Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

An ninh năng lượng vướng nhất là tư duy

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nền kinh tế đã có bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp, hiện đại hóa nhưng đi cùng với nó là đòi hỏi tiêu thụ nguồn năng lượng lớn.

Điều đó dẫn đến việc Việt Nam từ một nước xuất khẩu thành nước nhập khẩu năng lượng. Chính vì thế muốn giải bài toán năng lượng cần phải thay đổi tư duy về tái cơ cấu kinh tế.

Báo cáo của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho thấy, trong quá trình phát triển kinh tế những năm qua, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã tăng mạnh. Chẳng hạn nhu cầu tiêu thụ điện năng giai đoạn 2006 - 2010 đã tăng trung bình 13,07%/năm và giai đoạn 2011 – 2015 đã tăng 11%. Tại diễn đàn "Năng lượng Việt Nam 2016" do Báo Công Thương phối hợp với Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) tổ chức (25/8), ông Lê Tuấn Phong - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho biết: Trước đây, ngành than không chỉ đáp ứng đủ năng lượng cho nền kinh tế mà còn là một trong những mặt hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, do sức tiêu thụ năng lượng tăng mạnh đến mức hiện ngành than không thể đáp ứng đủ nhu cầu nên đã phải nhập khẩu mặt hàng này. “Từ đầu năm đến nay Việt Nam đã nhập khẩu hơn 8 triệu tấn than, lượng than nhập khẩu chiếm đến 25% thị phần thị trường than Việt Nam; Dự kiến năm 2020 Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 17 triệu tấn than, chiếm 31% nhu cầu sử dụng than cả nước” - ông Lê Tuấn Phong nêu ví dụ.

Tuy nhiên, tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế có chung ý kiến: Mặc dù mức tiêu hao năng lượng lớn nhưng mức tăng trưởng của ngành chế biến chế tạo chỉ đạt 1,6%. Ngay cả lĩnh vực công nghệ cao cũng chỉ thu hút được khoảng 2% DN tham gia. Điều này cho thấy năng lượng vẫn đang bị sử dụng lãng phí. Từ bài học phát triển trong 30 năm đổi mới, TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu rõ: Những năm qua nền kinh tế chỉ tập trung phát triển theo chiều rộng, thiếu chiều sâu. Hiện, cấu trúc công nghệ chủ yếu là khai thác tài nguyên và gia công lắp ráp, ở đẳng cấp thấp. Nhiều ngành công nghiệp như xi măng, sắt thép... vẫn đang tiêu thụ năng lượng khổng lồ. Ngay cả ngành nông nghiệp, cũng là ngành điển hình tiêu thụ năng lượng khi chỉ theo đuổi theo hướng tăng trưởng sản lượng, tăng năng suất chứ không tăng giá trị gia tăng... Đây là nguyên nhân khiến Việt Nam tiêu thụ một lượng lớn năng lượng, nhưng kết quả thu về không như mong muốn.

Từ phân tích trên cho thấy, trong những năm tới để đảm bảo an ninh năng lượng đòi hỏi phải tạo sự chuyển biến mạnh trong tư duy về cấu trúc kinh tế theo hướng thay đổi căn bản về công nghệ, tập trung tái cơ cấu để đổi mới mô hình tăng trưởng. Ngoài ra, cần quy hoạch và hoạch định chiến lược về  năng lượng, trong đó hướng tới mục tiêu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và tăng việc sử dụng năng lượng sạch. Đây là những giải pháp căn cơ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, nâng cao thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời gian tới.