An toàn thực phẩm - cuộc chiến không khoan nhượng  - Ảnh 1
An toàn thực phẩm - cuộc chiến không khoan nhượng  - Ảnh 2
An toàn thực phẩm - cuộc chiến không khoan nhượng  - Ảnh 3

Những đứa trẻ chưa kịp lớn đã mãi mãi bỏ lại ước mơ tuổi thơ, những người đang trong độ tuổi lao động cũng rời bỏ cuộc sống chỉ sau bữa ăn vài giờ, để lại gánh nặng trên vai vợ, con. Có gia đình, cả nhà tử vong do ngộ độc thực phẩm. Mỗi năm, hàng loạt vụ ngộ độc tập thể, hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh bị xử lý, hàng trăm tấn thực phẩm bẩn bị bắt giữ là vấn nạn nhức nhối của cả cộng đồng.

 

An toàn thực phẩm - cuộc chiến không khoan nhượng  - Ảnh 4

Có lẽ, chẳng ai có thể quên được cái chết đau lòng của bé T.G.H., 5 tuổi ở phường Xuân Hòa, TP Long Khánh, Đồng Nai do ngộ độc bánh mì cách đây không lâu. Đến bây giờ, bố mẹ bé H. vẫn chưa thể tin vào sự thật tàn nhẫn rằng đứa con của mình đã mãi mãi ra đi sau bữa ăn sáng. Đôi mắt trũng sâu, nhìn di ảnh con, anh T., cha của bé H. nghẹn ngào chia sẻ, vợ chồng anh cưới nhau hơn 15 năm, có 2 con trai. Con đầu 15 tuổi, còn bé H. chuẩn bị vào lớp 1.

“Hôm xảy ra sự việc là ngày nghỉ lễ, cả gia đình mua 7 ổ bánh mì thịt tại Cơ sở bánh mì Cô Băng (phường Xuân Bình, TP Long Khánh, Đồng Nai) cho 8 người cùng ăn. Mọi người sau khi ăn bánh mì đều bị ngộ độc. Trong đó, con trai nhỏ của tôi bị nặng nhất” - anh T. không giấu nổi nỗi đau. Theo lời anh, hôm  xảy ra “định mệnh” đó, bé H. chỉ ăn 1 ổ bánh mì với pate và chả. Đến khuya, bé bắt đầu có dấu hiệu tiêu chảy và nôn ói. Sáng hôm sau, gia đình mua thuốc cho uống nhưng tình trạng không thuyên giảm. Tuy nhiên, lúc đó bé vẫn còn khỏe mạnh, có thể nói chuyện và chơi đùa bình thường.

An toàn thực phẩm - cuộc chiến không khoan nhượng  - Ảnh 5

Hôm sau, bé H. có dấu hiệu mệt mỏi và lên cơn sốt co giật. Gia đình vội đưa con đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Ngay khi đến bệnh viện, bé đã bị ngưng tim và được đưa vào hồi sức cấp cứu, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, rồi tiếp tục đến Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh. Mặc dù được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa, nhưng do tình trạng bệnh quá nặng, bé H. đã không qua khỏi sau 1 tháng điều trị.

Liên quan đến sự việc đau lòng này, kết quả kiểm nghiệm cho thấy, mẫu thực phẩm như patê, thịt lợn đã qua chế biến, chả lụa, dưa muối chua lấy tại Cơ sở bánh mì Cô Băng phát hiện vi khuẩn salmonella. Đây cũng là nguyên nhân khiến 600 người phải nhập viện điều trị ở Đồng Nai trong vụ ngộ độc tập thể này.

Sau các vụ ngộ độc thực phẩm, các cơ quan chức năng tăng tốc truy vết, kiểm tra, giám sát, nhưng những câu chuyện đau lòng vẫn chưa dừng lại. Mới đây nhất (cuối tháng 7/2024), Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 4 trường hợp ngộ độc cồn công nghiệp methanol sau khi uống rượu tại một đám cưới ở huyện Thường Tín, Hà Nội. Trong đó, 1 người đã tử vong trước khi vào viện. Cả 5 người đều uống 2-3 bữa rượu trong đám cưới. TS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, 4 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngộ độc rượu methanol, biểu hiện đau đầu, nhìn mờ, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, nồng độ methanol trong máu cao, tổn thương mắt, có nguy cơ tổn thương não. Kết quả xét nghiệm mẫu rượu cho thấy, nồng độ cồn công nghiệp methanol là 34%.

An toàn thực phẩm - cuộc chiến không khoan nhượng  - Ảnh 6

Trước đó, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc, tử vong do uống rượu không rõ nguồn gốc. Đây là lời cảnh báo đắt giá về sự nguy hại khi sử dụng rượu không rõ nguồn gốc; đồng thời đòi hỏi phải quản lý tốt hơn để dẹp rượu "3 không": không nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn, không công bố chất lượng.

