Quảng Ngãi hướng tới nông thôn mới hiện đại, bền vững
Kinhtedothi - Quảng Ngãi đặt mục tiêu phát triển nông thôn mới hiện đại, bền vững, phù hợp với mô hình chính quyền hai cấp, lấy cấp xã làm trung tâm triển khai trong giai đoạn 2026-2035.
Nông thôn khởi sắc sau hơn một thập kỷ
Sau hơn 13 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn Quảng Ngãi có nhiều đổi thay rõ nét. Đến nay, toàn tỉnh có 3 huyện đạt chuẩn NTM, 98/144 xã đạt chuẩn (chiếm hơn 68%), trong đó có 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 95 thôn được công nhận khu dân cư nông thôn kiểu mẫu.

Chương trình OCOP được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt là mới đây, Hội đồng OCOP Trung ương công nhận 2 sản phẩm của Quảng Ngãi đạt hạng 5 sao cấp quốc gia: tỏi Lý Sơn của Công ty TNHH Phú Sinh và mạch nha Quảng Ngãi của Nhà máy Nha Quảng Ngãi. Đây là những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, mang bản sắc địa phương, mở ra cơ hội đưa nông sản Quảng Ngãi vươn ra thị trường quốc tế.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 350 sản phẩm OCOP, gồm 2 sản phẩm đạt 5 sao, 16 sản phẩm 4 sao và 332 sản phẩm 3 sao.

Huyện Mộ Đức vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM năm 2024.
Huyện Mộ Đức là điểm sáng nổi bật trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM khi vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM năm 2024. Toàn bộ 12 xã của huyện đều đạt chuẩn, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nâng cao; thị trấn Mộ Đức đạt chuẩn đô thị văn minh. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 52 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,41%. Mộ Đức cũng là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng sản phẩm OCOP với 52 sản phẩm, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao.
Mục tiêu mới trong giai đoạn chuyển đổi
Giai đoạn 2026-2035, Quảng Ngãi (sau sáp nhập) sẽ còn 86 xã. Tỉnh đặt mục tiêu phát triển NTM theo hướng hiện đại, toàn diện và bền vững. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030 có 56 xã đạt chuẩn NTM, 20 xã đạt chuẩn nâng cao; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 77,4 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2035, sẽ có 70 xã đạt chuẩn NTM, 42 xã đạt chuẩn nâng cao và 10 xã đạt chuẩn NTM hiện đại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền nhấn mạnh, bước vào giai đoạn mới, Quảng Ngãi sẽ vận hành mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh và xã), không còn cấp huyện. Đây là bước chuyển đổi lớn, đòi hỏi phải đổi mới tư duy lãnh đạo, điều hành và phương thức triển khai chương trình xây dựng NTM. Trách nhiệm của cấp xã - nơi trực tiếp tổ chức thực hiện - cần được xác định rõ ràng, gắn với nâng cao năng lực điều hành và tổ chức thực thi.

Quảng Ngãi đặt mục tiêu phát triển NTM theo hướng hiện đại, toàn diện và bền vững.
Ông Hiền yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tạo chuyển biến về nhận thức cho cán bộ và người dân về vai trò, ý nghĩa chương trình NTM. Đồng thời, cần thực hiện đồng bộ chương trình xây dựng NTM với chương trình giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn.
Các xã sau sáp nhập phải nhanh chóng kiện toàn Ban chỉ đạo, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, định hướng xây dựng kế hoạch lộ trình đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao theo bộ tiêu chí mới. Việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn cấp xã phải phù hợp với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch ngành liên quan.

Phát triển sản phẩm OCOP cần gắn với tiêu chí chất lượng, đặc trưng vùng miền.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, ưu tiên hỗ trợ mô hình sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo, phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển sản phẩm OCOP cần gắn với tiêu chí chất lượng, đặc trưng vùng miền, thân thiện môi trường, kết hợp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cho các chủ thể OCOP, đặc biệt là hợp tác xã và kinh tế tư nhân.
Song song đó là thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và nông nghiệp trải nghiệm - những hướng đi có thể tạo ra giá trị gia tăng bền vững cho nông thôn trong tương lai.

Ngày đầu vận hành thử nghiệm chính quyền địa phương 2 cấp ở Quảng Ngãi
Kinhtedothi-Ngày 25/6, các xã, phường mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chính thức bước vào vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đây được xem là bước “chạy đà” quan trọng, chuẩn bị cho thời điểm chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7 sắp tới.

Quảng Ngãi nỗ lực xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt
Kinhtedothi-Với quyết tâm lập lại trật tự hành lang an toàn đường sắt, tỉnh Quảng Ngãi đã xóa bỏ hơn 90% lối đi tự mở qua tuyến đường sắt Bắc - Nam. Trong đó, huyện Sơn Tịnh là địa phương đầu tiên về đích.

Quảng Ngãi hoàn tất khâu chuẩn bị, sẵn sàng vận hành chính quyền địa phương 2 cấp
Kinhtedothi- Quảng Ngãi sẽ chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7. Trước đó, 56 xã, phường và đặc khu mới được tổ chức vận hành thử nghiệm để rà soát, hoàn thiện, đảm bảo hoạt động thông suốt ngay khi đi vào thực hiện chính thức.