Angel Gurria, Tổng thư ký OECD khẳng định những thế hệ sau sẽ phải trả giá đắt cho Brexit. “Là một phần của châu Âu, Anh sẽ mạnh mẽ hơn, đồng thời châu Âu cũng cứng cáp hơn với động lực từ Anh”, theo ông Gurria.
Tổng thư ký OECD cảnh báo những thiệt hại người dân Anh có thể đối diện nếu rời khỏi EU. |
Góp thêm tiếng nói cùng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đại diện OECD đồng quan điểm cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Anh trong EU hôm 23/6 tới sẽ là cú sốc đối với Anh, cũng như EU.
“Ở một số khía cạnh, Brexit giống một loại thuế mới áp đặt lên GDP, khiến chi phí gia tăng lên nền kinh tế. Nếu Anh tiếp tục ở lại EU, thì sẽ không gặp thiệt hại”, theo OECD. “Tới năm 2020,nếu Anh rời khỏi EU, GDP của nước này sẽ giảm 3% so với điều kiện tiếp tục ở lại EU, tương đương thiệt hại ước tính 2.200 bảng đối với mỗi hộ gia đình”, theo OECD ước tính cụ thể. Trong dài hạn, năng lực lao động của Anh sẽ chững lại bởi nguồn đầu tư giảm và nguồn lao động thiếu phong phú khiến năng lực giảm theo. Tới năm 2030, GDP của Anh có thể giảm hơn 5% so với tiếp tục ở lại EU. Lúc đó thiệt hại mỗi hộ dân phải gánh sẽ lên tới 3.200 bảng. Ông Gurria nhận định, không có lý do nào mà Anh có thể giành được những thỏa thuận lớn về thương mại, đầu tư và di cư tốt hơn so với việc tiếp tục ở lại EU. Cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Anh trong EU dự kiến diễn ra ngày 23/6 tới. Hiện người dân nước này vẫn chia rẽ quan điểm trong vấn đề trên.