Cơ quan quản lý đã vào cuộc xử phạt, song vấn đề ăn mặc hở hang, phản cảm tại quán bar đang là câu chuyện nhức nhối, chưa có biện pháp ngăn chặn.
Đủ kiểu gây sốcNgày 8/10, trên mạng xã hội đã lan truyền đoạn clip quay cảnh một số thanh niên trình diễn thời trang tại quán bar Fame club trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nhóm thanh niên này sử dụng các trang phục có in hình cây thánh giá biểu tượng của đạo Công giáo, đội trên đầu mũ nữ tu sĩ. Các người mẫu này vừa mặc trang phục phản cảm, vừa rải tiền và tự nhiên chụp ảnh. Không chỉ những người theo đạo Công giáo bức xúc, mà nhiều người dân khác cũng thấy đây là việc làm xúc phạm đến tín ngưỡng tôn giáo. Ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội xác nhận với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị sau khi nắm bắt được sự việc, ông đã yêu cầu Thanh tra Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với chính quyền quận Hoàn Kiếm vào cuộc, lập hồ sơ, xác định hình thức vi phạm. Đến chiều ngày 11/10, Thanh tra Sở đã xác định cơ sở này tổ chức biểu diễn không thông báo với cơ quan quản lý, sử dụng trang phục phản cảm khi biểu diễn nên chủ quán bar sẽ chịu hình phạt cao nhất theo quy định.
|
Trang phục phản cảm của một số thanh niên biểu diễn tại quán bar Fame club ngày 8/10. |
Vi phạm của quán bar Fame club không phải là vi phạm lần đầu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Cuối tháng 4/2017, cũng một quán bar tại phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm cũng đã xuất hiện nhiều vũ nữ mặc hở hang nhảy múa trong tiếng nhạc mạnh. Xung quanh bên dưới sàn diễn lại được trang trí bởi hàng loạt... cờ Tổ quốc và cờ Đảng. Trong một số ảnh khác, một số người còn đội mũ kê-pi (hình dáng như mũ của lực lượng công an) khi nhảy múa. Như vậy, để tạo sự chú ý, các chủ quán bar đã sử dụng mọi chiêu quảng cáo, không chỉ hở khoe da hở thịt mà còn phạm vào những quy định cấm khi thực hiện các hoạt động quảng cáo.
Phạt kiểu… chạy theoĐiều đáng nói là những hành động ăn mặc phản cảm, hở hang tại quán bar chủ yếu được phát hiện khi sự việc đã diễn ra và đăng tải công khai trên mạng xã hội. Hiếm có vụ việc này được ngăn chặn kịp thời từ cơ quan quản lý. Bởi phần lớn các hoạt động biểu diễn của quán bar đều bỏ qua quy định thông báo với cơ quan quản lý. Vi phạm này xảy ra khá phổ biến nên các cơ quan quản lý làm ngơ. Cho dù, mức xử phạt cho việc sử dụng quốc kỳ, trang phục tôn giáo để quảng cáo luôn ở khung 70 – 90 triệu đồng, nhưng nhiều chủ quán bar vẫn chấp nhận vì muốn lợi dụng tác dụng ngược từ những điều cấm.
Còn nhớ, cách đây không lâu, Hà Nội liên tiếp phải xử lý các vụ việc ăn mặc phản cảm của nghệ sĩ Hương Tràm và Angela Phương Trinh khi biểu diễn tại quán bar. Không khó để xác minh các hành vi vi phạm của ca sĩ, nhưng Thanh tra Sở VH&TT Hà Nội lại gặp khó khi xử phạt. Sau khi gửi giấy mời triệu tập ca sĩ Hương Tràm lên làm việc nhưng Thanh tra vẫn phải chờ nhiều ngày vì ca sĩ đi chạy “sô” chưa về. Theo quy định của pháp luật, việc các nghệ sĩ có hành vi vi phạm ở các buổi biểu diễn nhỏ tại quán bar, phòng trà cũng không ảnh hưởng đến việc họ tiếp tục biểu diễn tại các chương trình nghệ thuật khác do Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép. Thế nên mới có chuyện vi phạm khi biểu diễn trong quán bar ở địa phương này rồi vẫn có thể thoải mái chạy “sô” để biểu diễn trong quán bar ở các địa phương khác.
Các quy định quản lý biểu diễn ở các quán bar hiện nay còn rất nhiều khe hở. Trong khi số lượng hoạt động của các quán bar trên địa bàn TP ngày càng cao, nếu chính quyền sở tại không có thêm các động thái kiểm tra, ngăn chặn chắc chắn sẽ còn xảy ra nhiều vi phạm liệt vào danh sách cấm kỵ của hoạt động quảng cáo và biểu diễn nghệ thuật.