Video: Vụ ngộ độc rượu tại một đám cưới ở huyện Thường Tín, Hà Nội khiến 4 người nhập viện, 1 người tử vong trước khi vào viện. 

Báo chí đã không ít lần đưa tin những huyện này, tỉnh kia xảy ra nhiều vụ tử vong khác do ăn phải độc tố tự nhiên trong thực phẩm như nấm độc, cá nóc hay thịt cóc… do sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân. Thế nhưng, công tác cảnh báo tuyên truyền vẫn còn bỏ ngỏ ở nhiều vùng miền, nhất là các bản làng vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Những cái chết ấy có phần trách nhiệm của y tế địa phương trong việc tuyên truyền, giáo dục người dân.

An toàn thực phẩm - cuộc chiến không khoan nhượng  - Ảnh 7

“Trước đây, tôi đã từng chứng kiến một vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó, một gia đình để nồi canh cải vào nồi cơm điện. Sáng hôm sau, các con của gia đình này cứ thế lấy ra ăn, không đun lại nên đã bị ngộ độc. Qua đây, cảnh báo người dân không nên ăn các món rau xanh đã để qua đêm. Vì rau xanh để trong tủ lạnh, hôm sau không đun sôi lại dễ ứ đọng các chất nitrit, gây ra ngộ độc” - PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế nêu dẫn chứng.

An toàn thực phẩm - cuộc chiến không khoan nhượng  - Ảnh 8

Theo đánh giá của Bộ Y tế, sau 14 năm thực hiện Luật ATTP, sau đó là Chỉ thị 08-CT/TW, rồi đến Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới, công tác ATTP của nước ta đã đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức, trách nhiệm của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên đối với công tác ATTP có sự chuyển biến rõ rệt.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã coi việc đảm bảo ATTP là đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về ATTP từng bước được thực hiện nghiêm túc hơn. Phòng, chống ngộ độc thực phẩm và giám sát các mối nguy cơ ô nhiễm thực phẩm ngày càng chủ động, việc tuyên truyền, vận động, giáo dục về ATTP được đổi mới về nội dung và hình thức...

An toàn thực phẩm - cuộc chiến không khoan nhượng  - Ảnh 9

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình ATTP vẫn là vấn đề hết sức phức tạp và đáng báo động. Thực trạng nhìn đâu cũng thấy thực phẩm bẩn không chỉ gây hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người dân, an toàn xã hội mà còn kìm hãm sự phát triển của cả nền kinh tế. Vì vậy, đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông báo động, phải có một cuộc cách mạng để thay đổi nhận thức và thói quen của người dân trong kinh doanh và sản xuất thực phẩm.

Hàng loạt vụ ngộ độc tập thể xảy ra trong thời gian qua, nhiều người nhập viện, nhiều ca tử vong khiến người dân canh cánh nỗi lo. Nhiều người vẫn chưa thể quên vụ đau lòng xảy ra trên địa bàn Hà Giang. Chỉ sau bữa cỗ tại lễ ăn hỏi của một gia đình, có tới 48 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 3 người tử vong. Hay vụ ngộ độc pate Minh Chay cách đây chưa lâu, ít nhất 2 người tử vong, hàng chục người từ Bắc đến Nam phải nằm viện điều trị dài ngày, diễn ra cả năm trời ám ảnh dư luận bởi tính chất nặng nề, nhiều người mắc và không cùng thời điểm. Hầu hết họ đều tình trạng nặng, liệt cơ, suy hô hấp, phải thở máy dài ngày.

An toàn thực phẩm - cuộc chiến không khoan nhượng  - Ảnh 10

Các xét nghiệm sau đó cho thấy pate Minh Chay nhiễm vi khuẩn C.botulinum tuyp B gây ngộ độc cho người ăn. Theo TS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, độc tố botulinum khi tấn công sẽ gây tổn thương nặng nề, cắt đứt các đầu mối dây thần kinh ở các vị trí. Các vị trí thần kinh như vậy tạm ngừng hoạt động, rồi bị hỏng hoàn toàn, khiến bệnh nhân liệt nặng. Vụ ngộ độc gây tổn thất quá lớn, nhưng cơ sở sản xuất pate Minh Chay - Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới chỉ bị phạt hành chính 17,5 triệu đồng gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Mới hôm qua (ngày 13/8),  Sở Y tế Vĩnh Long xác nhận vụ 181 công nhân của Công ty Bo Hsing (Khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) nhập viện điều trị do nghi ngộ độc thực phẩm, trong đó, 173 bệnh nhân điều trị nội trú và 10 bệnh nhân điều trị ngoại trú.

