Ăn Tết xong, bị sa thải

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khi lên đến công ty, chị mới biết, công ty đã mất trộm nguyên vật liệu. Đó là những đồ vật mà chị quản lý.

KTĐT - Khi lên đến công ty, chị mới biết, công ty đã mất trộm nguyên vật liệu. Đó là những đồ vật mà chị quản lý.

Tết đến mang lại niềm vui, hạnh phúc và sự may mắn cho muôn người. Nhưng không phải tất cả đều được hưởng đặc ân này. Không ít công nhân viên chức đã mất việc sau kỳ nghỉ Tết vui vẻ.

Sau kỳ nghỉ Tết, chị Hoa lại khăn gói lên Hà Nội như mọi năm. Đến cơ quan, ai cũng vui mừng phấn khởi, dường như niềm vui ngày Tết vẫn đọng lại trong tâm trí mọi người. Nhưng niềm vui không ở lại với chị được lâu. Chỉ sau mấy ngày làm việc, chị nhận được thông báo nghỉ việc. Công ty còn nhân đạo chán khi cho chị 1 tháng tìm việc mới. Chị nức nở khóc, giờ này tìm việc còn khó hơn lên trời. Cố gắng năn nỉ sếp nhưng chị hoàn toàn thất vọng. Sếp chỉ tặng chỉ cái lắc đầu lạnh lùng vô cảm.

Mà lý do bị đuổi việc của chị cũng có vẻ ly kì. Chị là thủ kho, nhà lại xa. Chị lại có con nhỏ để ở nhà cho ông bà nội chăm sóc. Chồng chị đã xin phép được nghỉ sớm nên chị cũng ngọt nhạt xin sếp cho nghỉ sớm. Sếp vui vẻ đồng ý. Chị giao chìa khóa cho một kế toán – em gái sếp. Rồi chị về quê chuẩn bị nấu nướng, mua sắm. Chị thực sự đã có cái Tết rất vui.

Ấy thế mà sau Tết, khi lên đến công ty, chị mới biết, công ty đã mất trộm nguyên vật liệu. Đó là những đồ vật mà chị quản lý. Nhưng khi giao chìa khóa cho kế toán, chị rất tin tưởng vì nghĩ đó là em gái sếp nên chị không bàn giao bằng sổ sách, giấy tờ. Bây giờ một mất mười ngờ, mọi tội lỗi đều dồn lên đầu chị. Chị không thể cãi được. Công ty đã cư xử đúng, thậm chí còn “tốt bụng” khi không bắt chị đền bù.

Chị Hoa tâm sự, chị không tin công ty bị mất trộm. Nhưng chị chẳng có gì để chứng minh. Báo công an ư? Chẳng để làm gì. Nếu công an phanh phui ra sự thật thì chị mất việc vẫn hoàn mất việc thôi. Cùng nhau sống trên đất Hà Nội, lại thân cô thế cô nên chị chẳng dại gì mà gây thù chuốc oán. Im lặng ra đi là cách tốt nhất chị phải làm. Nhưng đi đâu? Không dễ gì tìm được công việc tử tế ngay sau kỳ nghỉ Tết.

Chị Hoan còn chẳng có cơ hội đặt chân một giờ nào tới công ty. Sau Tết, chị đã mua vé tàu, chuẩn bị 1,2 ngày nữa ra Hà Nội ổn định nhà cửa để đi làm thì chị nhận được cú điện thoại từ trưởng phòng. Trưởng phòng với chất giọng du dương, lên bổng xuống trầm đầy chia sẻ phân trần năm nay khó khăn, công ty ít việc. Sẵn đà nghỉ Tết, chị cứ ở nhà chăm con, chăm sóc bố mẹ cho phải đạo. Lúc nào nhiều việc, công ty sẽ gọi chị lên làm tiếp.

Ban đầu, chị cũng tin và nghĩ rằng mình đen đủi. Nhưng chỉ mấy hôm sau, khi nói chuyện với đồng nghiệp, chị mới phát hiện ra phòng chị vừa có một nhân viên mới làm thay vị trí của chị. Nhân viên này là em trưởng phòng kỹ thuật. Đồng nghiệp của chị khẳng định công ty không dám đuổi việc chị vì sợ phạm luật. Công ty cứ để chị ở nhà “câu giờ” khiến chị phát chán phải tự nghỉ việc và đi tìm việc làm khác.

