[Ảnh] Khánh Hòa: Làng đúc đồng trăm năm lo mất Tết Trung Vũ 15:24 04/01/2022 Chia sẻ Theo dõi Kinh tế đô thị trên Giá nguyên liệu (đồng) tăng gấp đôi cùng với việc sản phẩm tiêu thụ chậm khiến người dân làng nghề đúc đồng hơn 200 năm tại Khánh Hòa lo mất Tết... Nằm cách trung tâm TP Nha Trang - Khánh Hòa hơn 10km, Phú Lộc Tây là một trong những làng nghề truyền thống hiếm hoi ở Khánh Hòa còn tồn tại. Tại làng, từ giữa tháng 11 âm lịch hàng năm, những lò đúc đồng lại đỏ lửa để cho ra những sản phẩm thờ cúng như lư hương, chân đèn, đài đựng nước, cổ bồng... phục vụ nhu cầu Tết của người dân khu vực Nam Trung bộ và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên dù đã vào tháng Chạp âm lịch nhưng các đơn hàng của làng đúc không nhiều. Một số hộ chỉ làm cầm chừng hoặc chỉ làm theo một số đơn nhỏ lẻ. Nghệ nhân Biện Cư (SN 1951) - Phó Giám đốc Hợp tác xã đúc Phú Lộc cho biết, hiện cả làng có hơn 40 hộ làm nghề như chỉ còn khoảng 6 - 8 hộ có lò đúc đồng thường xuyên nổi lửa. Tuy nhiên, năm nay do giá đồng nguyên liệu tăng gấp đôi và các đơn hàng ít lại do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhiều hộ không nổi lửa làm hàng Tết. Ông Biện Cư cho biết, đến nay gia đình ông đã có 5 thế hệ theo nghề và nếu chiếu theo sắc phong vua Tự Đức thì làng nghề không dưới 220 năm. "Do các sản phẩm của làng đều làm thủ công có nét độc đáo và chất lượng riêng nên được thị trường đón nhận nhờ đó làng nghề sống được" - ông Cư chia sẻ. Theo các nghệ nhân của làng, để cho ra một sản phẩm bằng đồng hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn từ khâu làm khuôn, nấu đồng, đúc đồng, tinh chỉnh... Mỗi khâu đều có độ khó riêng và phải mất từ 3 - 4 năm học nghề người thợ mới có thể đứng làm riêng ở một công đoạn. Bởi nếu làm khuôn không chuẩn thì thành phẩm méo mó không đạt. Còn nếu nấu đồng không thạo chất lượng sản phẩm không tốt, đỗ đồng không chuyên sản phẩm bị lồi lõm hoặc thủng lỗ... "Bình thường, người dân chỉ nổi lửa đúc đồng vào ban đêm hoặc 2 lần một tháng. Riêng những tháng giáp năm số lần đốt lò tăng lên để kịp phục vụ cho những đơn hàng phục vụ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm nay do không có nhiều đơn hàng nên các hộ chỉ nổi lửa đúc đồng cầm chừng" - ông Biện Ngọc Anh Khoa - chủ một lò đúc đồng cho hay. Cũng theo ông Khoa, đây là năm thứ 2 làng bị ảnh hưởng do Covid-19. "Do dịch bệnh người đi mua đồng nguyên liệu không nhiều nên giá đồng tăng. Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn nên các tiểu thương không đặt thêm hàng mới khiến người làng gặp khó" - ông Biện Ngọc Anh Khoa nói. Có bộ lư hương của làng có giá từ 2,5 triệu đồng tùy theo kích thước. Hiện các sản phẩm được bán rộng rãi trên cả nước nhưng nhiều nhất là khu vực Nam Trung Bộ và TP Hồ Chí Minh. Ông Biện Ngọc Triền cho biết, thời điểm này những năm trước ông làm đến tận khuya để kịp các đơn hơn bán đi các tỉnh thành nhưng năm nay chỉ túc tắc ra hàng. Nhiều lò nấu đồng ở làng Phú Lộc Tây cũng nguội lạnh thay vì nổi lửa ngày đêm như những năm trước. Tuy khó khăn mùa dịch nhưng người làng Phú Lộc Tây cho biết, nghề đúc đồng của làng là nghề cha truyền con nối nên quyết tâm giữa nghề. "Nghề đúc tuy vất vả khi phải làm việc với cái nóng ran người và phải kỳ công học nghề trong nhiều năm, nhưng ai theo nghề đều có thu nhập ổn định. Những năm qua, chúng tôi cố gắng truyền nghề cho lớp trẻ. May mắn, thế hệ người trẻ ở làng vẫn đi tiếp con đường cha ông đã chọn" - nghệ nhân Biện Cư chia sẻ.