Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Ấn tượng với bức thư đoạt giải Nhất UPU 51 của nam sinh Hà Nội

Kinhtedothi - Tại cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 51, bức thư của Nguyễn Bình Nguyên, lớp 9A1, trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội đã xuất sắc đoạt giải Nhất. Bình Nguyên đặt tên cho bức thư của mình là “Lời khẩn thiết từ Ngọn gió không biên giới".

Với chủ đề: “Em hãy viết thư gửi một người có tầm ảnh hưởng để trình bày lý do và cách thức họ cần hành động trước khủng hoảng khí hậu”, Nguyễn Bình Nguyên đã lựa chọn ý tưởng hóa thân thành ngọn gió để gửi thư cho Nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn.

Đại diện Ban tổ chức trao giải Nhất cho em Nguyễn Bình Nguyên
Đại diện Ban tổ chức trao giải Nhất cho em Nguyễn Bình Nguyên

Bình Nguyên cho biết: Em nghĩ rằng ngọn gió được đi nhiều nơi, có thể len lỏi khắp các ngõ ngách, chứng kiến nhiều điều và cũng là thứ có thể đem theo tiếng nhạc; vì vậy, nếu hóa thân thành ngọn gió thì sẽ nói được những nội dung không biên giới.

Còn lý do chọn người nhận thư là Nghệ sỹ tài danh Đặng Thái Sơn, tác giả bức thư đoạt giải Nhất UPU lần thứ 51 giải thích rằng: "Đó là nghệ sĩ mà em rất ngưỡng mộ về tài năng chơi piano cũng như tầm ảnh hưởng của ông. Thời điểm em viết bức thư, ông vừa trở về Việt Nam tham dự lễ trao giải Vinfuture nên càng dễ gợi sự tự hào và ý thức trách nhiệm trong mọi người - từ đó mỗi người sẽ được lay động bởi vấn đề biến đối khí hậu, nghĩ đến tương lai trái đất...".

Khi xác định có ý tưởng, chủ thể hóa thân và đối tượng nhận thư, bức thư đã rất nhanh chóng được viết ra, hoàn thiện, bám sát chủ đề của cuộc thi năm nay. Bức thư được nhận xét là một áng văn đẹp, bay bổng với thông điệp: Âm nhạc sẽ làm dịu bầu không khí căng thẳng về khủng hoảng khí hậu khắp toàn cầu. Âm nhạc có “quyền lực mềm” giúp mọi người thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường sống.

Nhà giáo Phạm Hương Giang- Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình chia sẻ niềm vui với em Nguyễn Bình Nguyên
Nhà giáo Phạm Hương Giang- Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình chia sẻ niềm vui với em Nguyễn Bình Nguyên

Chia sẻ về niềm vui, niềm hạnh phúc của con trai và gia đình, chị Nguyễn Thị Huyền Hậu- phụ huynh em Nguyễn Bình Nguyên cho biết: Bình Nguyên không hẳn thích học môn Văn nhưng đặc biệt thích viết các câu chuyện, truyện ngắn mà ở đó con được thỏa sức thể hiện sự sáng tạo của mình. Bức thư gửi tham dự Cuộc thi UPU lần thứ 51 cũng không nằm ngoài niềm yêu thích và sở trường của con.

Còn Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tri Phương Phạm Hương Giang tiết lộ thêm: Bình Nguyên tham gia CLB Văn từ năm lớp 6. Đây không phải lần đầu tiên con làm bạn với chữ nghĩa mà trước đó, con là cộng tác viên thường xuyên của Báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng, đã có 2 truyện ngắn đăng trên mục “Trang viết tuổi hồng” dành cho các cây bút nhỏ (tác phẩm “Giấc mơ” và “Tâm sự của cậu gà thời …Cô-vit”). Bình Nguyên cũng từng là thành viên đoàn học sinh Hà Nội dự Trại sáng tác trong Lễ tổng kết và trao giải Cây bút tuổi hồng của Hội Nhà văn Việt Nam kết hợp với Báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng tổ chức tại Đồng Tháp năm 2019; đồng thời từng đóng vai trò chính trong xây dựng nội dụng Tạp chí văn học “Tàu lên chóp núi” của riêng tập thể 8A1 (năm học 2020-2021)…

Trích đoạn bức thư Nguyễn Bình Nguyên gửi tham dự cuộc thi
Trích đoạn bức thư Nguyễn Bình Nguyên gửi tham dự cuộc thi

Theo Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tri Phương, thông tin Bình Nguyên đoạt giải Nhất Cuộc thi quốc tế UPU lần thứ 51 mang đến niềm hạnh phúc, niềm tự hào lớn đối với gia đình em cũng như với nhà trường. “Giải Nhất cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU 51 cấp Quốc gia năm nay của học sinh Nguyễn Bình Nguyên là giải Nhất thứ 6 của TP Hà Nội và là giải Nhất đầu tiên của quận Ba Đình từ trước tới nay ở cuộc thi này và đưa ngôi trường THCS Nguyễn Tri Phương đoạt giải Nhất tập thể sau gần 8 năm thành lập”- nhà giáo Phạm Hương Giang xúc động nói.

