An toàn vệ sinh thực phẩm tại KCN: Ngày càng “nóng”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ở các khu công nghiệp ngày càng diễn biến phức tạp với những nguy cơ khó lường.

Từ đầu năm đến nay, số vụ ngộ độc tại bếp ăn khu công nghiệp liên tiếp tăng, và dự đoán, nguy cơ ngộ độc thực phẩm chưa dừng lại ở đó.
 
Nghèo dinh dưỡng

Khảo sát mới đây nhất của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, đa phần chất lượng bữa ăn của công nhân rất mất cân đối, năng lượng trong khẩu phần chỉ có 12% chất đạm, 16% chất béo, còn lại là các chất bột đường như gạo, ngô, khoai… PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, việc cung cấp thiếu năng lượng sẽ khiến người lao động bị bào mòn sức lực, ảnh hưởng nhất là đối với công nhân nữ lứa tuổi 18 - 25.

An toàn vệ sinh thực phẩm tại KCN: Ngày càng “nóng” - Ảnh 1

Bữa ăn trưa của công nhân tại Công ty TOHO Việt Nam, khu công nghiệp Thăng Long.      Ảnh:  Linh Anh

Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM cũng vừa công bố kết quả khảo sát từ 402 công nhân được chọn ngẫu nhiên, cho thấy có 19,2% công nhân bị thiếu máu. Trong đó, tình trạng thiếu máu ở công nhân nam là 10,2% và ở công nhân nữ, tỷ lệ cao hơn hai lần 24,5%. Đối với những công nhân chi tiêu cho ăn uống dưới 600.000 đồng/tháng có tỷ lệ thiếu máu gần gấp đôi so với người chi tiêu trên 600.000 đồng/tháng. Trước thực trạng này, PGS.TS Mai lo ngại, tình trạng thiếu dinh dưỡng trầm trọng của công nhân chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nòi giống. "Nếu người mẹ thiếu máu, suy dinh dưỡng, sinh con sẽ bị nhẹ cân, kém phát triển" - bà Mai nhấn mạnh.

Lại mất vệ sinh

Đề cập đến tình trạng mất ATVSTP tại các khu công nghiệp, TS Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết: "Tình hình ngộ độc thực phẩm ở khu công nghiệp diễn biến rất phức tạp. Số vụ ngộ độc thực phẩm ở các khu công nghiệp phía Nam nhiều hơn phía Bắc. Giá của suất ăn là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng. Nếu giá thành suất ăn thấp thì chắc chắn nguyên liệu không đảm bảo vì người ta buộc phải mua các nguyên liệu rẻ và rất rẻ".

Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có quy định về bữa ăn cho công nhân nên nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở này phó mặc cho tư nhân bên ngoài cung cấp. Các doanh nghiệp cung cấp uy tín khi đề nghị mức giá 15.000 - 17.000 đồng/suất với đủ điều kiện bảo quản, hâm nóng, an toàn vận chuyển thì rất khó kiếm được khách hàng. Vì vậy, nhiều công ty chỉ cung cấp suất ăn giá 7.000 -10.000 đồng.

Theo thống kê của Cục ATVSTP, trong giai đoạn từ năm 2007 - 2011 đã xảy ra 72 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể khu công nghiệp, khu chế xuất với gần 7.000 nạn nhân, trong đó gần 6.600 ca phải nhập viện. Riêng 3 tháng gần đây, nhiều vụ ngộ độc tập thể đã xảy ra tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, TP. HCM, Long An, Đồng Nai, Hải Phòng làm hàng trăm công nhân phải nhập viện điều trị. Gần đây nhất (cuối tháng 9 vừa qua), vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể của Công ty Hansoll Vina, khu công nghiệp Sóng Thần I, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương có quy mô lớn với hơn 1.600 người ăn, số người bị ngộ độc thực phẩm phải đi điều trị tại bệnh viện là 238 người.

Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP cho hay, Cục đã đề xuất Chính phủ có quy định khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất để các nhà máy xây dựng bếp ăn tự nguyện cho công nhân. Hiện nay, vấn đề này chưa có quy chế nên chưa thể yêu cầu các chủ đầu tư khu công nghiệp thực hiện. Vì vậy, trước mắt Cục ATVSTP khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện, sau này sẽ có quy chế bắt buộc.

Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trong thời gian tới sẽ chung tay giải quyết vấn đề này với mong muốn, bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp ngày một tốt hơn, vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa thực hiện tốt ATVSTP.Cục trưởng Cục ATVSTP Nguyễn Thanh Phong