Theo thông tin ban đầu, từ đêm 12/8, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hòa Phú (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) tiếp nhận các ca nhập viện cấp cứu đầu tiên với các triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Tính đến chiều 13/8, tại 7 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 181 bệnh nhân đến điều trị với các triệu chứng này. Ngay khi nhận được thông tin, Sở Y tế Vĩnh Long đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Long Hồ điều tra dịch tễ, lấy mẫu thực phẩm truy tìm nguyên nhân.

Trước đó, chỉ tính riêng tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, trong chưa đầy 1 tháng, có đến 4 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 400 người mắc. 1 bé gái học lớp 5 tại phường Vĩnh Trường được xác định tử vong. Trước khi tử vong, bé gái ăn sushi, cơm gà tại một cơ sở bên ngoài. Nhớ lại, hơn một năm trước, cũng tại TP Nha Trang đã xảy ra vụ 665 học sinh bị ngộ độc cơm gà, đau lòng hơn là một học sinh lớp 1, Trường iSchool Nha Trang tử vong, đến nay vẫn chưa xác định được thức ăn nào là nguyên nhân gây ngộ độc cho trẻ. Vụ án cho đến nay vẫn đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.

An toàn thực phẩm - cuộc chiến không khoan nhượng  - Ảnh 11

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm làm 2.138 người mắc và 6 trường hợp tử vong. Đáng lo thay, dù các cơ quan chức năng nỗ lực kiểm soát ATTP, nhưng số ca mắc so với cùng kỳ năm ngoái không những giảm mà còn tăng 202%. Phân tích của Bộ Y tế cho thấy, ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn, gia đình, đám cưới, đám giỗ, liên hoan giảm cả về số vụ, số mắc nhưng có xu hướng gia tăng tại quán ăn, nhà hàng, khách sạn, nhất là do thức ăn đường phố (đơn cử như ở tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Sóc Trăng).

Nhiều vụ ngộ độc xảy ra tại bếp ăn tập thể đông người tại các công ty (tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Đồng Nai); bếp ăn trường học, và cả căng tin, các cơ sở kinh doanh thực phẩm xung quanh khu vực trường học (tỉnh Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh).

An toàn thực phẩm - cuộc chiến không khoan nhượng  - Ảnh 12

Nhìn lại, năm 2023, toàn ngành y tế kiểm tra hơn 382.000 cơ sở, phát hiện 34.500 cơ sở vi phạm, trong đó hơn 12.000 cơ sở bị phạt khoảng 44,4 tỉ đồng. Ngành nông nghiệp thanh tra hơn 19.300 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hành chính hơn 1.600 cơ sở với hơn 14,4 tỉ đồng. Ngành Công Thương kiểm tra hơn 8.300 vụ, xử lý hơn 6.770 vụ việc vi phạm, xử phạt 36,3 tỉ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu 31,6 tỉ đồng.

Cũng trong năm 2023, toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc và 28 trường hợp tử vong, đáng chú ý đã xuất hiện ngộ độc do clostridium botulinum. TS Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế cho biết, trung bình trong 5 năm gần đây, mỗi năm cả nước ghi nhận khoảng 100 vụ ngộ độc, 23 trường hợp tử vong.

An toàn thực phẩm - cuộc chiến không khoan nhượng  - Ảnh 13

Có thể thấy, thời gian gần đây, có vô số vụ việc liên quan đến ATTP, khiến người dân không khỏi hoang mang, lo lắng. Mới đây, Công an Hà Nội đã vào cuộc phát hiện nhiều vấn đề lớn về thực phẩm bẩn.

Có manh mối một quán ăn ở cổng trường học trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, lực lượng chức năng Hà Nội đã phanh phui một đường dây buôn bán hơn 10 tấn xúc xích “bẩn”. Bám theo dấu vết, liên tiếp 5-6 đầu mối khác lần lượt lộ diện, kho hàng có chứa hơn 10 tấn xúc xích “bẩn” được công an niêm phong, tiêu hủy.

Những thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ này sẽ là nguy cơ đối với sức khỏe nếu không được cơ quan chức năng phát hiện và tiêu hủy kịp thời.
Những thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ này sẽ là nguy cơ đối với sức khỏe nếu không được cơ quan chức năng phát hiện và tiêu hủy kịp thời.

Thật đáng kinh ngạc khi sự thật được phơi bày, qua thí nghiệm để xúc xích thu giữ được ngoài trời 7 ngày nhưng không bị ôi thiu, bốc mùi. Theo các chuyên gia y tế, rất có thể thực phẩm đã được ướp formol (chất độc hại cấm dùng trong thực phẩm) để bảo quản. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu số lượng xúc xích này được tiêu thụ hết tại các cửa hàng, tạp hóa ở cổng trường. Số lượng trẻ em bị ảnh hưởng đến sức khỏe, hậu quả ra sao? Cõ lẽ, con số đó khiến ai cũng phải rùng mình.

