Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Ảnh] Hà Nội: Những di tích in dấu ấn lịch sử sự kiện Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Hoàng Quân - Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hà Nội là nơi lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử gắn liền với sự kiện Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Những địa danh như: Quảng trường Ba Đình, nhà số 48 Hàng Ngang, Quảng trường Cách mạng tháng Tám là những dấu ấn lịch sử, niềm tự hào của gười dân Thủ đô nói riêng và cả nước noi chung.

Nhà số 101 Trần Hưng Đạo: Ngôi nhà thuộc phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, đây là trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội.

Tại đây, sáng ngày 16/8/1945, đồng chí Nguyễn Khang – Thường vụ xứ uỷ Bắc Kỳ thay mặt Thường vụ triệu tập cuộc họp với Thành uỷ để phổ biến Nghị quyết của xứ uỷ thành lập Uỷ ban Quân sự cách mạng Hà Nội (tức Uỷ ban khởi nghĩa)

Hình ảnh trước nhà 101 Trần Hưng Đạo hiện nay.

Quảng trường Cách mạng tháng Tám: Địa danh lịch sử này đã diễn ra 2 cuộc biểu tình liên tiếp trong 2 ngày 17 và 19/8. Trong đó, vào ngày 17/8, Đội Thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu đã tổ chức cướp diễn đàn tại cuộc mít tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim, để bày tỏ sự ủng hộ với mặt trận Việt Minh (Việt Nam Độc lập đồng minh) giành chính quyền.

Nhà hát Lớn Hà Nội: Xung quanh quảng trường có những công trình kiến trúc đẹp như Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, khách sạn Hillton. Gần một thế kỷ trôi qua, biết bao biến cố thăng trầm của thời gian, cùng với Thăng Long – Hà Nội, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám vẫn giữ nguyên giá trị lớn về lịch sử văn hóa, kiến trúc vừa cổ điển vừa hiện đại.
Cận cảnh mặt tiền nhà hát có tấm biển ghi dòng chữ "Nơi đây, ngày 19/8/1945 đã diễn ra cuộc mít tinh của hàng vạn quần chúng cách mạng do mặt trận Việt Minh thành phố tổ chức trước khi đi chiếm các cơ quan đầu não của địch trong TP.

Phố Tràng Tiền: Ngày 19/8, dưới sự bảo vệ của Thanh niên tự vệ, Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu, quần chúng nội - ngoại thành phố xếp thành đội ngũ, đi từ Nhà hát Lớn qua đường Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền) tỏa đi khắp các phố phường và hô vang khẩu hiệu: "Ủng hộ Việt Minh!", "Đả đảo bù nhìn!", "Việt Nam độc lập!".

Bắc Bộ phủ: Đây là ngôi nhà hai tầng ở số 12 phố Ngô Quyền, Hà Nội. Trong Cách mạng tháng Tám, lực lượng Việt Minh cùng Nhân dân Hà Nội đã tiến công và chiếm giữ tòa nhà này.

Ngày 19/8/1945, hàng vạn Nhân dân nội - ngoại thành xuống đường biểu dương lực lượng. Quần chúng cách mạng, có sự hỗ trợ của các đội tự vệ chiến đấu, chiếm Phủ Khâm sai Bắc Kỳ (Bắc Bộ phủ), cơ quan đầu não của Chính phủ Trần Trọng Kim.
Bắc Bộ phủ ngày nay được dùng để làm Nhà khách Chính Phủ (số 12 Ngô Quyền), phần mái che sảnh trước tòa nhà vẫn giữ nguyên như cách đây 75 năm.
Sở Cảnh sát T.Ư bên Hồ Gươm: Sau khi đánh chiếm thành công Bắc Bộ phủ, quần chúng cách mạng tiếp tục đánh chiếm Sở Cảnh sát Trung ương bên Hồ Gươm. Tòa nhà này, ngày nay là trụ sở Công an quân Hoàn Kiếm (số 2 Tràng Thi). (Hình ảnh tư liệu, hiện trụ sở Sở Cảnh sát T.Ư đang được tu sửa).

Nơi dừng chân đầu tiên của Bác Hồ từ Việt Bắc trở về:  Di tích nhà cụ Nguyễn Thị An (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) là nơi dừng chân nghỉ lại đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chặng đường từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội từ ngày 23/8/1945 để ra mắt quốc dân đồng bào, đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào ngày 2/9/1945.
Sở dĩ, nơi đây được lựa chọn là nơi Bác Hồ dừng chân nghỉ ngơi trong những ngày đầu tiên Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô bởi đây vốn là cơ sở cách mạng từ trước, từng nuôi dưỡng và bảo vệ các đồng chí trong lãnh đạo Ban Thường vụ T.Ư Đảng, cùng nhiều cán bộ cấp cao của Đảng như: Đồng chí Hoàng Tùng, Bạch Thành Phong… Tháng 8/2019, di tích Nhà cụ Nguyễn Thị An đón bằng Di tích cấp TP.
Số nhà 48 Hàng Ngang: Từ chiều 25/8 đến 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí T.Ư Đảng đã ở và làm việc tại nhà số 48 Hàng Ngang - chủ ngôi nhà khi ấy là ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, là cơ sở cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước cuộc mít tinh của hàng vạn nhân dân Thủ đô và các vùng lân cận, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập.