An toàn là ưu tiên số một

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực tế công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng (ĐTXD) và vận hành khai thác các công trình thủy điện trên cả nước vẫn còn không ít vướng mắc, nhất là trong việc làm thế nào đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.

Đây là một vấn đề chính được bàn luận sôi nổi tại Hội nghị sơ kết giữa kỳ tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/CP về chương trình hành động của Chính phủ trong việc tăng cường công tác này.

Tiếp tục loại bỏ một số dự án thủy điện

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) Đặng Huy Cường, cả nước hiện có 284 công trình thủy điện với tổng công suất lắp máy hơn 14.698MW đang vận hành phát điện; 204 dự án đang thi công xây dựng, 250 dự án đang nghiên cứu đầu tư; còn lại 78 dự án chủ yếu quy mô nhỏ (dưới 30MW) đang được tiếp tục rà soát về hiệu quả kinh tế. Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh đã xem xét loại khỏi quy hoạch 12 dự án thủy điện nhỏ tại các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum, Điện Biên… Ngoài ra, các dự án đang nghiên cứu đầu tư vẫn tiếp tục được rà soát để có phương án điều chỉnh hợp lý hoặc loại khỏi quy hoạch.
Công nhân vận hành thiết bị tại Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3.      Ảnh: Ngọc Hà
Công nhân vận hành thiết bị tại Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3. Ảnh: Ngọc Hà
 
Thực tế thời gian qua cho thấy, bên cạnh những công trình tuân thủ quy định về quản lý chất lượng ĐTXD, còn một số công trình do đơn vị tư vấn thiếu kinh nghiệm, nhà thầu thiếu nhân lực và thiết bị, chủ đầu tư các dự án thủy điện nhỏ (chủ yếu là DN tư nhân) thiếu chuyên môn ĐTXD thủy điện..., nên việc quản lý chất lượng thiếu chặt chẽ. Mặt khác, một số chủ đầu tư dự án thủy điện tự điều chỉnh quy mô, thay đổi thiết kế bản vẽ kỹ thuật so với hồ sơ thiết kế ban đầu nhưng không báo cáo cho cơ quan quản lý. Về quản lý an toàn đập, vẫn còn một số chủ đầu tư nhà máy thủy điện nhỏ chưa thực hiện đầy đủ quy định trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chi trả dịch vụ môi trường rừng…, trong đó có nguyên nhân từ sự thiếu chặt chẽ trong công tác phối hợp giữa từng ngành với địa phương. 

Hài hòa lợi ích
Một vấn đề được rất nhiều địa phương quan tâm là việc đảm bảo an toàn cho bà con trong vùng dự án. Ông Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu phản ánh, việc vận hành hồ chứa ở Nhà máy Thủy điện Bản Chát đã làm thiệt mạng 3 cháu bé. Đây là vấn đề nghiêm trọng, nên trong công tác vận hành hồ chứa cần có hệ thống cảnh báo tự động. "Dù đã quy định rõ ràng nhưng cách làm hiện nay vẫn rất thủ công, khả năng thông tin đến người dân rất chậm" - ông Quảng bức xúc. Ngoài ra, ông Quảng đề nghị các bộ sớm xây dựng chế tài về phí dịch vụ môi trường rừng. Nếu không có biện pháp quản lý khoa học đối với sự tuân thủ của DN, nhất là với những chủ đầu tư ngoài ngành, thì những địa phương càng đóng góp nhiều cho thủy điện thì người dân ở đó càng thiệt thòi. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Hoàng Văn Nhân cũng kiến nghị: Việc lập và thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa cần có quan điểm chủ đạo là hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. "Nếu tiếp tục nâng mức nước hồ thủy điện Sơn La từ 215m lên 217m thì có thể đảm bảo lợi ích cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhưng liệu có đảm bảo cho tổ chức sản xuất của bà con, nhằm sớm ổn định đời sống, dù họ có được hưởng nhà cao, đường rộng?" - ông Nhân băn khoăn.

Trước những kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng: Các ngành, địa phương cần thực hiện quyết liệt hơn để hoàn thành đúng tiến độ các dự án thủy điện, trừ những trường hợp cụ thể xin gia hạn phải được Thủ tướng cho phép. Các bộ, địa phương cũng cần nghiêm khắc xử lý sai phạm trong quá trình thực hiện, trong đó không loại trừ những vi phạm nghiêm trọng cần xử lý theo pháp luật. 

"Những người quản lý và thực hiện dự án thủy điện cần luôn chú trọng làm sao hài hòa đồng bộ giữa yêu cầu về hiệu quả thủy điện với yêu cầu về cấp nước, giữa yêu cầu về kinh tế với yêu cầu về môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa… Trước mắt đang là mùa lũ, cần đặt yêu cầu đảm bảo an toàn cho người dân và công trình lên trên hết, trong đó, an toàn của người dân nơi hạ du phải được đặt trước lợi ích về thủy điện" - ông Hoàng khẳng định.
 
"Công tác giải quyết bồi thường, tái định cư cho dân ở các dự án thủy điện không dễ dàng, nhưng cần hiểu rằng hoàn cảnh sống của đồng bào dân tộc rất khó khăn, nên phải đặc biệt quan tâm đến chính sách "hậu tái định cư" để đảm bảo ổn định đời sống lâu dài cho đồng bào dân tộc. Bộ NN&PTNT đã được giao xây dựng chính sách này, nhưng 7 - 8 năm nay vẫn đang "trình Chính phủ" mà chưa ban hành được. " - Ông Lâm Quang Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần