Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Ảnh] Tiến độ dự án đốt rác phát điện lớn nhất Việt Nam

Vân Nhi - Duy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện tại, dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc… sẵn sàng tiếp nhận rác dần dần từ giữa tháng 8/2021.

Theo chủ đầu tư, dự án Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc.
Lãnh đạo Công ty CP Năng lượng Môi trường Thiên Ý (HNTY) cho biết, dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn được chia ra làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 được vận hành vào cuối tháng 5/2021 gồm 2 lò đốt (lò đốt số 3, 4), bể rác số 2, phòng xử lý khí thải số 2, ống khói số 2, hệ thống xử lý nước thải số 1; giai đoạn 2 được vận hành vào cuối tháng 8/2021 gồm 2 lò đốt số 1, 2, bể rác số 1, phòng xử lý khí thải số 1, ống khói số 1, hệ thống xử lý nước thải số 3; giai đoạn 3 được vận hành vào cuối tháng 9/2021 gồm lò đốt số 5, bể rác số 2, hệ thống xử lý nước thải số 2.
Các hạng mục còn lại chủ yếu là quét một phần tường bao bên ngoài, công tác nền và hoàn thiện...
Hiện tại, trừ khu vực xử lý tro xỉ, phần xây dựng của Nhà máy đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn lại một số công tác cuối như quét một phần tường bao bên ngoài, công tác nền và hoàn thiện…
 Dự kiến giữa tháng 8/2021, dự án sẽ bắt đầu tiếp nhận rác.
Cụ thể, giai đoạn 1 đã hoàn thành lắp đặt thiết bị chính và phụ trợ, đang thực hiện đấu nối và căn chỉnh tĩnh thiết bị của lò đốt số 3, 4; giai đoạn 2 đã hoàn lắp đặt thiết bị chính, thiết bị phụ trợ và hoàn thành lắp đặt 65%, đồng thời thực hiện đấu nối thiết bị và căn chỉnh tĩnh đối với thiết bị chính tại lò đốt số 1, 2; đối với giai đoạn 3, đã lắp đặt được 97% thiết bị chính, 50% thiết bị phụ trợ và đang triên khai lắp đặt đồng bộ.
 Chủ đầu tư thực hiện chạy xe không tải để làm quen với quy trình, thao tác tiếp nhận rác.
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ của dự án, dưới sự chỉ đạo của Sở Xây dựng Hà Nội, HNTY đã tổ chức giới thiệu quy trình tiếp nhận rác vào nhà máy và quy định về các loại rác thải đối với 17 đơn vị thu gom, vận chuyển rác. Hiện tại, đã thực hiện xong đối với 14/17 đơn vị…
 Theo phương án, các xe chở rác sau khi đến với nhà máy sẽ được cân trọng tải bằng hệ thống cân tự động.
Cũng theo lãnh đạo HNTY, công suất xử lý của Nhà máy là 4.000 tấn/ngày, do đó, lượng rác thực tế vào nhà máy sẽ dao động khoảng 5.000 - 5.500 tấn/ngày, với số lượng xe khoảng 600 xe/ngày. Cũng trong ngày hôm nay (28/7), HNTY đã phối hợp với các đơn vị chức năng chạy xe không tải để các lái xe làm quen với quy trình, thao tác từ mọi khía cạnh liên quan như an toàn, điều độ…
 Sau khi hoàn thành việc đổ rác vào bể chứa, các xe sẽ được bố trí di chuyển theo một đường khác.
Tiếp đó, những chiếc xe chở rác sẽ quay lại khu vực cân tự động để xác định trọng lượng xe để xác định lượng rác đã đổ vào bể chứa.
Theo lãnh đạo HNTY, hiện nay, giai đoạn lắp đặt và căn chỉnh thiết bị cho dự án cần khoảng 50 chuyên gia, lao động kỹ thuật (của gần 40 Nhà sản xuất) nhập cảnh vào Việt Nam để thực hiện. Hơn nữa, phía Trung Quốc cũng thắt chặt các yêu cầu xin xuất cảnh, hồ sơ xin xuất cảnh lên đến 15 đầu mục, yêu cầu qua nhiều cơ quan phê duyệt, thời gian thực hiện mất khoảng 3 tháng (từ tháng 5 đến nay, HNTY chưa có người nào nhập cảnh), đặc biệt là yêu cầu về số năm kinh nghiệm đối với nhân viên công ty, đa số lao động kỹ thuật lâu năm đều tốt nghiệp các trường đào tạo nghề, không đáp ứng được yêu cầu nhập cảnh phía Việt Nam (phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành, hợp pháp hóa lãnh sự bằng đại học).
Để dự án sớm hoàn thiện đi vào hoạt động, HNTY kiến nghị UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan nới lỏng một số yêu cầu, phê duyệt cho khoảng 50 chuyên gia sớm được nhập cảnh vào Việt Nam,
Từ đó, HNTY kiến nghị UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan nới lỏng một số yêu cầu, phê duyệt cho khoảng 50 người sớm được nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt là các thiết bị quan trọng, vì rất có thể chỉ vì 1 thiết bị không hoạt động bình thường mà chậm tiến độ cả dây chuyền sản xuất.