Với riêng Bình Nguyên, niềm hạnh phúc này thật bất ngờ và chắc chắn còn âm vang mãi. Cậu mong muốn sau khi tốt nghiệp THCS sẽ theo học trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) để tiếp tục được thỏa sức với những trải nghiệm, đam mê và nhiều dự định tốt đẹp phía trước.

Dưới đây là bức thư đoạt giải Nhất của Nguyễn Bình Nguyên:

Đêm trở gió, 20/1/2022

Gửi danh cầm Đặng Thái Sơn với đôi tay kì diệu!

Ông có bất ngờ khi nhận lá thư được tạo nên từ những tiếng xào xạc? Là cháu đây, ngọn gió lành, gửi đến ông những lời khẩn thiết.

Cháu đang ở đây, ngay bên cửa sổ! Còn ông ngồi trầm tư bên phím đàn. Ông vừa trở về từ Lễ trao giải VinFuture. Ở sân khấu quốc tế với những tên tuổi lừng danh ấy, âm nhạc của ông tạo nên mảnh ghép hoàn hảo cho hy vọng tương lai của nhân loại.

Ông vẫn nói: “Bạn cứ nghe tôi chơi nhạc, bạn sẽ hiểu tôi muốn nói gì!” Cháu cảm biết được tấm lòng của ông với cuộc đời. Nên, cháu hy vọng, ông và nghệ thuật của ông – mang sức mạnh tạo nên thay đổi, cứu vãn thảm họa thiên nhiên mà gió nhỏ đã tận mắt chứng kiến.

Từ khi được sinh ra từ cơn cựa mình của Mẹ, cháu đã du hành khắp thế gian. Những điều ấm áp cho cháu hạnh phúc và cũng có nhiều điều khiến cháu trăn trở.

Cháu băn khoăn: Một con mèo chết gục trước cửa ngôi nhà, mươi phút sau, nó được hất gọn sang cửa nhà đối diện -  Có một ranh giới con người giữ sạch sẽ riêng mình.

Cháu lo lắng: Cũng con phố ấy, ngày hè oi ả, trong khi ai đó nằm điều hòa mát lạnh; thì dưới gầm cầu, góc chợ tạm… còn bao người thở nghẹn trong lồng ngực - Có một ranh giới con người giữ tiện nghi riêng mình.

Cháu hoang mang: Dòng sông phía thượng nguồn đắp đập làm thủy điện, tận dụng triệt để sức nước; thì dưới hạ lưu, tập quán của một dân tộc bị tước đi, hoặc cảnh quan của một vùng bị biến đổi  -  Có một ranh giới con người giữ lợi ích cho riêng mình.

Nhưng hơn ai hết, ông - một nghệ sĩ chọn cho mình cuộc sống không biên giới, hiểu rằng, nhìn từ một phía nào đó, mọi ranh giới đều không tồn tại, phải không?

Trái đất đang nóng lên! Ở châu Phi, châu Mĩ, châu Âu… mùa hè ngày càng khắc nghiệt. Năm nào cũng có kỷ lục mới được xác lập về nhiệt độ cao hoặc số ngày nắng nóng kéo dài… Họ nhà gió lên cơn sốt trong khí quyển, trong đại dương, trên biển băng và khắp các lục địa.

Có ngọn gió hoảng loạn lao qua những cánh rừng cuốn theo ngọn lửa tự bùng lên như mất trí. Amazon, Úc châu, Đông Nam Á… tiếng rít lên thê thảm của những loài vật thét gào.

Có ngọn gió điên cuồng giật cấp 16,17 – siêu bão chồng siêu bão, lũ lụt, sóng thần, nhà sụp, người chết, cả một vùng đô thị, làng mạc bị xóa sổ.

Có ngọn gió oằn xuống trước người đàn ông quỳ lạy dòng nước lũ trả lại cho mình người vợ và đứa con chưa kịp chào đời; chẳng khác nào sự hủy diệt của chiến tranh, những đứa trẻ ngơ ngác tìm người thân trong đổ nát… – liệu còn ranh giới nào cho những ngôi nhà, vùng miền, quốc gia, phe phái?…

Ông đã nghe về tất cả những điều này? Ông cũng biết, trước khủng hoảng khí hậu, nếu con người không hành động, thảm họa diệt vong cũng sẽ không ranh giới?

“Bạn cứ nghe tôi chơi nhạc, bạn sẽ hiểu tôi muốn nói gì!”

Hỡi nhạc sĩ tài ba! Cháu khẩn thiết mong ông lên tiếng kêu gọi con người cứu bầu khí quyển ốm yếu này!

Cháu đã thấy bao trái tim rung lên trước âm nhạc của ông. Bao nhà khoa học, bao chính khách nghiêng mình trước tài năng và nhân cách của ông. Cháu hiểu rằng, ông với âm nhạc của ông mang một tầm ảnh hưởng lạ kì; và cháu hy vọng từ ảnh hưởng ấy, hàng triệu người sẽ thay đổi!

Ông ơi, cùng “tầm ảnh hưởng” với ông là những người nắm trong tay khả năng thay đổi thế giới. Các nguyên thủ, tỷ phú, các nhà khoa học, nghệ sĩ có khả năng định hướng tinh thần thời đại… - họ đã cùng ông xuất hiện trong những sự kiện giống như VinFuture, ông hãy lên tiếng nối rộng vòng tay tạo nên điều kì diệu cứu lấy tương lai của Trái đất này.

Ông không phải người đầu tiên, nhưng có thể trở thành người quyết định tạo nên thay đổi. Còn cháu - Ngọn gió không biên giới - nguyện sẽ cùng ông đưa bản “thiên ca – Lời đất mẹ” này tới muôn nơi:

“Hãy để gió hát ca giữa rừng xanh. Rừng không phải để chặt phá!

Hãy để gió đùa vui với sóng biển. Biển không phải để xả rác hay chôn giấu nguồn nước thải.

Hãy để gió sải cánh giữa không gian. Không gian không phải để xe cộ, ống khói túa ra nguồn khí cặn.

Hãy để gió ru trên cánh đồng, vuốt ve mái tóc bầy trẻ nhỏ; hãy để gió yêu thương…”

Ông ơi!

Cháu có một thỉnh cầu, khi nốt nhạc cuối cùng ngưng lại, ông hãy lên tiếng, rằng:

“Tôi, và âm nhạc của tôi, xin góp một hành động chữa lành vết thương của Trái đất này!”

Người bạn của ông - Cơn gió lành từ Đất mẹ!  

Cuộc thi UPU lần thứ 51 (năm 2022) do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) tổ chức. Tại Việt Nam, đây là cuộc thi lần thứ 34 được tổ chức do các cơ quan: Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT, Bộ TN&MT, Hội Nhà văn Việt Nam, TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội TƯ, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng phối hợp tổ chức. Cuộc thi được phát động và triển khai trên toàn quốc từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022 và được sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của các em học sinh.

Ngoài bức thư đoạt giải Nhất trên, Ban tổ chức còn trao 3 giải Nhì, 5 giải Ba, 30 giải Khuyến khích, 61 giải Cây bút Triển vọng; 2 giải dành cho các thí sinh là người khuyết tật. Các em đoạt giải Nhất, Nhì được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo.

Sau cuộc thi này, bức thư đoạt giải Nhất của Nguyễn Bình Nguyên sẽ được Ban tổ chức dịch ra tiếng Pháp gửi Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) tại Thụy Sĩ để dự thi quốc tế.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm quyền của giáo viên, học sinh

Bảo đảm quyền của giáo viên, học sinh

25 Jun, 04:45 AM

Kinhtedothi - Vấn đề dạy thêm, học thêm (DTHT) một lần nữa làm nóng tại nghị trường Quốc hội. Đề cập giải pháp quản lý hoạt động này, Bộ GD&ĐT tiếp tục nêu đề xuất đưa dạy thêm trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Dư luận đồng thuận cho rằng phải quản lý tốt việc DTHT tránh tràn lan, gây hệ lụy lâu dài cho xã hội và nâng cao chất lượng giáo dục

Bỏ tỷ lệ 40% học sinh THCS vào trường nghề: càng sớm càng tốt

Bỏ tỷ lệ 40% học sinh THCS vào trường nghề: càng sớm càng tốt

24 Jun, 05:45 AM

Kinhtedothi - Kỳ thi vào lớp 10 hàng năm áp lực, căng thẳng, được đánh giá là "khó hơn thi vào đại học". Vậy nên, dư luận, phụ huynh, học sinh đều bày tỏ sự đồng tình rất lớn với đề xuất của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về việc xem xét bỏ tỷ lệ 40% học sinh THCS vào trường nghề để sớm chấm dứt kỳ thi kinh hoàng vào lớp 10.

Để chính sách đi đường dài

Để chính sách đi đường dài

18 Jun, 06:04 AM

Kinhtedothi - Chính sách miễn, hỗ trợ học phí là bước tiến dài trên hành trình bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục công bằng, toàn diện cho mọi người dân. Vui mừng, háo hức, muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện là điều ai cũng muốn nhưng vẫn còn đó không ít trăn trở, đòi hỏi phải có sự cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng.

Nhân văn và công bằng

Nhân văn và công bằng

13 Jun, 04:37 AM

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội dự kiến chi hơn 3.000 tỷ đồng hỗ trợ bữa ăn bán trú cho khoảng 768.000 học sinh tiểu học cả công lập và tư thục trong năm học 2025 - 2026. Chính sách này không chỉ thể hiện sự quan tâm thiết thực của TP đối với học sinh mà còn nhận được sự đồng thuận từ đông đảo phụ huynh và Nhân dân Thủ đô.

Tạo cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp

Tạo cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp

28 May, 05:39 AM

Kinhtedothi - Chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Trần Thanh Bình đánh giá, Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực, đi vào cuộc sống, đã tạo nhiều điều kiện, hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