Ấn tượng “Sân thơ thiếu nhi”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 22/2 (tức Rằm tháng Giêng năm Bính Thân), “Ngày thơ Việt Nam” lần thứ XIV đã khai màn tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám với chủ đề “Đất nước - Cánh buồm xuân". Ngày thơ năm nay gây bất ngờ với sự trở lại đầy ấn tượng của Sân thơ thiếu nhi bên cạnh Sân thơ trẻ tại sân Thái học.

Ươm mầm tài năng 

Sau một thời gian vắng bóng, năm nay, Sân thơ thiếu nhi trở lại trong chủ đề “Reo vang bình minh”. Những màn trình diễn thơ kết hợp nghệ thuật đương đại khéo léo đã tạo nên liên khúc thơ rạng rỡ. Những bài thơ quen thuộc với tuổi nhỏ Việt Nam hòa quyện với những tác phẩm do chính các tác giả nhí sáng tác.
Ngày thơ năm nay gây bất ngờ với sự trở lại đầy ấn tượng của Sân thơ thiếu nhi bên cạnh Sân thơ trẻ tại sân Thái Học.
Ngày thơ năm nay gây bất ngờ với sự trở lại đầy ấn tượng của Sân thơ thiếu nhi
Hai nhân vật chính Đức Hải và Bảo Châu, các nhóm nhảy nhí, cùng giọng ca The Voice Kids Hồng Khanh thực sự gây ấn tượng với công chúng. Những tràng pháo tay dành cho phần biểu diễn không ngớt, kết thúc 30 phút, khán giả vẫn đứng chật sân thơ. So với trước đây, Sân thơ nhí đã thực sự tạo được “cú hích” khi tái xuất.

Nhà thơ Thụy Anh tâm sự: “Câu chuyện thơ của các bạn nhỏ từ không gian thường nhật đầy áp lực học hành vươn ra khoảng trời mơ ước, bay bổng. Chỉ có thơ ca mới biến nó như một giấc mơ trở thành sự thật đối với các em”.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh chia sẻ thêm: “Suốt một thời gian, chúng ta chưa đặt đúng vị trí của Sân thơ thiếu nhi, trong khi thơ ca có ảnh hưởng rất lớn đến việc giáo dục nhân cách con người. Vậy nên, chúng tôi quyết định tái lập Sân thơ thiếu nhi và thành lập lại Ban Văn học thiếu nhi. Từ năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ trao giải thưởng văn học thiếu nhi riêng biệt ngang bằng giải thưởng văn học”. 

Hơn thế, như nhà thơ Lê Phương Liên cho biết, sở dĩ Sân thơ thiếu nhi và Sân thơ Trẻ đặt chung một sân khấu có chủ đề “Đường Xuân”, là bởi Ban Tổ chức tin rằng, những mầm non tài năng thơ nhí có thể học hỏi nhiều điều từ các sáng tác, cách trình diễn của đàn anh, chị. Minh chứng cho điều này là tác giả Ngô Gia Thiên An của sân thơ Trẻ trước đây từng góp mặt trong Sân thơ Thiếu nhi.

Thơ rộn ràng trở lại?

Dù Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh chia sẻ "Ngày thơ năm nay có sự đổi mới chứ không có gì thật mới", song cuộc chơi thơ này đã thành điểm hẹn của người yêu thơ mỗi độ Tết Nguyên tiêu. Bên cạnh đó, cũng giống chính hội ở Thủ đô, Ngày thơ ở các tỉnh, TP diễn ra sôi động và hấp dẫn không kém. Ngày Thơ tại TP Hồ Chí Minh gồm 3 chương trình hoạt động trong 3 ngày liên tiếp từ 13 đến 15 tháng Giêng năm Bính Thân không chỉ tôn vinh giá trị thi ca mà còn đưa thi ca ngày càng sâu với cuộc sống. Với chủ đề “Đón Xuân, mừng Đảng”, ngày Thơ Việt Nam tại Vĩnh Phúc; Lễ hội Thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên 2016 chủ đề “Những khát vọng mùa xuân”; Ngày thơ tại Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Hưng yên, Hải Phòng… cũng vô cùng náo nhiệt. 

Đặc biệt, dù Hội Nhà văn Việt Nam không chủ trương mời các nhà thơ quốc tế, nhưng dư âm của Ngày thơ năm ngoái, Phái đoàn châu Âu tại Việt Nam đã cử hai tác giả thơ quốc tế là nhà thơ Pháp đoạt giải thưởng Goncourt năm 1996 André Velter; nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu Bỉ từng giành Giải thưởng Sách châu Âu năm 2015 Jean-Pierre Orban tham gia trình diễn tại chương trình năm nay.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, người đã từng góp mặt ở nhiều hội thơ trên cả nước chia sẻ: “Có thể thấy, biểu tượng lá cờ thơ với hình tượng chim Lạc bay và bài Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) của Hồ Chí Minh trong ngày thi ca không còn xa lạ với nhiều người Việt Nam nữa. Nó có sức hút nhất định với công chúng yêu thơ, đó là một sự thật không còn nghi ngờ”.

Chứng kiến sự đông đúc của người tham dự từ cụ già đến em bé trên tay mẹ đều có mặt trong ngày thơ, bao người nhận ra rằng, ngày thơ thực sự đã trở thành ngày hội của các Câu lạc bộ thơ và công chúng yêu thích thể loại văn chương có tuổi đời cao nhất này.