70 năm giải phóng Thủ đô

An toàn vệ sinh thực phẩm- thực trạng và giải pháp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/9, UBMTTQ VN TP.HCM tổ chức Hội nghị chuyên đề về vệ sinh an toàn thực phẩm trong tình hình hiện nay - thực trạng và giải pháp.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đã được kiện toàn, phân cấp, việc phối hợp giữa các cơ quan bước  đầu có hiệu quả. Theo đó, đã triển khai công tác lấy mẫu giám sát, thanh tra, kiểm tra, tịch thu, tiêu hủy nhiều thực phẩm không đảm bảo an toàn nhằm ngăn chặn các sản phẩm đến tay người tiêu dùng, xây dựng mô hình thực tiễn TP.HCM. Nhận thức của nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng đã có nhiều chuyển biến trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm trung bình hàng năm 28%.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nguồn nông sản, thực phẩm nhập vào Thành phố tiêu thụ chưa kiểm soát được nguồn gốc; việc kinh doanh và sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép vẫn còn xảy ra. Có khoảng 80% sản phẩm nông sản thực phẩm nhập vào TP được nuôi trồng từ các tỉnh. Tuy có kiểm soát, cũng chủ yếu chỉ lấy mẫu test nhanh tại 3 chợ đầu mối nên vẫn chưa đánh giá hết được mức độ an toàn của thực phẩm…

 
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng đối với nguồn thực phẩm không an toàn ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người, mọi nhà. Các ý kiến đề xuất cần chặt chẽ trong khâu kiểm dịch động vật, kiểm soát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, kiểm tra vệ sinh thú y. Ngoài ra, hướng dẫn các hộ cơ sở nuôi trồng đảm bảo các điều kiện an toàn về chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp ngăn chặn việc sử dụng chất cấm; kiểm tra và kiên quyết xử lý các vi phạm về vệ sinh môi trường, nước thải, chất thải của các cơ sở nuôi thủy sản.

Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã đề ra các đề án, chương trình về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông, lâm, thủy sản. Trong đó, đáng chú ý là TP.HCM đã thí điểm quản lý theo chuỗi liên kết với 18 tỉnh đảm bảo cung ứng nguồn thực phẩm an toàn, các sở ngành ở các tỉnh sẽ kiểm soát chặt chẽ các khâu từ sản xuất, vận chuyển, bảo quản, chế biến từ trang trại đến bàn ăn. Bên cạnh việc khảo sát, lựa chọn hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có quy mô tập trung ở các tỉnh, thực hiện đúng quy định an toàn thực phẩm và đưa thực phẩm về tiêu thụ tại TP.HCM. Xây dựng mối liên kết giữa khu vực sản xuất và phân phối, bán lẻ trong các chuỗi nhà hàng.

Ngoài trách nhiệm kiểm soát và quản lý của cơ quan chức năng, thì vấn đề quan trọng không kém là thay đổi nhận thức của người dân đối với vấn đề trồng trọt, sản xuất, chăn nuôi, bảo quản để cung ứng nguồn thực phẩm xanh, sạch, đạt chuẩn, đảm bảo dinh dưỡng cho người tiêu dùng. Mặt khác, đối với người tiêu dùng, nên tẩy chay những mặt hàng không đảm bảo vệ sinh, lựa chọn những mặt hàng thực phẩm được khuyến khích sử dụng, đó cũng là cách tự bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình.

Chia sẻ về vấn đề trên đây, bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch UBMTTQ VN TP.HCM bày tỏ: “Chúng tôi cũng rất mong muốn có sự phân công phối hợp giữa các sở, ngành để làm sao quản lý tốt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm để đảm bảo được sức khỏe cho người dân. Hiện nay chúng ta đang thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nếu quản lý tốt, sẽ đảm bảo chất lượng hàng hóa Việt Nam, tạo lòng tin cho người dân ưu tiên sử dụng hàng Việt”.