập đáng kể của người dân. Một trong những gia đình “sống khỏe” nhờ nghề là hộ ông Nguyễn Vũ Quý. Hiện, mỗi ngày xưởng sản xuất của gia đình ông cho xuất xưởng khoảng 1.500m2 mành tre các loại. Chỉ vào ngôi nhà 3 tầng của gia đình, ông Quý khoe, nhờ làm mành tre cả đấy! Ngoài thu nhập khá từ sản xuất mành tre, gia đình ông Quý còn tạo công ăn việc làm theo hình thức giao khoán cho khoảng 200 người dân trên địa bàn.
Nghề đan mành tre mang lại thu nhập cho nhiều hộ dân ở An Khánh
Nghề đan mành tre mang lại thu nhập cho nhiều hộ dân ở An Khánh
Thế nhưng, số hộ khá giả nhờ nghề phụ như hộ ông Quý tại An Khánh không phải là nhiều. Toàn xã An Khánh với 5 thôn, giờ chỉ còn thôn Vân Lũng theo nghề. Phần lớn người trong thôn chỉ tranh thủ làm những lúc rảnh rang theo hình thức khoán. Bà Nguyễn Thị Mùi (xóm Chùa, thôn Vân Lũng) cho hay, dù nghề làm mành tre không đòi hỏi vốn lớn nhưng ít người “dám” đứng ra làm lớn, do không có thị trường tiêu thụ. Một thực tế nữa là nhu cầu thị trường đối với sản phẩm mành tre đang có xu hướng giảm.

Từ khoảng những năm 2008, sau khi tỉnh Hà Tây (cũ) sáp nhập với Thủ đô Hà Nội, nhiều diện tích đất nông nghiệp thuộc xã An Khánh đã được thu hồi phục vụ các dự án phát triển. Trong đó, lớn nhất là Khu đô thị mới An Khánh. Hiện, tại xã An Khánh chỉ còn 1/5 thôn (thôn Ngãi Cầu) còn đất nông nghiệp. Tuy nhiên, theo chia sẻ của bà con nơi đây, trong xu thế đô thị hóa, đất canh tác ngày càng trở nên manh mún. Việc xây dựng các công trình khiến hệ thống tưới tiêu bị chia cắt, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Người dân xã An Khánh chuyển sang buôn bán (chủ yếu là hoa, cây cảnh), hoặc đi làm công cho các nhà máy, xí nghiệp tọa lạc dọc trục Đại lộ Thăng Long…

Hướng tới thương nghiệp – dịch vụ

Như nhiều địa phương ven đô khác, đô thị hóa giúp thay đổi diện mạo miền quê An Khánh. Dù vậy, tính đến tháng 3/2016, thu nhập bình quân của người dân xã An Khánh chưa phải là cao, mới đạt khoảng 29 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn xấp xỉ 1,7%. Một bộ phận người dân còn loay hoay với việc tìm nguồn sinh kế thay thế sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Huy Hoán – Chủ tịch UBND xã An Khánh cho hay, trên địa bàn xã vẫn duy trì nghề làm mành tre nhưng đầu ra cho sản phẩm ngày càng khó khăn. Việc quy hoạch làng nghề cũng chưa thực hiện được. Toàn xã chỉ còn thôn Ngãi Cầu còn khoảng 320ha đất canh tác nông nghiệp, nhưng cũng đã được quy hoạch phục vụ xây dựng hạ tầng.

Nhằm đa dạng hóa nguồn thu nhập cho người dân, xã đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng thương nghiệp – dịch vụ. Theo đó, năm 2015, địa phương phối hợp với các phòng ban của huyện tổ chức 11 lớp đào tạo nghề (may công nghiệp, trồng rau và hoa), tiếp tục triển khai các chương trình khuyến công. Xã cũng đang đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất và thi công các dự án còn dang dở, tiến tới hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Cùng với đó là việc đẩy mạnh hỗ trợ người dân vay vốn, hướng tới phát triển đa dạng các ngành nghề thương nghiệp – dịch vụ. Phấn đấu đưa tổng giá trị sản phẩm nhóm ngành này đạt khoảng 420 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 65%) trong năm 2016. Đây là hướng đi đúng để giúp người dân ổn định đời sống.