Chị Hoan gọi điện cho trưởng phòng. Ban đầu trưởng phòng còn giải thích này nọ nhưng khi biết chị đã phát hiện ra sự thật anh ta chỉ cười nhạt khuyên chị sớm tìm chỗ làm ổn định hơn. Quá giận trước sự nhẫn tâm của công ty chị dọa kiện ra tòa thì anh trưởng phòng chỉ cười nhạt. Kiện sao nổi. Họ có vi phạm gì đâu.

Không lập lờ nước đôi như công ty chị Hoan, công ty anh Bính lại đuổi thẳng cổ anh. Bị đuổi mà anh cũng chẳng thể làm gì được vì công ty có quyền làm thế. Công ty có quyền làm thế dưới danh nghĩa “Kết thúc hợp đồng lao động”.

Ra Tết, ngày đầu tiên đi làm, anh Bính đã nhận được bản phân công công việc mà không hề có tên anh. Đem thắc mắc lên hỏi quản lý, anh chỉ nhận được cái nhìn ngỡ ngàng: “Ủa, tháng sau là em hết hợp đồng lao động rồi. Mấy ngày còn lại em thích làm gì thì làm. Chứ bắt anh phân công bây giờ, tháng sau anh phải làm lại à”.

Anh Bính đã hiểu được 90% sự việc. Tới chiều, anh chính thức nhận được mail cám ơn cho sự đóng góp 3 năm qua. Nhưng kết luận lại là, rất tiếc công ty và anh không thể song hành cùng nhau được nữa. Mà công ty không thể ra đi nên anh phải là người ra đi.

Công ty còn tử tế chán khi hỗ trợ anh 2 tháng lương cho anh trong quá trình tìm việc làm mới. Anh Bính chán nản lắm. Anh chẳng ngờ công ty lại bạc tình bạc nghĩa với anh như vậy. 3 năm qua anh đã cống hiến cho công ty rất nhiều. Dù anh không thuộc hạng xuất chúng nhưng cũng không phả kẻ bỏ đi. Vậy mà chẳng hiểu sao anh lại mất việc ngay sau khi chiếc bánh chưng Tết cuối cùng còn chưa kịp tiêu hóa trong dạ dày anh.

Có người khuyên anh đi kiện. Nhưng kiện sao nổi. Công ty làm việc kín kẽ lắm. Họ có đầy chiêu lách luật, chỉ có dân đen là khổ thôi. Vậy là Tết vừa qua đi, anh Bính đã mang bộ mặt héo hắt về nhà. Anh đùa chua xót: “Ác quá, có đuổi thì cũng phải đợi người ta ăn hết bánh chưng xong rồi mới đuổi chứ. Thịt mỡ dưa hành còn đang lục bục trong bục mà đã đập nồi cơm người khác rồi”.

Anh Tịnh còn bi thảm hơn khi bị đuổi nhầm. Cũng giống như anh Bính. Vừa Tết ra, anh đã nhận được giấy thông báo chấm dứt hợp đồng. Vốn là người chẳng vừa, anh đôi co ngay với trưởng phòng nhân sự. Nếu đuổi anh, anh sẽ kiện tới cùng. Trưởng phòng thách anh, anh ném thẳng tờ hợp đồng xuống bàn. Thời hạn hợp đồng của anh còn 6 tháng nữa. Làm sao đuổi được anh nếu anh không phạm lỗi gì. Lúc đó trưởng phòng mới thấy hớ, hóa ra anh ta nhớ nhầm ngày. Giấy tuyên bố cho nghỉ việc đã bị hủy nhưng tay trưởng phòng vẫn nhấn mạnh: “Tốt nhất em nên tìm việc khác sớm đi, đừng chờ đến 6 tháng nữa”.

Anh Tịnh cứng đầu định không chịu ra đi sớm nhưng sau vài ngày làm việc anh lắc đầu chán nản. Không đi sớm không được, ở công ty ai cũng coi anh như đã chết, chẳng ai giao việc cho anh làm. Cứ cố bám trụ cũng chỉ là vớt vát tí lương.

Anh Tịnh nhận xét, hiện nay luật pháp đang ngày càng bảo vệ người lao động. Nhưng cũng không lại được với công ty. Họ có nhiều chiêu để lách luật khiến nhân viên bị sa thải chỉ biết than trời.