Trong 5 tháng năm 2024, lực lượng phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) phát hiện hơn 3.700 vụ vi phạm ATTP, so với 6 tháng cuối năm 2023 tăng 44%. Từ các vụ việc này, lực lượng chức năng chỉ ra nhiều vấn đề nổi lên do vi phạm quy định ATTP của cơ sở thực phẩm nhỏ lẻ rất nghiêm trọng, đặc biệt là thức ăn đường phố.

Đáng chú ý, thực trạng kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP tại các cổng trường học, khu công nghiệp, khu du lịch với đối tượng sử dụng là học sinh, công nhân và người lao động có thu nhập thấp khá phức tạp. Việc chế biến và cung cấp thực phẩm ở khu công nghiệp và trường học chưa được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

An toàn thực phẩm - cuộc chiến không khoan nhượng  - Ảnh 14

Nêu một số vụ việc điển hình, thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt - Phó Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an dẫn chứng, lực lượng công an kiểm tra một cơ sở kinh doanh ở cổng Trường Tiểu học Mường Thanh (tỉnh Điện Biên) phát hiện bán công khai 477 mặt hàng thực phẩm với nhiều chủng loại từ bánh trứng cút, đùi gà, cánh gà, chân gà muối cho đến xúc xích, các loại phô mai… đều không rõ nguồn gốc, nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe cho thế hệ tương lai đất nước.

Tại Hà Nội, chỉ riêng một lần kiểm tra ở quận Bắc Từ Liêm, lực lượng chức năng phát hiện ở cổng Trường Tiểu học Đức Thắng và Mầm non Sao Mai bày bán hơn 1.700 mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Không thể kể xiết khi có quá nhiều vụ việc về thực phẩm bẩn bị phát hiện và thu giữ thời gian qua.

An toàn thực phẩm - cuộc chiến không khoan nhượng  - Ảnh 15

Theo trung tá Nguyễn Đăng Hải - Đội phó Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội, hiện nay, thực phẩm giả tràn lan, nhiều nhất là thực phẩm chức năng và thực phẩm cho người già và trẻ nhỏ. Theo thống kê trong các năm trước, mỗi năm lực lượng cảnh sát bắt gần 100 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc và quá hạn sử dụng.

Đó chỉ là những vụ cơ quan chức năng phát hiện. Còn hàng nghìn, hàng triệu cơ sở kinh doanh thực phẩm từ nhỏ đến lớn, các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được mua bán trôi nổi, công khai trên thị trường rất khó kiểm soát. Ngoài ra, hiện nay, việc buôn bán các mặt hàng thực phẩm trên trạng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử nở rộ và hút khách hàng nhờ mua dễ, giao nhanh, giá rẻ. Tuy nhiên, mua thực phẩm qua kênh online tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP, thực phẩm nhái, hàng giả, kém chất lượng.

Nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm do mua thực phẩm trên mạng không đảm bảo an toàn. Đơn cử, vụ việc 29 học sinh tại huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) bị ngộ độc phải nhập viện sau khi ăn cơm cuộn, cơm nắm trước cổng trường. Kết quả điều tra cho thấy, các mẫu nguyên liệu thực phẩm để chế biến được chủ cơ sở mua trên mạng xã hội chứa vi khuẩn staphylococcus aureus.

An toàn thực phẩm - cuộc chiến không khoan nhượng  - Ảnh 16

Những vụ việc nêu trên không khỏi khiến người dân luôn cảm thấy bất an bởi hàng ngày phải sử dụng thực phẩm bẩn. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, cử tri tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị Bộ Y tế có biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát ATTP khi Việt Nam đang trở thành địa điểm thu hút khách du lịch quốc tế với phong cảnh thiên nhiên đẹp và ẩm thực đường phố phong phú.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa nhận, thời gian qua xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có cả những vụ có số lượng lớn người bị ngộ độc. Đã có trường hợp cơ sở hoạt động không phép trong thời gian dài, chỉ khi xảy ra ngộ độc mới bị phát hiện. Có trường hợp cơ sở được cấp chứng nhận ATTP nhưng lại mua nguyên liệu trôi nổi trên thị trường về đóng gói để cung cấp cho bếp ăn, vi phạm nghiêm trọng quy định ATTP.

An toàn thực phẩm - cuộc chiến không khoan nhượng  - Ảnh 17

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế về tăng cường bảo đảm ATTP, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Bộ Y tế sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý các cơ sở không đủ điều kiện ATTP.

(Còn nữa)

An toàn thực phẩm - cuộc chiến không khoan nhượng  - Ảnh 18

09:15 14/08/2024