Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

An Phú đổi thay nhưng chưa hết khó

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm ở phía Tây Nam huyện Mỹ Đức, An Phú là một trong những xã  dân tộc miền núi của Thủ đô hiện còn rất nhiều khó khăn.

Trong đó, bài toán giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân được xem là khó khăn hơn cả.

Còn trên 38% hộ nghèo

Gần 3 năm mới có dịp trở lại An Phú, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay của vùng đất giáp ranh tỉnh Hòa Bình. Con đường đất chạy xuyên những tán cây rậm rạp ngày nào giờ được thay thế bằng đường trải nhựa thẳng tắp dẫn về trụ sở UBND xã. Đến nay, 98% đường liên thôn xã trên địa bàn đã được bê tông hóa khang trang, rộng đẹp. Việc đi lại của người dân đã an toàn, thuận lợi hơn. Ông Nguyễn Xuân Lập – Bí thư Chi bộ thôn Nam Thanh Hà cho biết, mừng nhất là học sinh không còn phải lặn lội hàng chục cây số để tới trường, bởi An Phú hiện đã được đầu tư xây dựng mới trường tiểu học và THCS. Ban đêm, đường làng ngõ xóm sáng trưng ánh đèn. Nhà văn hóa xã An Phú được hoàn thành năm 2014 trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng bổ ích cho đồng bào nơi đây. Cùng với đó, chính sách cấp phát bảo hiểm y tế miễn phí của Nhà nước tiếp tục được triển khai đầy đủ đến 100% hộ nghèo…
An Phú trên đường xây dựng nông thôn mới.
An Phú trên đường xây dựng nông thôn mới.
Dù vậy, xã An Phú vẫn còn  rất nhiều khó khăn, trong đó thu nhập được xem là bài toán nan giải hơn cả. Nghề phụ không có, trên 5.200 lao động nơi đây vẫn phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ cứng hóa kênh mương nội đồng còn thấp khiến nhiều diện tích canh tác, đặc biệt là tại các thôn Nam Hưng và Thanh Hà chỉ cấy được một vụ mỗi năm. Một số mô hình chăn nuôi bò sinh sản và gia cầm, trồng cây ăn quả bước đầu phát huy hiệu quả nhưng chưa được nhân rộng. Tính đến tháng 6/2016, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã mới đạt khoảng 19 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đánh giá theo chuẩn mới giai đoạn 2016 – 2020 còn tới trên 38%, trong khi, tỷ lệ hộ cận nghèo vẫn còn khoảng 3%.    

Đa dạng các giải pháp nâng thu nhập

Đổi thay diện mạo vùng dân tộc miền núi xã An Phú có được bên cạnh nỗ lực tự thân của cán bộ và bà con dân tộc nơi đây, không thể không đề cập tới sự quan tâm, đầu tư lớn của Thành ủy, HĐND, UBND TP. Thông qua hiệu quả việc thực hiện các dự án thuộc Kế hoạch số 166, hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương được nâng cấp ngày một đồng bộ. Dù vậy, ông Lê Văn Sức – Trưởng phòng Dân tộc huyện Mỹ Đức thẳng thắn thừa nhận, đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc ở xã An Phú vẫn còn rất khó khăn.

Cùng với TP, huyện Mỹ Đức xác định An Phú là một trong những xã trọng điểm của huyện cần được quan tâm, đầu tư. Để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo kế hoạch, An Phú còn rất nhiều việc phải làm. Theo ông Sức, thời gian tới, đơn vị sẽ tham mưu lãnh đạo huyện chỉ đạo xã thực hiện chuyển đổi trên 300ha diện tích sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch. Trong đó, tập trung vào gieo trồng lúa cao sản 2 vụ, chăn nuôi tập trung xa khu dân cư đối với 6 loại vật nuôi là trâu, bò, dê, lợn, cá và gia cầm. Tiếp tục phối hợp với Sở LĐTB&XH mở các lớp nhân cấy khôi phục nghề truyền thống như thêu, dệt, mây giang đan. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ vay vốn phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập.

Để giúp xã An Phú hoàn thành được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội từ nay tới cuối năm 2016, mong mỏi lớn nhất của địa phương hiện nay là UBND TP sớm xem xét, phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng và nguồn vốn hỗ trợ sản xuất theo Quyết định số 551 của Thủ tướng Chính phủ mà UBND huyện Mỹ Đức đã có tờ trình.