[Ảnh] Tái dựng nghi lễ dựng cây nêu, thả cá chép ở cung đình Thăng Long

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 4/2, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Tân Sửu 2021 với chủ đề “Tân Sửu nghênh xuân”, tái hiện nhiều nghi lễ truyền thống.

 Một trong những phong tục văn hóa truyền thống của người Việt được tái hiện là nghi lễ thả cá chép.
 Phong tục thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp là dựa trên sự tích cá chép vượt vũ môn và hóa rồng. Nghi thức thả cá chép trong lễ ông Công ông Táo được chuẩn bị kỹ lưỡng, đoàn rước ăn mặc chỉnh tề trong trang phục truyền thống áo the, khăn xếp.
 Sau khi làm lễ tại Điện Kính Thiên, cá chép được đưa đi thả. Theo truyền thống, cá chép còn đại diện cho sự phát triển và khả năng sinh sôi rất lớn. Điều này tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sự sinh sôi, phát triển của người Việt xưa.
 
 Năm con cá chép đỏ được đựng trong chậu bằng đồng thau, sau khi làm lễ cúng được rước ra sông cổ tại khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu để phóng sinh.
 Phong tục thả cá chép được tiến hành nhanh gọn. Đây là một phong tục rất ý nghĩa. Việc chúng ta thả cá chép vào nước còn mang ý nghĩa phóng sinh, khuyến khích con người yêu thiên nhiên, yêu động vật.
 Sau khi tiễn ông Công ông Táo về trời, đoàn rước trở về khu vực Đoan Môn tái hiện việc dựng cây Nêu ngày tết. Theo quan niệm dân gian, cây nêu được dựng nên để đánh dấu thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, đồng thời tập tục này còn mang ý nghĩa cầu mong quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi.
 Trước đây, dưới thời các triều Lý, Trần, Lê, tục dựng cây nêu thường được tổ chức vào ngày 23 hoặc 25 tháng Chạp. Cây nêu được dựng trước cổng Đoan Môn thường do nhà vua làm chủ lễ hoặc phải là viên quan hàm Tam phẩm trở lên mới được nhận chỉ dụ của nhà vua làm chủ lễ.
 Cây nêu được dùng là loại tre đực, cao, to, được chặt sạch các cành chỉ để lại trên ngọn có nhánh lá. 
 Trước khi dựng nêu phải lập đàn tế trời đất, sau phần lục cúng, ngũ bái dâng lễ vật mới tiến hành động thổ dựng nêu. 
 Trên ngọn cây treo một lá phướn dài, cùng những chiếc khánh đất, chuông gió để những vật đó va đập nhau kêu leng keng trong gió với ý nghĩa để trừ ma quỷ, mong ước một mùa xuân tươi vui, cả năm an lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. 
  Phong tục tốt đẹp này mới được khôi phục mấy năm gần đây và được coi là một biểu tượng văn hóa truyền thống của đất Hà thành trong những ngày Tết Nguyên đán.
 Những nghi lễ này có ý nghĩa tiễn năm cũ qua đi và đón năm mới đang đến. Theo tục lệ xưa, các gia đình chỉ được tiến hành nghi lễ này tại tư gia khi nghi lễ tại hoàng cung đã kết thúc. Trong vài năm trở lại đây, nghi lễ này đã được tái hiện nhằm bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đầu tiên, đoàn rước hành lễ tại khu vực thềm điện Kính Thiên trước khi thực hành lễ phất thức - mang ý nghĩa kết thúc năm làm việc.