Kinhtedothi - Công tác an toàn, phòng chống cháy nổ tuy là đề tài khá cũ nhưng nó lại tiếp tục trở thành vấn đề “nóng” khi trên địa bàn Hà Nội, trong những ngày qua, sau vụ cháy nổ ở chung cư, khu công nghiệp..., dư luận lại bàng hoàng khi liên tiếp nhận được những thông tin về các vụ cháy, nổ lớn.
Mới nhất là vụ cháy nổ tại làm cho một số nhà dân bị mất điện do nổ bốt điện tại Trạm điện Kim Giang, quận Thanh Xuân vào trưa 16/11. Trước đó, chiều 11/11, “bà hỏa” tìm đến nhà số 371 Đê La Thành để tung hoành. Ngày 12/11, vụ cháy tại tầng 3 của ngôi nhà số 1 Nguyễn Quý Đức (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Thế mà chỉ hai ngày sau, ngày 14/11, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy lại phải căng mình để dập tắt đám cháy tại Phân xưởng 3, Nhà máy E112 thuộc Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an (xã Lại Yên, huyện Hoài Đức). Điều đáng nói là, chỉ trong vòng một ngày, “bà hỏa” có thể tung hoành đến hai địa điểm khác nhau trên địa bàn thành phố, cháy nổ xảy ra trong giờ hành chính nên kéo theo tình trạng ùn tắc giao thông, cản trở công tác cứu nạn, cứu hộ, nhất là những vụ hỏa hoạn tại các quán karaoke.
Cháy tại quán karaoke Sao Xanh trên đường Hồ Tùng Mậu
|
Được coi là một trong những hình thức giải trí phổ biến tại các thành phố lớn, karaoke đã và đang thu hút của các tầng lớp khác nhau trong xã hội, tuy nhiên, vấn đề an toàn cháy nổ tại địa điểm giải trí thường xuyên tập trung nhiều người này dường như chưa được các chủ quán quan tâm. Vì thế, ngay cả “bà hỏa” cũng đã tìm đến karaoke để... thiêu rụi. Mới đây nhất là vụ cháy tại quán Karaoke Sao Xanh trên đường Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy vào chiều 15/11. Và trước đó, trưa ngày 11/11, quán cà phê karaoke Olala trên đường Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm cũng đã bị “bà hỏa” thiêu rụi.
Trong khi đó, đối với những người làm công tác PCCC, ngay trong cuộc giao lưu trực tuyến “Trên mặt trận chống “giặc lửa”” do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức sáng 28/10, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 1 TP Hà Nội – Đại tá Trần Văn Vụ khẳng định qua việc kiểm tra theo dõi các quán bar, karaoke, chúng tôi thấy các cơ sở này thường dùng các vật liệu cách âm dễ cháy như nhựa, phông mút…. Khi xảy ra cháy thì sản phẩm cháy của các vật liệu này khói rất độc hại. Ngoài ra, họ sử dụng âm thanh công suất lớn nên công suất điện tiêu thụ cao.
Nguyên nhân dẫn đến cháy tại các cơ sở này thường do sử dụng điện thiếu an toàn, cải tạo, sửa chữa, hàn cắt kim loại không có biện pháp đảm bảo an toàn, để vẩy hàn bắn vào vật liệu đễ cháy dẫn đến cháy, khách hàng hút thuốc lá dẫn đến cháy phông màn..
Khi xảy ra cháy thì sản phẩm cháy của các vật liệu tại các quán bar sinh ra nhiều khói khí độc, rất dễ gây ra suy hô hấp dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Nhiều trường hợp tử vong tại các quán bar rất thương tâm vì nồng độ khói cháy là rất đậm đặc và độc, lối thoát lại nhỏ không chạy kịp nên chỉ trong ít giây đã xảy ra tử vong.
Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội- Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho biết thêm, cảnh sát PCCC luôn xác định các quán bar, karaoke là 1 trong những đối tượng trọng tâm vì là điểm tập trung đông người, nếu xảy ra cháy thì thiệt hại về tài sản, con người rất khó lường. Trong quá trình xây dựng các chủ đầu tư không nghiên cứu bố trí mặt bằng, lối thoát nạn, hệ thống điện, âm thanh ánh sáng… Đây cũng là điểm khó cho lực lượng PCCC.
Cháy tại quán karaoke Olala trên đường Lê Đức Thọ
|
Cũng theo Đại tá Trần Văn Vụ, hàng năm, Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội đều xây dựng các Kế hoạch và tổ chức kiểm tra chuyên đề theo các loại hình cơ sở, trong đó chú trọng các cơ sở nguy hiểm cháy nổ, cơ sở vui chơi giải trí, tập trung đông người như Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, Karaoke, vũ trường, nhà cao tầng, nhà kho, xưởng sản xuất… Riêng đối với loại hình hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị thuộc Sở phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát, kiểm tra, tăng cường công tác tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC đối với loại hình này. Thậm chí, kiên quyết phối hợp liên ngành quận huyện CA, phòng VHTT kinh tế quận huyện, chính quyền phường xã, những đối tượng đủ điều kiện mới cho hoạt động, không đủ điều kiện cần khắc phục tồn tại thiếu sót, cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn cụ thể cách khắc phục, đồng thời yêu cầu tạm thời ngừng hoạt động để sửa chữa, cải tạo, đạt yêu cầu mới tiếp tục cho hoạt động. đối tượng không đủ điều kiện mà cũng không khắc phục thì báo cáo với chức năng cấp phép kinh doanh rút giấy phép.
Như vậy, sự quan tâm của các cơ quan chức năng đối với vấn đề phòng chống cháy nổ luôn được đặt lên hàng đầu. Thông tin cùng bài học, tài liệu cảnh báo từ những vụ cháy lớn vẫn thường xuyên được phổ biến trên nhiều phương tiện truyền thông. Thế nhưng, có lẽ đối với nhiều chủ quán bar, karaoke, khu vui chơi giải trí, xưởng sản xuất..., lợi nhuận vẫn là vấn đề được quan tâm hàng đầu, việc đầu tư trang thiết bị phòng cháy chữa cháy còn mang tính đối phó... thì công tác an toàn, phòng chống cháy nổ vẫn còn là nỗi lo thường trực, đáng báo động.